Cuộc đối thoại với các doanh nghiệp tại Bộ GTVT sáng nay, 28.6, đã biến thành cuộc tranh cãi kịch liệt giữa taxi truyền thống và Uber, Grab , trong khi cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được phương án xử lý thỏa đáng.
Uber, Grab không chịu công khai số lượng xe
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho rằng các doanh nghiệp taxi không nhằm mục tiêu đấu tranh giữa taxi truyền thống và công nghệ, mà liên quan đến chính sách của cơ quan quản lý. Lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội cũng dẫn chứng: Chính phủ chỉ đạo phải đảm bảo chặt chẽ khi thí điểm, nhưng sau 17 tháng thực hiện, số lượng xe tại Hà Nội và TP.HCM đã lên xấp xỉ 40.000 xe, yêu cầu là cạnh tranh lành mạnh giữa 2 loại hình, nhưng taxi truyền thống chịu 13 quy định như "vòng kim cô", trong khi Uber, Grab thì không bị.
Một đại diện khác của Hiệp hội taxi Hà Nội thì cho rằng, với doanh thu khoảng 30 triệu đồng/tháng mỗi tài xế, nếu tính trên 40.000 xe hiện tại, tổng số thuế phải đóng là 54 tỉ đồng/năm, dòng tiền chảy từ trong nước ra nước ngoài mỗi năm hơn 2.800 tỉ đồng.
Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT quy hoạch số lượng phương tiện taxi công nghệ Grab, Uber, cũng như đặt biển cấm loại hình này trên một số tuyến phố.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM đề nghị: Phải nhận diện làm rõ bản chất Uber, Grab là gì? Nếu 2 công ty này tự cho là công ty công nghệ, chỉ làm nhiệm vụ cung cấp phần mềm kết nối, chỉ đóng vai trò trung gian thì cũng cần làm rõ.
Hiện tại đang giai đoạn thí điểm, nhưng theo ông Hỷ, số lượng xe phát triển không ngừng, trong khi taxi truyền thống bị kiểm soát chặt thì Uber, Grab lại được thả lòng. “Taxi có thể thua lỗ phá sản, nguyên nhân không vì Grab, Uber, mà chết vì chính sách của nhà nước không kịp thay đổi”, ông Hỷ nói.
Trước “tấn công” mạnh của các doanh nghiệp taxi truyền thống, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc GrabTaxi, cho rằng: “Chúng tôi làm gì cũng bị phàn nàn, khuyến mại giá thấp cũng bị kêu, nhân giờ cao điểm cũng bị kêu. Đây là chính sách linh hoạt về giá, về tăng thêm thu nhập cho lái xe. Tại sao taxi truyền thống kêu khó khăn nhưng không chuyển sang thí điểm hợp đồng điện tử?”.
Đại diện của Grabtaxi và Uber Việt Nam đều khẳng định kinh doanh đúng quy định pháp luật Việt Nam, nhưng từ chối cung cấp số lượng chính xác xe đang hoạt động, với lý do bí mật kinh doanh.
Đại diện Uber Việt Nam cho rằng, Uber Việt Nam không phải công ty taxi hay doanh nghiệp vận tải vì không sở hữu phương tiện nào. “Uber là doanh nghiệp phần mềm đa quốc gia, cũng giống như Facebook giống báo nhưng không sở hữu tờ báo nào, trang mạng Agoda đặt phòng khách sạn nhưng không sở hữu khách sạn nào”, đại diện Uber Việt Nam nói.
Tuy nhiên, phần trả lời này vấp phải phản ứng mạnh của các doanh nghiệp taxi truyền thống, khi cho rằng Grab và Uber chưa nộp đúng, đủ số thuế. Đặc biệt, Grab đang vi phạm pháp luật khi Bộ GTVT chưa đồng ý nhưng vẫn công khai triển khai dịch vụ đi chung Grabshare.
Hà Nội, TP.HCM muốn quản lý Grab, Uber như taxi
Ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đang có nhiều bất cập quản lý số lượng xe thí điểm hợp đồng điện tử và đề nghị Bộ GTVT cho phép Hà Nội tạm dừng thí điểm số lượng doanh nghiệp và số lượng phương tiện tham gia.
Ông Quang cho rằng, việc thiếu chế tài xử lý vi phạm cũng là lý do khiến gây khó khăn khi xử lý với các xe hợp đồng điện tử vi phạm. Quan điểm của Hà Nội là quản lý xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab… quy về hoạt động như xe taxi.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ tham mưu cho TP ngưng cấp phù hiệu với xe hợp đồng điện tử Ảnh Mai Hà
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết đang cùng các sở ngành tham mưu TP có quyết định về việc thí điểm Uber hay không. Ông này cho rằng phải nhận diện rõ Grab, Uber là taxi kiểu mới hay hợp đồng điện tử để có hình thức quản lý, điều tiết, và khuyến nghị nên định hướng Grab, Uber như taxi công nghệ. Các sở, ngành sẽ tham mưu cho HĐND TP.HCM ngưng cấp phù hiệu với xe hợp đồng.
Đại diện Sở GTVT Đà Nẵng thậm chí bức xúc nêu vấn đề, lý do tại sao Đà Nẵng không đồng ý cấp phép nhưng vẫn có 1.000 xe Grab chạy tại thành phố này. Grab vi phạm pháp luật sao không bị xử lý?
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, cho rằng Bộ GTVT chỉ đưa ra chủ trương thí điểm xe hợp đồng điện tử, việc dừng thí điểm hay khống chế số lượng xe thí điểm đăng ký các địa phương phải tự quyết, vì Bộ đã ủy quyền, không cần xin ý kiến của Bộ nữa.
Việc quản lý phù hiệu, logo cũng đã được giao cho các TP, có thể sử dụng logo chung cả thành phố để tránh làm giả, Hà Nội nếu thấy cần thiết có thể làm ngay.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, các điều kiện thiếu công bằng giữa 2 loại hình taxi, trong đó có 13 điều kiện ràng buộc với taxi truyền thống, sẽ được xem xét lại xem có phải gỡ bỏ không, để tạo bình đẳng.
Tuy nhiên, ông Trường cũng nhắn nhủ, taxi truyền thống phải hiểu khi Uber, Grab đã giảm giá rất nhiều mà vẫn có lãi thì giá taxi đang có vấn đề, lỗ là do chi phí quá lớn, bộ máy cồng kềnh. Taxi các nước lịch sự, sạch sẽ, có điểm dừng đỗ, hành khách phải xếp hàng chờ đến lượt lên. Taxi Việt Nam làm được thế thì taxi công nghệ cũng khó vào. Thay vì tìm lỗi người khác, sao không tăng chất lượng dịch vụ của mình”, ông Trường nói.
Ông Trường cũng đồng thời yêu cầu taxi công nghệ phải công khai số lượng phương tiện, để cơ quan quản lý có giải pháp và đưa ra lộ trình phát triển số lượng theo hạ tầng. Ví dụ, sân bay quá tải thì Vietjet Air cũng không thể mua quá nhiều máy bay được.
Xử lý nghiêm vi phạm Grabshare của Grab
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết sẽ làm việc với từng thành phố và Uber, Grab để làm rõ hơn mô hình hoạt động.
“Về Grabshare, tôi đã phải ký văn bản hỏa tốc mà vẫn khai trương tưng bừng là vi phạm pháp luật. Tôi làm việc với đại diên Uber, Grab, người nước ngoài rất coi trọng pháp luật Việt Nam, nhưng các anh là người Việt Nam mà không tôn trọng luật Việt Nam, sẽ phải xử lý nghiêm”, ông Trường nói.
Bình luận (0)