Ai đã đọc truyện ngắn Đôi mắt của nhà văn Nam Cao hẳn còn nhớ một chi tiết không nhịn được cười, đó là anh thanh niên vác bó tre chỉ đường vào làng cho nhân vật Hoàng.
Anh ta cứ chỉ quanh co, rẽ phải, quẹo trái... đến nỗi người hỏi đường tối cả mặt mày. Nhưng cái cười đó cũng dễ dàng chấp nhận được. Vì đó là bối cảnh làng quê những ngày tiền khởi nghĩa chống Pháp. Thế mà tôi lại có một tình huống cười ra nước mắt ở ngay trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này. Quá xa khoảng cách thời gian, nhưng bản chất câu chuyện thì chẳng khác!
Số là tết rồi một thằng bạn học thời sinh viên ở tỉnh gọi điện mời tôi về quê chơi. Lâu ngày không gặp, lòng cũng muốn du xuân một chút, nên tôi cưỡi xe máy lên đường. Tôi dừng lại ở trung tâm huyện nơi bạn tôi ở, lấy máy gọi cho bạn ra đón. Bạn tôi bảo rằng nhà nó xa thị trấn, ở tận trong một ấp nhỏ, nên chỉ đường cho tôi lần tìm. Nó nói đến khúc cua có cửa hàng vật liệu xây dựng bên tay phải, đi thẳng gặp cái cầu sơn trắng, rồi quẹo trái, đi một đoạn gặp quán tạp hóa... Tôi mạnh miệng ừ ừ vì nghĩ rằng đi đến đâu sẽ gọi điện đến đó. Chẳng may máy thằng bạn tôi hết pin mà nó không để ý. Thế là tôi phải vòng vèo hơn cả giờ đồng hồ mới tìm ra nhà. Bởi vì theo đường tôi chạy có nhiều cửa hàng vật liệu, hai ba cái cầu và cũng quá chừng tiệm tạp hóa...
Ai có về miền quê bây giờ mới thấy nhiều thay đổi: đường sá khang trang hơn, điện đóm, cầu cống sáng sủa hơn, nhiều ấp văn hóa, thôn văn hóa mọc lên hơn... Thế mà có một điều chẳng ai chịu nhận thấy, đó là việc đặt tên đường cho thôn, ấp.
Vừa qua ở Bình Định có câu chuyện người ta ghi chú cả thông tin tiểu sử ở bên dưới tên người được đặt trên bảng tên đường. Ở các thành phố lớn, nhờ điện thoại thông minh, có thể tìm được nhà theo địa chỉ có sẵn không mấy khó khăn... Thế chẳng lẽ một cái tên đường cho thôn, ấp; một bản đồ tổng thể nho nhỏ ghi chú đường sá nằm ngay bên cổng chính diện vào thôn, ấp lại không làm được sao?
Bình luận (0)