Tây nguyên, Nam bộ tiếp tục chịu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai

02/08/2023 12:13 GMT+7

Từ ngày 28.7 - 1.8, mưa lũ ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Bến Tre, Đồng Nai, Cà Mau, Trà Vinh đã khiến 1 người mất tích, hàng nghìn ha hoa màu bị ngập úng, gần 200 ngôi nhà bị ngập và hư hỏng.

Ngày 2.8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, từ ngày 28.7 - 1.8, thiên tai tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Bến Tre, Đồng Nai, Cà Mau, Trà Vinh đã gây thiệt hại về người và tài sản.

Tây nguyên và Nam bộ tiếp tục thiệt hại người và tài sản do thiên tai - Ảnh 1.

Hàng trăm ngôi nhà bị ngập do mưa lũ ở Tây nguyên (ảnh minh họa)

NGUYỄN PHÚC

Trong đó, 1 người bị mất tích tại tỉnh Đắk Nông. Nạn nhân được xác định là ông Hồ Trọng S. (58 tuổi, trú H.Đăk Mil). Ngày 31.7, trong lúc đi làm rẫy tại H.Đắk Song, ông S. lội qua suối, bị nước cuốn trôi, hiện tại địa phương vẫn tích cực tìm kiếm.

Ngoài ra, thiên tai cũng làm sập 4 ngôi nhà tại Cà Mau, 8 nhà tốc mái (Bến Tre 4 ngôi nhà, Cà Mau 1 ngôi nhà, Trà Vinh 3 ngôi nhà) và 181 ngôi nhà ngập (Đồng Nai 43 ngôi nhà, Đắk Nông 138 ngôi nhà); 5.506,3 ha lúa và hoa màu ngập úng (Đồng Nai 420,5 ha, Đắk Nông 206,8 ha, Đắk Lắk 4.551 ha, Trà Vinh 328 ha); 125,3 ha (Đắk Nông 118,7 ha; Đắk Lắk 6,6 ha) và 645 tấn thủy sản bị thiệt hại (Đồng Nai 508 tấn, Đắk Nông 137 tấn).

Cục Lâm nghiệp nhận định nguyên nhân sạt lở đèo Bảo Lộc làm chết 4 người

Trong ngày 1.8, các tuyến đường giao thông tại Đắk Nông, Đắk Lắk bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, ngập lụt đã được thông tuyến. Các địa phương đang tiếp tục rà soát thống kê thiệt hại do mưa lớn, ngập úng, sạt lở gây ra.

Để ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Trao bằng Tổ quốc ghi công 3 CSGT hy sinh do sạt lở đèo Bảo Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.