Các tỉnh Tây nguyên - nơi có nguồn bức xạ cao, phù hợp xây dựng các hệ thống điện mặt trời, hai năm trở lại đây ồ ạt đón nguồn đầu tư lớn, chưa kể một số dự án điện mặt trời núp bóng dưới dạng các dự án nông nghiệp, đã tạo nên khủng hoảng thừa khi hệ thống truyền tải bị quá tải.
Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23.11.2019 hoặc đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ 1.7.2019 đến hết 31.12.2020 thì được thu mua với giá: Điện mặt trời nổi (trên nước) là 1.783 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh; điện mặt trời mặt đất 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh; điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh. Hàng loạt dự án điện mặt trời với số tiền hàng ngàn tỉ đồng theo đó đã được ồ ạt đầu tư.
Đầu tư ồ ạt
Nhiều doanh nghiệp nhiều năm nay không hề tham gia vào ngành điện song trước “miếng bánh” điện mặt trời, họ sẵn sàng nhảy vào đầu tư với số tiền không nhỏ. Đâu đâu cũng râm ran bàn tán làm điện mặt trời, bàn về lợi nhuận lớn mà chỉ bỏ ra số tiền đầu tư ít, còn lại được ngân hàng… đỡ đầu khi dự án thẩm định đạt và giải ngân. Nhiều diện tích đất đang bị cú sốc tiêu chết, rớt giá thê thảm, giá đất xuống thấp thì bỗng tăng giá từ 100 - 200 triệu đồng/ha lên 300 - 400 triệu đồng/ha đất nông nghiệp. Tất cả đều phải đạt tiêu chí của nhà đầu tư như gần nơi đấu nối và khu vực còn quota đấu nối. Chẳng hạn, chưa đến 1 năm, H.Chư Prông (Gia Lai) có hơn 50 dự án điện mặt trời mái nhà.
Theo Quy hoạch điều chỉnh điện của Bộ Công thương, mục tiêu điện mặt trời trong năm 2020 sẽ đạt 850 MWp, đến năm 2025 tăng lên 4.000 MWp và cán mốc 12.000 MWp năm 2030. Tuy nhiên, ngay khi có Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, điện mặt trời đã bùng nổ, tính đến 31.12.2020 cả nước có 83.000 công trình điện mặt trời được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp.
|
Tại tỉnh Đắk Nông, tình hình đầu tư điện mặt trời cũng “nóng” lên không kém. Theo Công ty điện lực tỉnh Đắk Nông, đơn vị này đã đấu nối cho 1.632 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà (ĐMTAMN) với tổng công suất 377 MWp. Trong đó, dự án ĐMTAMN trên trang trại là gần 400 hệ thống, tập trung nhiều tại các huyện Cư Jút - 80 dự án, Krông Nô 28, Đắk Mil 90...
Tại Gia Lai, hàng ngàn nông dân sau khi vỡ mộng, lâm cảnh nợ nần khi vướng phải cơn lốc “vàng đen” (hồ tiêu) đã phải bán tống bán tháo đất đai để trang trải nợ nần. Chỉ chờ có thế, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng nhảy vào thâu tóm đất đai để đầu tư điện mặt trời. Chẳng hạn, tại xã H’bông, H.Chư Sê hiện đã có hơn 10 hệ thống điện mặt trời được đấu nối. Nhiều diện tích ở đây trước đó rợp trời mía ngô cùng nhiều loại cây công nghiệp khác thì nay đã được thay bằng các tấm pin mặt trời.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai, cho biết: “Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 3.000 hệ thống ĐMTAMN với công suất đưa vào vận hành thương mại trên 600 MWp. Riêng ĐMTAMN trên trang trại có khoảng 400 hệ thống, tương đương khoảng 400 MWp. Từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2020 đã phát triển đến 600 MWp. Chỉ cần một so sánh như thế này đủ biết điện mặt trời “nóng” như thế nào: Công trình thủy điện Ia Ly (thủy điện lớn thứ 3 tại VN) ban đầu chỉ có 360 MW mà xây dựng trong vòng hàng chục năm, trong khi đó mới có 1 năm mà hệ thống ĐMTAMN phát triển với tốc độ nhanh như vậy”.
Núp bóng trang trại
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, cứ 1 MWp thì cần khoảng 5.000 m2 đất. Như vậy, hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Và hiệu quả ra sao với những dự án nông nghiệp kiểu làm đối phó thì… hậu xét. Thực tế, nhiều chủ đầu tư dự án nông nghiệp nếu có làm cũng không mặn mà hoặc làm theo kiểu đối phó. Một trang trại phải có thời gian hình thành, phát triển và tính đến hiệu quả trong khi ngược lại, nguồn lợi từ lượng điện bán ra là khá lớn với khoảng 9 - 10 triệu đồng/1 MWp/ngày.
Ông Ninh Doãn Nghị, một chủ đầu tư có 4 MWp điện mặt trời ở Gia Lai, nói: “Không dễ để làm trang trại dưới mái. Các nhà đầu tư chủ yếu xây lên để bán điện. Theo tôi biết, một số nơi có trồng nấm, hay đinh lăng rồi thưa thớt có ít vật nuôi. Tôi đi vài nơi thấy chỉ là đối phó”.
Thực tế, việc bùng nổ điện mặt trời ngoài nguồn lợi về kinh tế cũng tạo ra cơn khủng hoảng thừa cục bộ. Anh Nguyễn Văn H., một nhà đầu tư điện mặt trời ở Gia Lai, nói: “Đầu tư 1 MWp điện mặt trời trung bình khoảng từ 13 - 15 tỉ đồng. Doanh nghiệp phải bỏ tiền túi ra tầm hơn 30%, còn lại vay ngân hàng. Hiện chúng tôi bị cắt điện vài ngày trong một tháng, rồi còn mùa mưa Tây nguyên cũng sắp tới nữa khiến sản lượng điện bị giảm. Như vậy, chúng tôi thiệt đơn thiệt kép. Ai cũng như ngồi trên đống lửa!”.
Ông Võ Ngọc Quý, Phó giám đốc Công ty điện lực Gia Lai, thừa nhận: “Việc phát triển nhanh ĐMTAMN trong thời gian qua đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ. Đến thời điểm hiện tại, lượng điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn dư thừa nhưng số lượng nhỏ và chúng tôi vẫn đang thực hiện cắt giảm luân phiên đối với các hệ thống ĐMTAMN”.
Trước tình hình trên, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Gia Lai đang tiến hành kiểm tra theo trình tự về mục đích sử dụng đất, phát triển trang trại, công năng của trang trại, vấn đề đấu nối điện mái nhà.
Việc điện mặt trời phát triển quá nóng trong thời gian qua khiến dư luận cũng như các nhà quản lý, nhà khoa học lo ngại về ảnh hưởng môi trường từ những tấm pin năng lượng. Cuối năm 2020, tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) đã đặt vấn đề: “Pin điện mặt trời hết hạn sử dụng thì để làm gì? Được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng?”.
Như vậy, vấn đề này còn có nhiều điều cần nhìn nhận lại. Theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà máy phong điện, quang điện có quy mô diện tích từ 200 ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Còn đối với các dự án có diện tích từ 50 ha đến dưới 200 ha phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Song hiện hầu hết các dự án ĐMTAMN chủ yếu là quy mô nhỏ nên không thuộc đối tượng phải thực hiện các thủ tục pháp lý về quy trình đánh giá tác động môi trường.
Bài toán đang quá khó để tìm lời giải!
Bình luận (0)