Di cảo chưa từng công bố của học giả Vương Hồng Sển:

Tên khai sinh 'định mệnh' do... ghi nhầm

08/05/2023 07:12 GMT+7

Tính đến nay, toàn bộ các tác phẩm của học giả Vương Hồng Sển đã có tới vài ngàn trang in. Nhiều tập sách của cụ có vị trí đặc biệt với những người chơi cổ ngoạn, cũng như ai muốn tìm về đời sống, lời ăn tiếng nói của người miền Nam xưa. Tuy nhiên, với tập di cảo chưa từng công bố này, còn nhiều bí mật chưa từng ai biết được tiết lộ.

Sau khi qua đời, lần lượt nhiều di cảo của học giả Vương Hồng Sển (1902 - 1996) được ra mắt bạn đọc, có thể kể đến các tập Dỡ mắm, Hậu Giang - Ba Thắc, Cuốn sách và tôi, Chuyện cũ Sốc Trăng… Riêng các quyển loại tạp bút viết từng năm - từ năm 1992 đến năm 1994 cũng đã ấn hành 3 tập như Tạp bút năm Nhâm Thân (1992), Tạp bút năm Quý Dậu (1993), Tạp bút năm Giáp Tuất (1994).

"CẢO THƠM LẦN GIỞ…"

Cụ Vương Hồng Sển bệnh, được đưa vào Bệnh viện Nguyễn Trãi ngày 24.6.1996. Từ đây, có một người là học trò của cụ Sển đã dành nhiều thời gian lo cơm nước, chăm sóc chu đáo cho cụ, đó là nhà sưu tập đồ cổ Phạm Hy Tùng. Vốn là người chân thành ngưỡng mộ, muốn sở hữu nét chữ của cụ và cũng theo yêu cầu của cụ, ông Tùng đã mua tập vở học trò đặt tại giường bệnh. Khi có giấy, có bút, những lúc khỏe trong người thì cụ Sển lại viết nhẩn nha mỗi ngày. Viết theo lối tùy hứng chuyện nọ xọ chuyện kia, không theo chủ đề cố định, nhớ đâu chép đó.

Cứ thế, trong thời gian nằm bệnh, cụ viết cả 7 tập với nhiều màu mực, nét chữ và sửa chữa chi chít, có thể nói rất khó đọc. Điều khiến tôi hết sức kinh ngạc là không thể hiểu vì sao ngoài 90 xuân, ở bệnh viện không có sách để tham khảo, nhờ đâu cụ có thể nhớ như in, nhớ chính xác từng sự việc và cột mốc thời gian?

Tên khai sinh 'định mệnh' do... ghi nhầm - Ảnh 1.

Ký họa của họa sĩ Văn Dương Thành tặng cụ Vương Hồng Sển

TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Trong quá trình viết, ngày 28.7.1996, cụ Sển tâm tình: "Nói riêng với Tùng, tôi cần viết như tằm nhả tơ, thi đua với thần chết, tôi muốn để lại cho Tùng với phu nhân 3 cuốn (nay là 4). Cảm tưởng của tôi vẫn chẳng hay ho gì gọi là để tỏ lòng tri ân và hễ là tằm nhả tơ thì phải thay lá dâu cho kịp tằm xơi…". Thời gian sau, cụ cũng đồng ý giao hết cho ông Tùng cả 7 tập đã viết, trong đó có một tập cụ đã viết dở đem theo từ nhà vào bệnh viện, ngay trang đầu có bức ký họa ghi dòng chữ: "Văn Dương Thành luôn nhớ và yêu quý ông. Tặng ông Vương Hồng Sển".

Không những thế, cụ Sển còn giao cho ông Tùng hai di cảo chưa in: Một là Tạp lục 89/90 - Kỷ niệm cửu tuần đại khánh hỷ 27.9 Canh Ngọ. Ngoài bìa, phía trên góc trái còn ghi dòng: "Hai lần chín chục, đổi cục xôi khao. Mai kia dù có thế nào"; phía dưới ghi nhan đề các tác phẩm: "Mất: Bùi Kiệm giặm. Xí được: Nguyệt Nga kêu oan cho Bùi Kiệm, Bùi Kiệm kiện Võ Phi Loan, Vân Tiên cờ bạc, Bảy Tài, Các thím đánh bài giờ, Tế sống V.H.S, Khóc Nam Sa Đéc, Thơ Tết". Hai là di cảo khảo cứu cổ học Tô Mãn họa đình tùng - số 1271 VHS viết năm 1988. Cả hai tập di cảo này, hiện nay ông Phạm Hy Tùng đang sở hữu bản gốc.

