Tay xin danh hiệu, tay 'phá' di sản

14/10/2019 11:00 GMT+7

Nhiều chuyên gia cho rằng một số nơi đang có hiện tượng một đằng xin danh hiệu của UNESCO, đằng kia lại để xảy ra tình trạng 'phá' di sản.

Vi phạm cam kết và quy hoạch

Khi tòa nhà Panorama 7 tầng mọc lên ở đỉnh Mã Pì Lèng (Hà Giang), việc địa phương bất lực trước xây dựng không phép hiện ra rõ ràng. Quy hoạch công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn cho thấy điểm xây dựng là điểm đã nằm trong quy hoạch. Theo đó, khu vực này là nơi hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 - 3 tầng. “Việc làm trái quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ thế là đã rõ”, PGS-TS Tống Trung Tín, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nói.
Nhưng đây không phải lần đầu có chuyện làm sai quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt ở một di sản. Tại di sản được UNESCO ghi danh - Mỹ Sơn (Quảng Nam) cũng từng xảy ra việc xây dựng không phép. Dòng suối thiêng ở ngay vùng lõi của di sản thế giới này đã bị đổ bê tông cứng hóa (hồi năm 2013). Ông Nguyễn Công Hường, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Mỹ Sơn khi đó, khẳng định việc thi công không ảnh hưởng đến không gian của di tích. Tuy nhiên, Cục Di sản cho biết không có văn bản nào cho phép cứng hóa, kè xi măng con suối cổ này. Đáng nói là trong quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt, khu vực này được quy định rõ ràng không được cứng hóa. Việc kè bờ suối nếu có, theo quy hoạch, phải được thực hiện bằng biện pháp sinh học.

Xin danh hiệu nhằm mục đích đẩy giá trị thương hiệu của quốc gia lên. Thế mà lại phá thì còn mang tiếng hơn là chưa được danh hiệu

TS-KTS Hạnh Nguyên (ĐH Kiến trúc TP.HCM)

Ở di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long (Quảng Ninh), UNESCO từng cảnh báo về môi trường. Tại khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình), UNESCO đã lên tiếng về cây cầu dài xuyên qua di sản thiên nhiên thế giới này. UNESCO cũng vừa cảnh báo Tràng An về việc xây dựng bản sao phim trường Kong: Skull Island ở khu vực cần bảo vệ, kèm theo thuyết minh sai gây hiểu lầm về giá trị di sản. Chưa kể, việc tăng trưởng khách du lịch quá “nóng” cũng khiến UNESCO phải lên tiếng nhắc nhở về việc tính toán sức chứa để giữ giá trị di sản lâu bền.
Điều đáng nói là để nhận danh hiệu từ UNESCO, trong hồ sơ đã phải có cam kết bảo vệ do Chính phủ đưa ra và bảo đảm. Nói cách khác, cam kết bảo vệ giá trị di sản với UNESCO là cam kết của quốc gia. TS-KTS Hạnh Nguyên (ĐH Kiến trúc TP.HCM) cho rằng những sự việc trên cho thấy ứng xử với di sản do UNESCO công nhận đang có vấn đề. “Một đằng mình xin danh hiệu, đằng kia lại không chịu giữ di sản”, bà Hạnh Nguyên nói. Còn PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, cho rằng: “Ta đang thích danh hiệu mà trách nhiệm thì không muốn. Quy hoạch thì duyệt cả rồi, nhưng không làm đúng quy hoạch”.

Cầu xây xuyên di sản Tràng An khi chưa bị phá dỡ

Ảnh: Minh Hải

Cần giám sát chặt chẽ và luật hóa trách nhiệm

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết với những trường hợp ứng xử với di sản có thông tin trên báo chí hoặc báo cáo, Cục Di sản luôn cho kiểm tra ngay. Cục cũng lập đoàn thanh tra và ra văn bản nêu rõ quan điểm làm thế nào để bảo vệ di sản nếu có vi phạm. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra để xử lý ngay khi có thông tin”, bà nói.
Về việc liệu có kiểm tra thường xuyên hơn với những nơi sai phạm, bà Hiền cho rằng Bộ VH-TT-DL và Cục Di sản ra khá nhiều văn bản để nhắc nhở nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước. “Hàng năm Cục cũng tổ chức hội thảo và tập huấn để ngoài trách nhiệm quản lý thì còn nâng cao nhận thức về luật Di sản, những nội dung hướng dẫn cách phòng ngừa rủi ro với di sản. Cục cũng thường xuyên phối hợp với tỉnh, thành để nắm bắt tình hình địa phương, có hệ thống cán bộ chuyên trách địa bàn”, bà cho hay.
Bà Hiền cũng cho biết hiện tại nhiều địa phương lúng túng trước việc cân bằng câu chuyện bảo tồn và phát triển, làm thế nào để hài hòa. “Điều quan trọng là phải có quy hoạch di sản, trên cơ sở quy hoạch thì ghi rõ khu vực nào bảo tồn, khu vực nào có quy hoạch làm gì. Như thế sẽ có đủ cơ sở pháp lý. Địa phương vẫn làm thế để giải quyết đúng quy trình thủ tục”, bà nói.
Trong khi đó, PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng cơ chế kiểm soát của UNESCO chặt chẽ. Khi Tràng An có vấn đề, ngay lập tức tổ chức này vào cuộc. Phim trường cũng như cầu xuyên lõi Tràng An vì thế đã phải tháo dỡ. Với Hạ Long cũng vậy. Cơ chế thanh tra khiến chúng ta không thể giấu vi phạm.
Bên cạnh đó, ông Bài cho rằng các địa phương cũng cần khẩn trương có kế hoạch cụ thể để thực hiện các khuyến cáo của UNESCO khi đăng ký xét duyệt di sản. Đó là những khuyến cáo mà khi chúng ta lập hồ sơ công nhận di sản, tổ chức này đã yêu cầu phải thực hiện. “Phải xem chúng ta được công nhận di sản thì thực hiện khuyến cáo của họ thế nào. Như Thành nhà Hồ hay Hoàng thành Thăng Long cũng đã làm được hết khuyến cáo đâu. Chẳng hạn hoàng thành được yêu cầu nhất thể hóa quản lý, thì cũng chưa làm được. Thành nhà Hồ được khuyến cáo mở rộng hào thành ra, đưa một số làng cổ vào… cũng đã làm được đâu”, ông Bài phân tích.
Đối với các vụ việc xâm hại di sản vừa qua, theo ông Bài, thuộc về trách nhiệm địa phương: “Trách nhiệm quản lý địa phương, trách nhiệm cá nhân lãnh đạo nhưng cơ chế của ta chưa nghiêm”. KTS Hạnh Nguyên cũng cho rằng luật Di sản sửa đổi nên đặt vấn đề trách nhiệm cá nhân. “Hiện tại luật còn lỏng lẻo nên việc quy trách nhiệm cá nhân rất khó”, bà nói. Nhóm Những người yêu di sản VN (SHV) của bà cũng đưa ra mục tiêu góp ý luật Di sản theo hướng phân loại di sản cụ thể hơn và trách nhiệm cá nhân cũng rõ ràng hơn. “Xin danh hiệu nhằm mục đích đẩy giá trị thương hiệu của quốc gia lên. Thế mà lại phá thì còn mang tiếng hơn là chưa được danh hiệu”, bà Nguyên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.