Tày nồng ệp là món gì mà khiến người Quảng Ninh ‘giật mình’?

10/04/2022 09:05 GMT+7

Bạn trẻ phương xa tới Hạ Long, Quảng Ninh du lịch, thể nào cũng được người bản địa giới thiệu những món ngon, ăn là nhớ. Bên cạnh chả mực, bún cù kỳ bề bề, không ăn tày nồng ệp thì thật uổng.

Miếng bánh tày nồng ệp có cái dẻo của gạo nếp, cay thơm của gừng, bùi của lạc, vừng...

BẢO VY

Tày nồng ệp là món gì mà nghe tên lạ như vậy?

Hai cô gái dắt tay nhau vào chợ Hạ Long 1, ríu rít cầm chiếc máy ảnh ghi lại quang cảnh chợ buổi sớm ở thành phố biển. “Phải ăn thử món này. Cô ơi bao nhiêu một cái tày nồng ệp? Cháu một chiếc nhé ạ”, một cô gái kéo bạn mình dừng lại ở những quầy hàng bán đồ ăn chế biến sẵn ở ngay lối vào. Nào bánh mì, chả lụa, giò lụa, chà bông (người Quảng Ninh gọi là ruốc), và những chiếc tày nồng ệp nằm cạnh nhau đều chằn chặn, nhìn rất thích mắt.

Hình ảnh của hai cô gái một sớm mai đánh thức trong tôi những kỷ niệm thật đẹp về những ngày lễ tết ở quê hương mình.

Ngày ấy, cứ dịp giỗ chạp, lễ tết hoặc đơn thuần chỉ là trời mưa rả rích, các bác gái trong gia đình tôi thường rủ nhau xay bột nếp, bột tẻ, mài đường phên, rang lạc, vừng. Chỉ nghe loáng thoáng như thế, ai cũng đoán ra sắp đổ bánh tày nồng ệp. Bọn trẻ trong nhà ríu rít với nhiệm vụ rất quan trọng: cắt lá chuối và rửa sạch, hong trên nắp nồi để cho lá mềm, dễ dàng để vào khuôn bánh.

Bánh tày nồng ệp được đổ xong có màu nâu từ đường mật mía rất hấp dẫn

BẢO VY

Ngày ấy đường phên bán từng tảng lớn như viên gạch, ăn tới đâu phải lấy dao mài thành từng vụn nhỏ. Bác tôi trộn bột nếp với bột tẻ, sau đó đổ thêm lạc (đậu phộng) đã rang giòn vào.

Bác nấu đường và gừng tươi trên bếp, chất lỏng sóng sánh ấy rục rịch sôi là mùi thơm ngào ngạt đã bay khắp bảy gian nhà, ba gian bếp làm đứa trẻ con nào cũng mong ngóng. Mắt chúng tôi không rời tay bác, khi bác đổ nước đường gừng vào bột rồi lại khuấy thật khỏe tay, làm sao để bột tan chảy hết, không vón cục, không đông đặc, thì nhiều đứa đã nuốt nước miếng rồi.

Những chiếc khuôn tròn lót lá chuối, phết một lớp mỡ ở đáy đã sẵn sàng. Bác đổ bột vào khuôn, rắc thêm thật nhiều lạc rang, vừng rang lên bề mặt cho bánh vào hấp cách thủy tới khi xăm bằng cây đũa, không thấy bột dính đầu đũa nữa là bánh chín.

Ai cũng đều nói bánh tày nồng ệp khi vừa hấp chín thì đừng vội ăn, bánh dẻo quẹo, dính tay dính răng, phải đợi ít nhất tới hôm sau, khi bột săn lại, cắt từng miếng ăn mới thơm ngon. Không chỉ ăn bình thường, bánh tày nồng ệp để vài ngày rồi cắt miếng mỏng, đem chiên trong chảo cho lớp vỏ vàng rụm cũng là hảo hạng. Thế nhưng những đứa trẻ ngày ấy dễ gì đợi tới được hôm sau.