T VƯƠNG HỒNG THẠNH RA… Vương Hồng Sển

Nhờ đó, về ngày tháng năm sinh, ta biết từ bút tích của cụ: "Vương Hồng Sển tức Thịnh (giọng Bắc), Thạnh (giọng Nam, Sài Gòn). Cha là Vương Kim Hưng nên con là Hồng Thạnh. Sinh ngày 27.9 Nhâm Dần 1902, không rõ ngày sinh theo Dương lịch. Sanh 4 giờ sáng có lẽ giờ Dần. Theo tục người Trung Hoa (tổ tiên tôi quê Phúc Kiến), tên con khi sinh sẽ coi tử vi trước, vì vậy, Ba tôi cho chữ "hồng" bộ thủy vì mạng tôi thiếu thủy". Dù vậy, trong giấy tờ lại ghi cụ Sển sinh ngày 4.1.1904 năm Giáp Thìn.

Lúc làm khai sinh, cụ có tên là Vương Hồng Thạnh, nhưng người giữ sổ lục bộ người Hoa lại ghi Sển (theo cách phát âm tiếng Triều Châu). Cái tên "Sển" nghe không hay lắm, vì thế năm 1915, thân phụ của cụ muốn làm khai sinh lại trước tòa đổi qua tên khác và có hỏi ý kiến, cụ cho biết: "Tôi nhứt định không đổi. Cha mẹ đặt tên làm sao tôi xin để y làm vậy. Mẹ tôi biết tôi với tên này, thì xin để vậy để dễ nhìn dưới Huỳnh tuyền". Thuở ấu thơ, cụ còn được gọi tên là Fóc-Lóc-Chảy (tức phiên âm Phước Lộc Nhi theo tiếng Quảng Đông).

Lớn lên, do gia đình có điều kiện kinh tế, cụ học ở Chasseloup-Laubat (nay là Trường Lê Quý Đôn) từ năm 1919 - 1923. Sau khi thi đậu Brevet Elementaire ngày 18.6.1923, cụ tiếp tục dự thi và trúng tuyển khoa thi chọn người làm thư ký cho chính phủ. Cuộc đời công chức của cụ kéo dài đến năm 1943. Sau đó, từ năm 1947 - 1964 cụ làm Quyền quản thủ thư viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn.

Học giả Vương Hồng Sển xuất hiện trên trường văn trận bút khá chậm, từ năm 1947, lúc bấy giờ đã ngoài 40 xuân. Nhưng, với sự từng trải và kiến thức tích lũy, cụ đã viết nhiều tác phẩm có tiếng vang tốt trong dư luận. Để hiểu miền Nam mến yêu của nước Việt thì một trong những cuốn sách chắc chắn phải đọc là của Vương Hồng Sển.

Một trong những đóng góp lớn nhất trong văn hóa nước nhà của cụ là đã giữ được bản sắc lời ăn tiếng nói của người miền Nam. Lối hành văn, sử dụng ngôn từ của cụ tươi rói như sức sống bền bỉ của con người ở vùng đất phương Nam, chúng ta khó có thể tìm thấy ở đó tì vết của sự "pha tạp". Nếu có ai đó nhẫn nại, đọc lại toàn bộ tác phẩm của cụ (kể cả các di cảo chưa in này) để chọn lọc lại từ ngữ, tiếng nói miền Nam, hẳn có lẽ đó sẽ là một việc làm hữu ích. Có thể khẳng định, cho đến hiện nay, ít nhà văn nào có được vốn từ phong phú, đa dạng và bề bộn như cụ.

Tác phẩm đầu tiên của học giả Vương Hồng Sển là Sài gòn năm xưa in năm 1960 đến nay đã tái bản nhiều lần. Đây là cuốn sách biên khảo công phu với tài liệu dồi dào nhắc lại công lao của tổ tiên những người đi mở đất một cách cảm động... (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.