Temu gặp rắc rối ở quê nhà Trung Quốc vì hoàn tiền vô tội vạ

15/12/2024 11:02 GMT+7

Chính sách "hoàn tiền hào phóng nhất thế giới" của Temu tại Trung Quốc khiến công ty gặp rắc rối với cơ quan quản lý nhà nước và làn sóng tẩy chay của thương nhân.

Theo SCMP, cơ quan Quản lý Thị trường Nhà nước và Bộ Thương mại Trung Quốc đã triệu tập các giám đốc điều hành của PDD Holdings, công ty mẹ của nền tảng thương mại điện tử Temu, để yêu cầu công ty sửa quy định hoàn tiền.

Điều kiện hoàn tiền gây tranh cãi của Temu

Chính sách hoàn tiền trước của Temu cho phép người mua có quyền yêu cầu hoàn tiền mà không cần trả lại hàng. Các thương gia bán hàng trên nền tảng cho rằng chính sách này gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi nhuận của họ.

Cơ quan chức năng xác định việc hoàn tiền vô tội vạ này là gánh nặng và không công bằng với các tiểu thương. Tuy nhiên kết quả của án phạt vẫn chưa được tiết lộ cụ thể. Temu có thể phải loại bỏ chính sách này hoặc điều chỉnh cho phù hợp.

Temu gặp rắc rối ở quê nhà Trung Quốc vì hoàn tiền vô tội vạ- Ảnh 1.

Ứng dụng Temu trên kho ứng dụng của Apple

ẢNH: KHƯƠNG NHA

Chính sách hoàn tiền lấy người mua làm trung tâm là "vũ khí" quan trọng để PDD cạnh tranh với các đối thủ lớn như Alibaba hay JD.com. Công ty kết nối hàng trăm nghìn cửa hàng nhỏ với người dùng thông qua các nền tảng như Temu. Sàn thương mại sẽ giữ một khoản tiền của các thương gia nếu họ bị đánh giá thấp, không đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng. Người mua cũng có quyền yêu cầu hoàn lại tiền với nhiều lý do, từ giao hàng trễ đến sản phẩm không đúng mô tả... Người dùng thậm chí được quyền từ chối thanh toán ngay cả khi hàng đã được giao.

Temu đã thành công với chính sách này, giúp nền tảng vượt mặt các sàn thương mại điện tử truyền thống. Tuy nhiên, các thương gia cho rằng việc quá "nuông chiều" người mua, chèn ép người bán là cuộc chơi không công bằng. Đỉnh điểm của cuộc phản ứng dữ dội diễn ra vào mùa hè năm nay, hàng trăm thương gia đã biểu tình trước văn phòng của PDD ở miền Nam Trung Quốc để phản đối chính sách.

Giới chuyên gia nhận định cuộc biểu tình này là đỉnh điểm của sự thất vọng ngày càng gia tăng giữa các bên. Các doanh nhân cáo buộc PDD đã vắt kiệt doanh thu của họ để phục vụ chính sách hoàn tiền vô tội vạ, giúp công ty mở rộng hoạt động kinh doanh ra toàn cầu.

Đáp lại, công ty mẹ của Temu cho biết họ đang tích cực tìm kiếm các giải pháp, nhưng không đưa ra một phương án nào cụ thể. Theo SCMP, chính sách của Temu khiến người dùng Trung Quốc được hưởng những chính sách hoàn tiền hào phóng nhất thế giới. Một số đối thủ của PDD đã sao chép công thức này nhưng nhanh chóng rút lại do bị người bán phản đối gay gắt.

Thách thức của Temu

Rắc rối tại quê nhà của Temu diễn ra trong bối cảnh nền tảng đang tìm cách mở rộng hoạt động khắp thế giới. Họ không chỉ xuất hiện dày đặc trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram mà còn tài trợ cho nhiều sự kiện thể thao ngoài trời, các trận đấu thể thao. Dữ liệu từ JPMorgan cho thấy Temu đứng top 5 trong danh sách công ty chi tiền quảng cáo nhiều nhất tại Mỹ vào quý 4/2023. Dự kiến trong năm 2024, nền tảng này sẽ chi khoảng 3 tỉ USD cho tiếp thị.

Nền tảng thương mại non trẻ này có lúc thách thức Shein và cả Amazon. Sự trỗi dậy của Temu cũng khiến PDD trở thành công ty thương mại giá trị nhất Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, vượt qua Alibaba và JD.

Hồi tháng 10, Temu rầm rộ tiến vào Việt Nam nhưng nhanh chóng rời đi trong lặng lẽ do gặp rắc rối về việc đăng ký giấy phép kinh doanh. Trước đó, truyền thông Indonesia cho biết chính quyền nước này đã yêu cầu Google, Apple chặn ứng dụng Temu. Động thái này được xem là để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Thái Lan cũng đang theo dõi kỹ Temu để có hành động tương tự.

Temu bất ngờ thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam

Tại Mỹ, một ủy ban thuộc Hạ viện đã cáo buộc Temu lợi dụng lỗ hổng thương mại, đưa hàng hóa vào Mỹ mà không đóng thuế nhập khẩu. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Temu cung cấp các thông tin liên quan đến việc ngăn chặn việc buôn bán hàng hóa bất hợp pháp trên nền tảng. Reuters dẫn lời cơ quan chức năng cho biết lượng người dùng Temu vượt quá ngưỡng quan trọng nên cần tuân thủ các quy tắc chặt chẽ hơn của Liên minh châu Âu (EU).

Tháng trước, công ty mẹ của Temu đã làm các nhà đầu tư sửng sốt khi đưa ra triển vọng kinh doanh ảm đạm bất thường. CEO Chen Lei đề cập ít nhất tám lần trong buổi họp rằng doanh thu và lợi nhuận "không thể tránh khỏi" kết quả sẽ giảm. Doanh thu trong quý gần nhất cũng thấp hơn kỳ vọng. Các lãnh đạo của công ty nói họ gặp bất lợi khi cạnh tranh với đối thủ nhưng không giải thích chi tiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.