Tây Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch

30/11/2024 09:14 GMT+7

Tây Ninh đã tạo ra những đột phá mới khi phát triển nhiều mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

Tây Ninh xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị là một trong bốn đột phá của chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ trên, Sở NN-PTTN đã tham mưu UBND tỉnh Tây Ninh ban hành và triển khai thực hiện 2 đề án chuyên đề.

Kênh dẫn nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông, mang nước tưới tiêu cho 17.000 ha đất nông nghiệp tỉnh Tây Ninh (ẢNH: THANH NAM)

Kênh dẫn nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông, mang nước tưới tiêu cho 17.000 ha đất nông nghiệp tỉnh Tây Ninh

ẢNH: THANH NAM

Cụ thể, đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh và đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao H.Tân Châu (Tây Ninh). Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2025.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã phần nào hạn chế thấp nhất các đối tượng sâu bệnh gây hại, kiểm soát được nhiệt độ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học; ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng tạo ra giá trị thương phẩm, thương hiệu, uy tín cho người sản xuất, đã mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ước tính đến năm 2025, tỷ lệ diện tích áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt 33% (127.116 ha), tăng 4,5% so với năm 2020 (28,5%); tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 36,9% tăng 6,9% so với năm 2020 (30%).

Với việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị đã hình thành 14 chuỗi liên kết sản xuất trên các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hầu hết các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, chuồng lạnh khép kín được đầu tư xây dựng mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tây Ninh được trưng bày tại hội nghị về du lịch (ẢNH: GIANG PHƯƠNG)

Các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tây Ninh được trưng bày tại hội nghị về du lịch

ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2024, Tây Ninh đã hình thành các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, bước đầu đạt được một số hiệu quả nhất định.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Sở VH-TT-DL tham gia 2 đợt khảo sát 13 điểm trên địa bàn tỉnh có tiềm năng hình thành du lịch nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đã thành lập và tổ chức sinh hoạt định kỳ 2 hội quán: Sầu riêng Bàu Đồn (tại xã Bàu Đồn, H.Gò Dầu) và Mãng cầu Tây Ninh (tại xã Tân Hưng, H.Tân Châu). Qua đó, tạo điều kiện cho người nông dân được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, mô hình hiệu quả; hội quán cũng là kênh trao đổi giữa người dân với chính quyền, đoàn thể, nhà khoa học, doanh nghiệp, giúp hội viên, nông dân nắm bắt, tiếp cận thông tin về khoa học kỹ thuật, những vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy vậy, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tây Ninh vẫn đang gặp không ít khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là liên kết sản xuất - tiêu thụ chưa chặt chẽ, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước có nhiều biến động, giá cả thiếu ổn định. Đồng thời, các điểm du lịch được khảo sát trên địa bàn tỉnh còn một số tiêu chí chưa đạt, còn hạn chế cần hoàn thiện hơn.

Nhiều du khách đến Tây Ninh du lịch thường ghé thăm khu vực trồng mãng cầu dưới chân núi Bà Đen (ẢNH: THANH QUÂN)

Nhiều du khách đến Tây Ninh du lịch thường ghé thăm khu vực trồng mãng cầu dưới chân núi Bà Đen

ẢNH: THANH QUÂN

Để khắc phục những khó khăn nói trên, ông Nguyễn Định Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, tự động hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; thu hút chế biến sâu và phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn để nâng cao giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT còn hỗ trợ các chủ thể sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn phát triển thị trường, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chí sản phẩm xuất khẩu theo quy định, đồng thời cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

"Sở NN-PTNT sẽ khảo sát, hướng dẫn các chủ thể phát triển các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái. Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm có tiềm năng của tỉnh, đặc sản địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị", ông Xuân thông tin thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.