Tây nguyên mất 46.267 ha rừng tự nhiên mỗi năm

09/07/2020 20:15 GMT+7

Mỗi năm toàn vùng Tây nguyên mất 46.267 ha rừng tự nhiên và bên cạnh đó, đến nay vùng này cũng có hơn 344.000 ha đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp.

Rừng tự nhiên bị phá

Con số nói trên được đưa ra tại hội nghị phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống người dân sản xuất nông nghiệp (SXNN) trên đất lâm nghiệp vùng Tây nguyên do Ban kinh tế T.Ư phối hợp cùng Bộ NN-PTNT và Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức ngày 9.7 tại TP.Đà Lạt.

Triệt hạ rừng để SXNN

Ảnh: Gia Bình

Theo số liệu được công bố, 10 năm qua, tốc độ mất rừng tự nhiên ở Tây nguyên trung bình khoảng 46.267 ha. Tỉ lệ phá rừng cao nhất xảy ra trong rừng tự nhiên, mất rừng trong các khu rừng đặc dụng tương đối thấp (13% tổng số diện tích rừng bị mất ở Tây nguyên) so với rừng sản xuất (87% diện tích rừng bị mất ở Tây nguyên).
Theo Ban kinh tế T.Ư, nguyên nhân dẫn đến mất rừng và và suy thoái rừng ở Tây nguyên chủ yếu do khai thác gỗ (cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp) và chuyển đổi rừng cho nông nghiệp, bao gồm cả cây lâu năm và rừng trồng có giá trị cao, cùng với đó là chuyển đổi rừng cho cơ sở hạ tầng (đặc biệt là thủy điện) và tăng dân số - chủ yếu do di cư tự do.
Toàn vùng Tây nguyên có tổng số 751 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích rừng và đất lâm nghiệp 48.980 ha, trong đó rừng tự nhiên 10.637 ha, rừng trồng 1.158 ha, đất chưa có rừng 1.726 ha, chưa xác định loại rừng 35.459 ha.

150.000 hộ dân SXNN trên đất quy hoạch lâm nghiệp

Theo Ban kinh tế T.Ư, tính đến cuối năm 2019, tổng số diện tích đất SXNN trên đất quy hoạch lâm nghiệp ở Tây nguyên là 344.554 ha với khoảng 150.00 hộ dân sử dụng; trong đó nhiều nhất là Đắk Lắk với 84.109 ha và ít nhất là Lâm Đồng với gần 52.000 ha. Cơ cấu cây trồng (số liệu chưa đầy đủ vì thiếu Đắk Lắk), cho thấy cây cà phê được trồng 17,84%, các loại cây ngắn ngày (sắn, ngô, đậu, các loại hoa màu) chiếm đến 56,62%, còn lại là tiêu và cây ăn quả.
Số diện tích này chủ yếu được hình thành do: đất nông nghiệp được người dân sản xuất lâu đời nằm xen kẻ trong các lâm trường trước đây, được đưa vào quy hoạch lâm nghiệp; đất lâm nghiệp được giao khoán cho người dân quản lý bảo vệ, phát triển rừng nhưng họ sử dụng sai mục đích; người dân địa phương và dân di cư tự do xâm lấn rừng trái phép để SXNN.

Cà phê là cây trồng phổ biến trên đất lâm nghiệp ở Tây nguyên

Ảnh: Gia Bình

SXNN trên đất lâm nghiệp là một trong những nguồn thu nhập ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt với những người di cư tự do sinh sống len lõi trong các khu rừng thì đây là tư liệu sản xuất, là nguồn thu nhập chính quyết định đến đời sống người dân.
Tuy nhiên, do đất SXNN trên đất lâm nghiệp chưa được thừa nhận, không được cấp “sổ đỏ” hoặc ký hợp đồng giao khoán nên các hộ SXNN trồng cây tự phát, không theo quy hoạch, không được vay vốn đầu tư, thiếu cơ sở khoa học, chất lượng cây giống thấp, thiếu thông tin thị trường nên năng suất, hiệu quả không cao dẫn đến tình trạng thiếu ăn, vay nặng lãi, có trường hợp do mất mùa, không có tiền trả nợ phải trả bằng nhà hoặc rẫy đang canh tác tạo áp lực trực tiếp đến sinh kế người dân.

Rừng tại một dự án đầu tư bị chết đứng

Ảnh: Gia Bình

Cũng theo Ban kinh tế T.Ư, SXNN trên đất lâm nghiệp ở Tây nguyên diển ra với quy mô lớn, kéo dài nhiều năm, liên quan đến việc thực thi, chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, đất đai, cư dân, hộ tịch, hộ khẩu, để lại nhiều hệ lụy gây bức xúc xã hội, suy giảm rừng, đời sống người dân di cư tự do gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến ANCT, TTATXH vùng Tây nguyên nên cần có cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện đồng bộ để sớm ổn định tình hình trên.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trước mắt cần bảo vệ 2,19 triệu ha rừng tự nhiên hiện có ở Tây nguyên, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng như tìm giải pháp, cơ chế chính sách hợp lý để khôi phục và phát triển rừng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.