Tay nghề giỏi thì không sợ thất nghiệp

07/06/2018 15:53 GMT+7

Bạn Nguyễn Đức Lợi, học Trường trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương, đạt huy chương vàng nghề bảo trì máy CNC, chia sẻ: Em nghĩ khi đất nước đang cần những người thợ, thì người có tay nghề giỏi không bao giờ sợ thất nghiệp.

Sáng nay 7.6, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã tổ chức lễ tuyên dương những thí sinh thuộc đoàn TP.HCM đoạt giải trong kỳ thi Tay nghề quốc gia lần thứ 10.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, năm nay Đoàn TP.HCM có 44 thí sinh tham gia Kỳ thi Tay nghề quốc gia ở 22 nghề. Trong đó, có 31 thí sinh đạt giải. Cụ thể, 10 thí sinh đạt huy chương vàng, 2 thí sinh huy chương bạc, 6 thí sinh huy chương đồng và 13 thí sinh đạt giải khuyến khích.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trao bằng khen cho các thí sinh MỸ QUYÊN

Cũng tại lễ tuyên dương, các thí sinh đạt giải cao nhất đã có buổi giao lưu với học sinh các trường CĐ, trung cấp tại TP.HCM.

Bạn Lê Phương Toàn, học Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigon Tourist, đạt huy chương vàng nghề bếp, cho biết mình đã nỗ lực rất nhiều với mong muốn sẽ đạt được thành công trong nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Toàn cho rằng: “Nếu muốn thành công thì bạn phải có khao khát. Nỗi khao khát thành công đó phải lớn hơn nỗi sợ bị thất bại. Làm việc bằng tất cả sự nỗ lực, đam mê, học hỏi và đừng sợ hãi”.

Trong khi đó, Nguyễn Đức Lợi, Trường trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương, đạt huy chương vàng nghề bảo trì máy CNC chia sẻ về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Lợi cho biết: “Em thi THPT quốc gia với số điểm khá cao, có thể vào một trường ĐH nào đó để học, nhưng sau khi tìm hiểu rất kỹ, em thấy học ĐH 4 năm mới ra trường, mà ra trường xin việc không dễ, trong khi học trung cấp lại nhanh tốt nghiệp để đi làm hơn. Nghề em chọn là bảo trì thiết bị hệ thống cơ khí, nhu cầu tuyển dụng rất cao. Em nghĩ khi đất nước đang cần những người thợ giỏi, thì người có tay nghề giỏi không bao giờ sợ thất nghiệp”.

Theo Lợi, bạn trẻ có thể lựa chọn 2 con đường đi tới tương lai, đó là học ĐH hoặc học nghề để nhanh có công việc, có thu nhập sau đó ổn định thì học tiếp. “Lựa chọn như thế nào còn phụ thuộc vào năng lực, hoàn cảnh, điều kiện, sở thích của mỗi người và con đường nào cũng có thể thành công nếu quyết tâm và nỗ lực”, Lợi bày tỏ.

Bạn Phạm Văn Tâm, sinh viên Trường CĐ nghề TP.HCM, đạt giải khuyến khích nghề điện tử, cũng nhìn nhận: “Em thấy ngày nay hầu như ai cũng muốn học ĐH mà không tìm hiểu xem thị trường lao động đang cần gì, khối ngành nào đang thiếu nhân lực… Em lựa chọn học nghề vì nó phù hợp với hoàn cảnh cũng như sự yêu thích của bản thân. Năm nay em mới ra trường, nhưng em đang có cơ hội việc làm tại ngay công ty mà em thực tập".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.