Suốt những năm qua, Taylor Swift vẫn tìm cách mua lại quyền sở hữu bản thu gốc 6 album đầu tiên trong sự nghiệp từ hãng Big Machine Records. Sự việc lại càng khó khăn hơn khi giám đốc điều hành âm nhạc Scooter Braun mua lại hãng đĩa, yêu cầu nữ ca sĩ phải ghi âm thêm 6 album nữa để đổi quyền sở hữu chứ không đồng ý mua bán bằng tiền. Sau nhiều lần đàm phán, cả hai bên không đạt thỏa thuận như mong muốn.
Cuối năm 2018, Taylor Swift “dứt áo ra đi” khỏi công ty chủ quản sau khi kết thúc hợp đồng 12 năm, nhưng mối bất hòa dai dẳng giữa cô và Scooter Braun vẫn chưa được dàn xếp ổn thỏa. Scooter Braun cũng là quản lý của nhiều nghệ sĩ như Justin Bieber, Demi Lovato...
|
Như vậy, Scooter Braun vẫn có thể thu lợi nhuận từ âm nhạc của Taylor Swift trong nhiều năm tới, nhưng chính chủ sẽ không được hưởng một đồng nào. 6 album gồm Taylor Swift (2006), Fearless (2008), Speak Now (2010), Red (2012), 1989 (2014) và Reputation (2017), đã mang lại cho nữ ca sĩ nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá như Grammy, Emmy, Billboard... cùng danh vọng khắp thế giới.
Năm 15 tuổi, Taylor Swift lần đầu tìm đến hãng Big Machine Records. Do tuổi đời còn trẻ, khi ấy cô vẫn chưa ý thức được quyền lực của bản hợp đồng ràng buộc giữa nghệ sĩ và công ty chủ quản. Mặc cho vô vàn khó khăn, Taylor Swift vẫn tuyên bố sẽ thu âm lại những ca khúc đầu tay của mình. Cô mô tả đó là một trải nghiệm “hào hứng và đầy sáng tạo” và cảm ơn những người hâm mộ đã ủng hộ mình trong thời gian qua.
|
Prince cũng là một nghệ sĩ từng đứng lên đấu tranh đòi quyền sở hữu ca khúc gốc. Năm 18 tuổi, Prince kí hợp đồng với Warner Music, nhưng khi trở nên nổi tiếng, ông không đồng tình với cách công ty liên tục bòn rút lợi nhuận từ các sản phẩm âm nhạc của mình. Sau đó, Prince phải ra mắt 5 album để có thể đáp ứng điều khoản chấm dứt hợp đồng với Warner Music. Nam ca sĩ viết từ “Nô lệ” (Slave) lên mặt như một cách tố cáo tình trạng bóc lột trong ngành giải trí. Ông cũng thường xuyên thay đổi nghệ danh nhằm gây khó khăn cho công ty trong việc quảng bá âm nhạc. Trả lời phỏng vấn trên Rolling Stones, Prince ví hợp đồng thu âm như hợp đồng nô lệ và khuyên nghệ sĩ trẻ hãy cẩn thận với quyết định của mình.
Ngay cả ban nhạc huyền thoại The Beatles cũng từng vướng vào lùm xùm bản quyền với hãng đĩa Northern Songs năm 1969. Hãng đĩa này được công ty ATV thu mua. Đến năm 1985, Michael Jackson bỏ tiền mua lại kho nhạc của ATV Music, và thế là “ông hoàng nhạc pop” trở thành người nắm bản quyền nhạc của The Beatles. Hành động này của Michael Jackson bị Paul McCartney lên án là phản bội tình bạn giữa họ.
|
Ngặt nỗi, nhóm nhạc 5 người đã hoạt động trước khi Luật Bản quyền Mỹ được ban hành năm 1978. Luật cũ yêu cầu nhạc sĩ phải chờ 56 năm kể từ ngày bài hát phát hành để đòi lại bản quyền thu âm. Thế nên mãi đến năm 2018, Paul McCartney mới có thể đứng tên trong một số sáng tác của mình. Dù vậy, luật chỉ có hiệu lực tại Mỹ. Hiện công ty ATV vẫn nắm giữ bản quyền nhạc The Beatles ở những quốc gia khác.
Theo luật mới, Taylor Swift được phép mua lại các sản phẩm âm nhạc mình sáng tác từ 35 năm sau thời điểm kí hợp đồng. Luật quy định bản thu âm gốc là ca khúc hoàn chỉnh đã qua xử lý kĩ thuật. Người nắm bản quyền ca khúc gốc có thể cấp phép cho bên thứ ba sử dụng với mục đích phát hành CD, xuất file nhạc số, phát trên các chương trình quảng cáo hay phim ảnh... Lợi nhuận thu được từ các xuất bản phẩm kia sẽ về tay đơn vị phát hành, còn nghệ sĩ nhận được tiền trích từ doanh thu như thỏa thuận trong hợp đồng.
Bình luận (0)