Tây Ninh tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm

28/11/2024 17:28 GMT+7

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cơ bản hoàn thành kế hoạch được giao.

Trong năm 2024, Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch 4.174 tỉ đồng (tính tròn số) vốn đầu tư ngân sách nhà nước, trong đó ngân sách địa phương 3.453 và ngân sách TƯ 720 tỉ đồng. Vốn ngân sách Nhà nước do HĐND tỉnh Tây Ninh giao 4.250 tỉ đồng (tăng 76 tỉ đồng) từ nguồn ngân sách địa phương.

Đẩy nhanh tốc độ giải ngân

Tính đến 30.11, ước tính giải ngân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt 3.091 tỉ đồng (đạt 74,07%/ kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 72,74% kế hoạch HĐND tỉnh Tây Ninh giao). Dự kiến giải ngân đến hết ngày 31.1.2025 khoảng 4.245 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 99,9% kế hoạch HĐND tỉnh Tây Ninh giao.

Tỉnh Tây Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Tỉnh Tây Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

ẢNH: THANH QUÂN

Dù đạt kế hoạch cao, nhưng theo lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, trong năm qua, trên địa bàn có nhiều dự án lớn khởi công mới và đang thực hiện công tác thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự kiến đến quý III.2024 mới tổ chức lựa chọn nhà thầu, triển khai thi công các gói thầu xây dựng. Dẫn đến việc giải ngân của các dự án trọng điểm dồn vào cuối năm, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo định hướng của tỉnh.

Ngoài ra một số dự án gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm, khai thác vật liệu xây dựng; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh... Những hạn chế nói trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ giải ngân của địa phương.

Trước đó, để sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã đề nghị các đơn vị có tỷ lệ giải ngân chưa đạt kế hoạch khẩn trương thực hiện, đảm bảo kế hoạch được giao. Yêu cầu các chủ đầu tư (các sở, ban, ngành, địa phương) phải nâng cao trách nhiệm, quyết liệt trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hiệu quả theo đúng định hướng, chỉ thị của T.Ư và địa phương.

"Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, địa phương phải rà soát, kiểm soát khối lượng, tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư trên địa bàn, xác định nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, vướng mắc, đề ra giải pháp khắc phục cụ thể", ông Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu.

Tăng cường vai trò người đứng đầu

Định hướng mục tiêu đầu tư công năm 2025, tỉnh Tây Ninh tập trung vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mang tính chất kết nối và lan tỏa vùng, miền.

Tây Ninh tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm- Ảnh 2.

Trong năm 2024, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện nhiều dự án chỉnh trang đô thị tại TP.Tây Ninh

ẢNH: THANH QUÂN

Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng nhằm tạo đột phá thu hút nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công – tư; đặc biệt là các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng, dân sinh như giao thông, y tế, giáo dục...

Để thực hiện yêu cầu, mục tiêu, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch năm 2025, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Tây Ninh tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm- Ảnh 3.

Dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông là một trong những án được đặc biệt quan tâm của tỉnh Tây Ninh

ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 được giao; bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện cho dự án liên vùng, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân; bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.

Tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất..., hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.