Đường phố là nhà
Khoảng 9 giờ tối, ông Năng (70 tuổi) và ông Vẹn (60 tuổi) ngồi tại giao lộ Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) với Nguyễn Cư Trinh (Q.1, TP.HCM) đánh vài ván cờ tướng giải khuây sau một ngày mệt nhọc. Hai ông là người quê Đồng Tháp, lên Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề đạp xích lô chở du khách đến nay cũng ngót ngét 30 năm.
Cuộc sống gia đình ở quê khó khăn, thu nhập không ổn định là lý do mà những người đạp xích lô phải xa quê, bám trụ nơi thành phố. “Lên đây chỉ có đạp xích lô thôi chứ có biết làm việc gì. Ngày trước, mới lên thì mướn xe người ta chạy. Vài năm tích góp giờ cũng có con xe của mình”, ông Năng chia sẻ.
Còn với ông Vẹn, nghề này cũng cho ông và gia đình cuộc sống khá ổn định. Ông nói: “Nghề này cũng kiếm được chút đỉnh. Tôi trên này đi làm cố gắng dành dụm đặng gửi về cho vợ, con ở dưới”.
Cũng bởi gánh nặng cơm áo, gạo tiền của cả gia đình mà hai ông không thuê nhà ở. Xích lô hoạt động chủ yếu ở khu vực trung tâm nơi có nhiều khách du lịch và gần những địa điểm tham quan nổi tiếng. Vì vậy, giá thuê nhà ở đây luôn vào thuộc hàng đắt đỏ. “Tiền làm nuôi cả gia đình không đủ ăn nữa cô ơi, lấy đâu mà thuê nhà. Đường phố là nhà, xe là giường, là chiếu. Tắm giặt thì có nhà vệ sinh”, ông Năng tâm sự.
|
Nói về cái cơ cực của nghề, ông Vẹn nghẹn ngào: “Nếu mưa thì vô mái hiên nhà người ta trú tạm, tạnh thì ra. Ngủ trong đó muỗi chích, không mưa ra đường ngủ cho thoáng. Cuộc sống cơ cực lắm chứ đâu phải sung sướng đâu. Vậy mà người ta không hiểu cho, lắm khi đang ngủ họ tới đuổi, bắt bớ”.
Tôi thắc mắc, sao nghề nghiệp cực vậy hai ông không chuyển sang nghề khác, ông Năng nói ngay: “Tôi dân từ tỉnh lên biết làm gì bây giờ cô. Tuổi thì cao, người già ai đâu mướn nữa cô”. “Con thấy mấy chú, mấy ông chạy xe ôm công nghệ đó ạ, hai ông thử coi sao?”, tôi hỏi. Ông Vẹn nghe vậy nói nhỏ: “Có người muốn đi honda ôm nhưng cũng có người không muốn. Ở đất Sài Gòn này, người từ quê lên không thích chạy xe máy vì tai nạn dữ lắm. Có người liều họ mới chạy thôi”.
|
|
Du khách Tây rất chuộng đi xích lô
Nghề nào cũng vậy, có sướng có khổ, có khi cười lúc lại khóc. Xích lô cũng không phải ngoại lệ. Ông Vẹn đã gắn bó với nghề gần nửa cuộc đời, chứng kiến những đổi thay của Sài Gòn. Chừng ấy đủ để nhen nhóm trong ông và những đồng nghiệp một tình yêu với xích lô.
“Khách Tây qua đây có nhiều người chẳng chịu đi xe máy, taxi mà nhất định ngồi xích lô. Người ta ở bên đó, máy bay có, tàu có, xe ca có nhưng hiện không có xích lô. Văn hóa Sài Gòn, văn hóa Việt Nam khác biệt là chiếc xích lô”, ông Vẹn dõng dạc nói.
Mặc dù nhiều nước đang phát triển cũng còn mô hình xích lô nhưng các nước châu Âu đã không còn xích lô nữa. Vì vậy, khu du lịch tới Việt Nam, du khách phương Tây rất thích loại phương tiện này.
|
Chẳng phải loại xe sang trọng, tiện nghi, hiện đại, xích lô chỉ đơn giản, chậm rãi và mang đến cho du khách cái nhìn khác, màu sắc khác của thành phố. Ông Vẹn từng gặp nhiều khách nước ngoài nhất định không chịu đi xe máy hay ô tô. Họ chỉ muốn ngồi xích lô để vừa hóng gió vừa ngắm hai bên đường. Còn người Việt thì chê xích lô chậm, đi xe máy và ô tô nhanh hơn.
“Người ta coi trọng văn hóa của mình như vậy. Trong khi có nhiều người lại muốn “tuyệt chủng”, giải tán xích lô. Nếu Nhà nước cấm, tôi sẵn sàng nghỉ. Còn không thì tôi không bao giờ bỏ. Văn hóa xích lô đã có từ lâu chứ phải một sớm một chiều đâu. Nghề này cũng vui lắm chứ, đâu thể nói giải tán là giản tán được”, ông Vẹn bày tỏ.
Có lẽ vì nghề này vui mà anh Nam (23 tuổi), một thanh niên trẻ nối gót ba lên Sài Gòn lập nghiệp bằng xích lô. Anh là người trẻ nhất đoàn xích lô hồi đó còn bây giờ cũng đã trở thành dân chuyên nghiệp với 5 năm kinh nghiệm. “Làm nghề này có gì đâu mà ngại. Mình chạy kiếm tiền chứ có ăn cắp, ăn trộm đâu. Nói mình đam mê thì cũng không hẳn nhưng mà bỏ nghề thì không bỏ”, anh Nam chia sẻ.
|
Dù già hay trẻ, trong họ những con người xa quê, bám trụ nơi thành phố chỉ mong có được một thứ gì đó gọi là ổn định. Mỗi ngày kiếm người xích lô được vài ba chục, khi nhiều được vài trăm nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Cứ thế rồi thời gian qua đi, mồ hôi thấm dần nơi đất lạ hóa thành mùi quen mà níu chân họ ở lại.
Bình luận (0)