Tây Ninh, thời làm du lịch cộng đồng

11/05/2022 10:20 GMT+7

Tây Ninh, một trong những địa phương hiếm hoi của Nam bộ có nhiều bản sắc độc đáo, đa dạng. Tận dụng các điều kiện sẵn có đó, thời của du lịch cộng đồng tại Tây Ninh đang thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Theo thống kê 3 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Tây Ninh trỗi dậy mạnh mẽ, góp phần tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế. Tổng số khách đến Tây Ninh tham quan du lịch trong 3 tháng đầu năm ước đạt 2,26 triệu lượt, tăng 84,6% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước 573,4 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.

Cánh đồng sen đầy thơ mộng ở H.Dương Minh Châu, Tây Ninh

Du lịch vực dậy sau đại dịch

Chỉ tính riêng dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, Tây Ninh trở thành địa phương thu hút lượng khách du lịch lớn nhất nước với gần 600.000 khách. Riêng trong dịp lễ 30.4 và 1.5, Tây Ninh đã thu hút trên 130.000 lượt khách đến tham quan, trong đó sử dụng các dịch vụ cáp treo đạt trên 100.000 lượt khách. Một con số ấn tượng nhất từ trước đến nay ở Tây Ninh.

Kéo xe bò chở lúa về ở Khedol thuộc xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh

ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Với điều kiện sẵn có khi quần thể Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen với diện tích bán kính rộng 24 km2, cao 986m, mệnh danh là nóc nhà Nam bộ; hồ Dầu Tiếng với tổng diện tích mặt hồ rộng 270 km2, sức chứa 1,58 tỉ m3 nước với đặc trưng hiếm có là đảo Nhím giữa lòng hồ rộng trên 1.000 ha. Ngoài ra, nhắc tới Tây Ninh người ta còn biết đến Tòa Thánh Cao Đài; Di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Căn cứ T.Ư Cục miền Nam. Riêng Vườn Di sản ASEAN Lò Gò - Xa Mát với nhiều trải nghiệm độc đáo như băng đường rừng bằng xe đạp, ngắm cảnh vùng biên giới giáp ranh 2 quốc gia Việt Nam - Campuchia bằng xuồng trên sông Vàm Cỏ Đông hay ngắm cây di sản nằm ở giữa rừng nguyên sinh tuyệt đẹp. Cùng với đó là nhiều di tích mang đậm văn hóa từ thời kỳ văn hóa Óc Eo với hơn 1.000 năm tuổi đến nay (tháp cổ Bình Thạnh, Chóp Mạt…).

Nghề làm bánh tráng ở Tây Ninh

ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Theo nhận định của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Tây Ninh là một vùng đất địa linh, có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tiềm năng về du lịch. Đó là tiềm năng về di sản lịch sử - văn hóa; tiềm năng từ vị thế địa lý - văn hóa và tiềm năng quá trình lịch sử. Có thể nhận thấy, 3 tiềm năng đặc trưng mà các nhà khoa học gọi là 3 “ADN” làm nên bản sắc văn hóa riêng của Tây Ninh, một lợi thế lớn để Tây Ninh phát triển du lịch.

Về nguồn ở Căn cứ T.Ư Cục miền Nam

ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Thế mạnh từ cộng đồng

Tận dụng các lợi thế sẵn có, Tây Ninh bắt đầu tạo nên những sản phẩm du lịch riêng, đặc biệt là tận dụng thế mạnh từ cộng đồng.

Bay dù đôi trải nghiệm ở Tây Ninh

ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Ông Trần Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, thực hiện các chỉ đạo và các kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp, các hộ, các cá nhân cũng khởi động, tham gia vào khởi nghiệp du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng.

Ông Thịnh nhấn mạnh: “Tây Ninh hiện có một số loại hình du lịch cộng đồng như homestay, farmstay bắt đầu hình thành và đang trong quá trình tạo ra các sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu của du khách”.

Theo ông Thịnh, hiện Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh cũng đang tham mưu UBND tỉnh để có những cơ chế, những chính sách để hỗ trợ cho loại hình du lịch này phát triển trong thời gian sắp tới.

“Tây Ninh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng gắn với các văn hóa của đạo Cao Đài, gắn với miệt vườn sông nước như lợi thế hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn… Từ cảnh quan là những cánh đồng, vườn cây ăn trái, giúp người dân làm du lịch ngay trên mảnh đất mình”.

Hồ Dầu Tiếng buổi hoàng hôn

ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Ông Thịnh cũng cho biết thêm, để du khách không nhàm chán thì việc tạo ra những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, ấn tượng là điều phải làm. Mới đây, sự kiện bay dù lượn thể thao lần đầu tiên được tổ chức tại Tây Ninh đúng dịp kỷ niệm 47 năm chào mừng ngày thống nhất đất nước 30.4 đã thu hút hàng ngàn người tham quan, trải nghiệm.

Ông Thịnh nói: “Bay dù lượn thể thao là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi các sản phẩm mới, độc đáo mà ngành du lịch tỉnh Tây Ninh đang triển khai. Sự kiện bay dù lượn thể thao còn được xem là bước thử nghiệm cho hoạt động thành lập trung tâm thể thao hàng không tại tỉnh Tây Ninh và phát triển du lịch giải trí mới”.

Hút khách môn bay dù lượn trải nghiệm

Ông Lương Hoàng Hà, Chủ tịch Liên đoàn Dù lượn thể thao TP.HCM hồ hởi nhận xét, điểm thú vị nhất ở hồ Dầu Tiếng là địa hình xung quanh không có chướng ngại vật, không gian thoáng đãng, rộng lớn đã giúp người bay thoải mái trải nghiệm. Với lợi thế này, bộ môn thể thao dù lượn có thể phát triển sớm ở vùng đất Tây Ninh trong tương lai. Việc du khách được tổ chức tham gia bay đôi trải nghiệm cộng thêm việc tổ chức lều trại để khách du lịch ở cắm trại, nghỉ dưỡng sẽ giúp Tây Ninh có thêm một sản phẩm du lịch thu hút mới”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.