Ấy là vì đã nhiều năm rồi, bức xúc của người dân về bất cập trong chuyện tên đường ở Hà Nội, TP.HCM chưa được giải quyết rốt ráo. Chuyện tên đường trùng nhau, tên đường xấu xí một cách hồn nhiên, phản cảm, tên đường sai chính tả, tên đường thiếu tôn trọng lịch sử... Những chuyện ấy dường như được gợi lại khi chớm ý về chuyện đặt tên đường bằng số.
Tên đường bằng số thật ra cũng chẳng phải chuyện gì lạ. Nhưng điều đáng nói, lý lẽ duy nhất được đưa ra là “phù hợp cho việc áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, ứng dụng sau này”. Ngoài cái sự “phù hợp” duy nhất nghe có vẻ lọt tai ấy, không có lý lẽ nào thuyết phục hơn. Nếu viện vào cái lẽ cạn quỹ tên đường, thì các giải pháp được chỉ ra sẽ đem lại hàng ngàn tên mới ngay lập tức.
Là tên đường có thể bằng sự kiện lịch sử, danh nhân trong nước, danh nhân nước ngoài, tên anh hùng lịch sử, tên di tích, tên danh lam thắng cảnh, địa danh. Rồi tên đường còn có thể là các danh từ có ý nghĩa về chính trị (Tự do, Thống nhất...),
về văn hóa (Bác ái, Nhân văn...) Những nguồn đặt tên ấy đều phù hợp với văn bản pháp quy hiện hành là Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
Ngay cả phải nghĩ đến việc mở rộng hơn các nguồn đặt tên đường ra ngoài giới hạn của Nghị định 91 thì vẫn còn không thiếu gì những phương án thú vị như tên các loài hoa, tên các tác phẩm nghệ thuật kinh điển, đặc trưng chỉ dẫn địa lý (đường Đông Tây, đại lộ Trung tâm...).
Động thái của chính quyền Hà Nội trong việc quan tâm quy hoạch một giải pháp tổng thể và toàn diện về tên đường trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay là điều đáng khích lệ. Những động thái như thế có thể sẽ đưa chính quyền hai đô thị lớn nhất nước đến với việc quyết tâm giải quyết dứt khoát vấn đề bất cập về tên đường đã được đặt ra từ nhiều năm rồi như sai chính tả, phản cảm...
Nhưng cùng với động thái tích cực đó, cũng nên xác định một triết lý văn hóa rành mạch về chuyện đặt tên đường.
Rằng những con đường xưa cũ đã thành tên trong ký ức người dân, hãy tôn trọng cho dù đó chỉ là những cái tên mộc mạc như Cây Trâm, Cây Gõ. Ký ức văn hóa, có khi rất giản dị, nhưng gắn liền với những điều thuộc về quá khứ cần được giữ gìn.
Rằng những con đường nên mang tên - những cái tên dẫn về truyền thống lịch sử, dẫn về giá trị nhân văn. Những cái tên cũng không chỉ nên thuộc về đất nước mình, mà còn phải mở lòng ra để đón nhận những cái tên từ tinh hoa văn hóa nhân loại.
Số hóa tên đường liệu có phải là tạo thêm hậu thuẫn cho cái thực tiễn “số hóa tâm hồn” rất đáng lo ngại hiện nay? Dễ dàng gõ ra một dãy số để định vị địa chỉ cần tìm trên ứng dụng bản đồ số, nhưng tâm hồn sẽ lạc lối giữa những dãy số vô cảm của tên đường.
Khi những con đường chúng ta đi mỗi ngày gọi tên những điều đẹp đẽ, nhân văn trong ký ức, thì con đường đời của mỗi chúng ta cũng có thể vì thế mà được truyền cảm xúc bởi những nhân tố đặc biệt mà văn hóa, lịch sử cha ông trao tặng lại cho đời.
Bình luận (0)