Ngày 20.12, UBND H.Gò Dầu đã công bố Bằng công nhận nghề truyền thống bánh làm tráng thủ công ở ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước của UBND tỉnh Tây Ninh nhằm bảo tồn và phát triển nghề nông thôn ở địa phương.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Bạo bám trụ với nghề truyền thống này suốt hơn 20 năm qua |
GIANG PHƯƠNG |
Theo UBND H.Gò Dầu, hiện nay ở ấp Cây Xoài còn có khoảng 100 hộ giữ gìn và phát huy nghề làm bánh tráng thủ công. Trong số đó, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bạo (58 tuổi), một trong những hộ dân ở ấp Cây Xoài còn gìn giữ nghề suốt hơn 20 năm qua.
Ông Bạo nói: “Hàng chục năm qua, để có cái bánh tráng ngon hơn, đẹp hơn vợ chồng tôi mày mò tạo ra loại bánh tráng muối như hiện tại. Tôi cũng học hỏi và áp dụng nhiều điều mới vào sản xuất, đóng gói và bán sản phẩm”
Việc tạo ra cái bánh tráng muối của gia đình ông Bạo tưởng chừng đơn giản nhưng vất vả không kém. Để chiếc bánh mằn mặn, cay cay, thơm thơm, dẻo dẻo đã trải qua hàng chục công đoạn khác nhau. Từ xay bột, pha bột, nêm nếm cho đến thủ thuật tráng bánh, phơi bánh, phơi sương…
Hơn 9 giờ 30 sáng, cái nắng chói chang phả xuống khu đất trống trước sân nhà, vợ chồng ông Bạo vẫn miệt mài phơi bánh tráng sau khi vừa tráng lên vỉ.
Tây Ninh trao bằng công nhận nghề làm bánh tráng ở ấp Cây Xoài là nghề truyền thống |
Trước đó, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã trao bằng công nhận nghề truyền thống tráng bánh tráng thủ công tại ấp Cây Trắc, xã Phước Đông. Như vậy đến nay, H.Gò Dầu có 2 địa điểm được UBND tỉnh công nhận nghề truyền thống làm bánh tráng thủ công.
Nghề làm bánh tráng thủ công ở ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước (H.Gò Dầu) được công nhận là nghề truyền thống |
GIANG PHƯƠNG |
Ông Trương Tấn Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, nghề tráng bánh tráng thủ công ở ấp Cây Xoài vừa được cấp bằng công nhận nghề truyền thống là thành quả của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Người dân đã bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là niềm tự hào của mỗi người dân địa phương.
Ông Đạt cho biết thêm, nghề truyền thống tráng bánh tráng thủ công ở ấp Cây Xoài đã hình thành từ trước năm 1954 đến nay. Trên 50 năm qua, nghề gắn với nhiều thế hệ người dân nơi đây. Ngày nay, nghề vẫn được các hộ gia đình bảo tồn và phát triển đa dạng các sản phẩm hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Cái khó của giữ gìn nghề truyền thống bánh tráng thủ công này không chỉ là thu nhập phụ thuộc vào thời tiết |
GIANG PHƯƠNG |
“Việc duy trì và phát triển nghề truyền thống tráng bánh tráng thủ công góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương. Đồng thời, nghề tráng bánh tráng truyền thống đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, người già, trẻ em, lao động nhàn rỗi đều có thể tham gia tăng thu nhập gia đình,”, ông Đạt cho biết.
Bình luận (0)