'Tay hòm chìa khóa': Khi 3 tác giả nữ chia sẻ về quản lý tài chính

31/07/2022 22:12 GMT+7

Buổi ra mắt sách Tay hòm chìa khóa chiều ngày 31.7 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1) hết sức gần gũi, thiết thực khi chủ đề tác phẩm chạm đến vấn đề thường nhật của bất kỳ ai: quản lý tài chính.

Buổi giới thiệu ra mắt sách mang đầy tính nữ này - việc quản lý tài chính của phụ nữ, sách do 3 tác giả nữ viết, đồng thời do NXB Phụ nữ Việt Nam (phối hợp với LP Books) "đỡ đầu" - giúp cho tác phẩm Tay hòm chìa khóa - Bí quyết quản lý tài chính cho người chưa giàu thu hút sự chú ý, trao đổi thú vị giữa tác giả và người tham dự.

Ba tác giả của quyển sách Tay hòm chìa khóa, từ trái qua, bao gồm doanh nhân Nguyễn Thị Hải Bình, luật sư Đậu Thị Quyên và nhà đào tạo Nguyễn Bình Minh

THẾ SANG

Tiền không là tiên, là Phật

Cả 3 tác giả của Tay hòm chìa khóa đều là những phụ nữ thành đạt, có thâm niên trong việc quản lý và tư vấn tài chính. Cơ duyên để các tác giả nữ viết nên Tay hòm chìa khóa, như luật sư Đậu Thị Quyên chia sẻ, xuất phát từ một câu chuyện đau lòng và hoang mang của một phụ nữ đến văn phòng của cô và xin tư vấn về việc mất trắng 10 tỉ đồng. Đồng cảm với câu chuyện của chị Quyên, doanh nhân Nguyễn Thị Hải Bình và nhà đào tạo Nguyễn Bình Minh đã cùng cô bắt tay vào viết sách. Song điều đáng ngạc nhiên là 3 tác giả chỉ với 2 lần gặp mặt đã cho ra đời quyển sách bổ ích, thiết thực này.

Quyển sách Tay hòm chìa khóa không quá dày (trên 300 trang), cũng không gây khó khăn cho tác giả trong việc đặt tên, chọn nội dung cũng như cách triển khai. Nhắc đến "tay hòm chìa khóa", các tác giả cho biết, điều này giúp cho người nghe/người đọc nhận biết ngay đến vấn đề tài chính.

Sách Tay hòm chìa khóa không quá dày, phù hợp với mọi người

THẾ SANG

Tác phẩm mà cả 3 chị viết chung là "bật mí" những "bí mật" về cách quản lý đồng tiền cho bất kỳ ai. MC Jenny Quế Phương nhận xét Tay hòm chìa khóa "gãi đúng chỗ ngứa" cho nhiều người khi tác phẩm chạm vào vấn đề vừa thiết thực, vừa là nan đề của nhiều người khi nhiều quyển sách khác về quản lý tài chính cá nhân trên thị trường không nêu bật lên được.

Không có "chén Thánh" nào để giúp mọi người kiếm tiền nhanh, chị Nguyễn Thị Hải Bình chia sẻ. Còn với chị Jenny Quế Phương, tiền không là tiên, là Phật, nhưng con người cũng không nên hạ thấp đồng tiền vì như thế, người ta dễ rơi vào nghèo đói. Với tác giả Đậu Thị Quyên, chị xem quyển sách như là món quà tinh thần gửi đến mọi người, như lời giới thiệu được đề trong tác phẩm, đó là những ai miệt mài lao động nhưng vẫn "chưa giàu". Các tác giả cho biết, "chưa giàu" ở đây không phải không có nhiều tiền của, vật chất mà đó là chưa nhiều kinh nghiệm quản lý dòng tiền, cách thu chi phù hợp.

Tiền là bạn đồng hành của mọi người

Đối tượng mà các tác giả hướng đến khi viết quyển sách này không hẳn là dành cho nữ giới, những người nắm "tay hòm chìa khóa" trong gia đình, chị Nguyễn Thị Hải Bình tâm sự.

Trong phần tương tác với khách mời, khi được hỏi rằng các tác giả có phần nào "ưu ái" cho nữ giới khi viết quyển sách này hay không, chị Bình cho biết đâu đó ngoài kia, nhiều người đàn ông vẫn đang nắm "tay hòm chìa khóa", do đó, tác phẩm không khu biệt về giới. Chị cũng dẫn ra một ví dụ rất hóm hỉnh đó là khi nói về quản lý chi tiêu trong nhà, đàn bà như cái cổ, đàn ông như cái đầu, cái đầu hiển nhiên sẽ nắm quyền chi phối nhưng sẽ bất khả nếu như cổ "bất động".

Luật sư Đậu Thị Quyên (cầm mic) chia sẻ về kinh nghiệm quản lý chi tiêu gia đình

THẾ SANG

Việc quản lý chi tiêu (từ góc độ cá nhân hay rộng hơn là gia đình, doanh nghiệp) nên bắt đầu sớm hay muộn cũng được "mổ xẻ" trong buổi ra mắt. Tác giả Nguyễn Bình Minh cho biết việc quản lý tài chính của mỗi người nên được bắt đầu càng sớm càng tốt. Chị Bình Minh thừa nhận bản thân không biết nhiều về tài chính, do đó, khi nhận lấy một bài học về tiền bạc, chị vỡ lẽ và nghiêm túc hơn trong việc quản lý thu, chi, đồng thời bộc bạch cha mẹ nên là những người thầy đồng hành cùng con cái sớm nhất có thể về vấn đề này.

Chị Đậu Thị Quyên là cây bút có đến 4 quyển sách đã "ra lò", bao gồm quyển Tay hòm chìa khóa viết chung lần này. Với tác phẩm mới, điều mà chị quan tâm là sự chi phối của đồng tiền lên đời sống tinh thần của con người. Khi được hỏi rằng với xuất thân là một người làm về luật, không chuyên môn về ngành tài chính thì điều gì giúp chị có nhiều kinh nghiệm trong việc thu, chi của bản thân cũng như gia đình, chị có trả lời một ý rất hay đó là mỗi người không hẳn là một chuyên gia về tài chính thì mới có thể quản lý tốt tiền bạc. Chính nền tảng gia đình (chuyện cha mẹ thu chi), nền tảng xã hội đã trở thành một bối cảnh, một phông nền để mọi người tự học hỏi, tự soi rọi lại chuyện tiền nong của bản thân để trở thành một "chuyên gia" tài chính theo cách của riêng mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.