Trẻ con khó mà đợi tới khi bánh để tới hôm sau mới ăn, dù bánh còn nóng, khói bay nghi ngút, đứa nào cũng phải cắn thử một miếng đã

BẢO VY

Giống như luộc bánh chưng, chiếc bánh con đầu tiên vớt ra, ăn ngay bên bếp củi đỏ rực lửa bao giờ cũng là chiếc bánh ngon nhất trong năm thì tày nồng ệp cũng như vậy.

Những đứa trẻ mặt lem nhem - vì cả ngày ngồi nghịch trong bếp - chia nhau một chiếc bánh màu nâu, bốc khói nghi ngút, thơm ngào ngạt mùi đường, mùi gừng, mùi lá chuối, vừa ăn vừa xuýt xoa vì nóng quá, thấy bánh sao mà ngon, mà ngọt thế. Đó mãi mãi là những khoảnh khắc tuyệt đẹp trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi. Tày nồng ệp có cái dẻo của gạo nếp, cay thơm của gừng, bùi của lạc vừng và ngon vô cùng, vì có hương vị của tình thân.

Bà nội tôi kể tày nồng ệp là món bánh của người Hoa, trước đây sinh sống làm ăn ở Quảng Ninh thường làm. Hoa kiều rời hết về quê hương họ sinh sống, để lại những ảnh hưởng đậm đà của văn hóa trong cộng đồng người bản địa. Một trong số đó là món bánh tày nồng ệp. Nhiều người gọi bánh là tài nồng ệp, hay tày lồng ệp, tôi nghĩ đó có thể do cách phát âm, còn lại vẫn là món ăn ấy bao năm không đổi thay.

Cùng với bún bề bề, tày nồng ệp là nỗi nhớ của nhiều người Quảng Ninh khi xa quê hương

BẢO VY

Cuộc sống cho chúng tôi cơ hội được đi thật nhiều nơi, nếm những món ăn của các miền. Tôi thấy rằng tày nồng ệp của Quảng Ninh cũng có ở Hải Phòng. Hay người Quảng Nam có món bánh tổ được làm vào dịp lễ tết. Tuy nhiên với nhiều nơi, họ không bỏ đậu phộng vào bánh mà chỉ có hạt vừng rang rắc lên bề mặt.

Vào tới TP.HCM, tới thăm Chợ Lớn, chúng tôi cũng thấy bánh tổ của người gốc Hoa. Bánh không có mè hay đậu phộng mà có chữ Hoa in trên mặt bánh. Đặc biệt, bánh không có màu vàng nâu của mật mía như ở quê mình mà có màu vàng hoặc cam đậm, do màu của đường làm bánh, lót bằng lớp vỏ ni lông chứ không phải lá chuối như bánh ở quê. Người gốc Hoa còn gọi bánh tổ là bánh niên cao (nian gao), đồng âm với “một năm mới cao” ăn vào dịp đầu năm cầu mong một năm mới may mắn, sung túc hơn năm trước.

Bánh gật gù, khau nhục - những món ngon có tên lạ ở Quảng Ninh cũng rất hấp dẫn với thực khách

BẢO VY

Dù ăn chiếc bánh ở miền đất nào thì so với tày nồng ệp của Quảng Ninh, hương vị với chúng tôi cũng đã đổi thay. Có lẽ, người ta nhung nhớ, giật mình vì tên gọi thân thương, bởi món ăn ngon thường đi kèm những nỗi nhớ.

Đi ngược đi xuôi, người trẻ quê tôi mong khoảnh khắc nghỉ lễ tết để được đổ bánh tày nồng ệp với mẹ trong một gian bếp ở quê nhà, hay mua vài chiếc ngay cổng chợ. Vừa ăn vừa rưng rưng nhớ lại những kỷ niệm tuyệt đẹp với những người thân giờ đây đã về nơi xa lắm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.