Tên lửa bội siêu thanh đáng sợ nhất ở điểm nào?

04/02/2022 14:03 GMT+7

Trong một cuộc duyệt binh hồi năm 2019, Trung Quốc đã giới thiệu tên lửa đạn đạo DF-17 và điều này đã biến Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công khai tiết lộ vũ khí bội siêu thanh.

Không chỉ có Trung Quốc mà các cường quốc trên thế giới cũng rất chú ý vào loại vũ khí đặc biệt này.

Mỹ cũng đã tăng kinh phí đáng kể cho việc nghiên cứu và phát triển vũ khí bội siêu thanh nhưng dự tính phải đến năm 2025 mới hoàn thành.

Các chuyên gia đã cảnh báo về một kịch bản chạy đua vũ trang giữa Mỹ, Trung quốc và Nga nhằm phát triển vũ khí bội siêu thanh và điều này có thể dẫn đến các cuộc xung đột quân sự.

Sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa bội siêu thanh, Mỹ đã nhanh chóng phản ứng và áp lệnh trừng phạt lên nước này.

Nhưng thật sự loại vũ khí này là gì? Và vì sao nó lại là mối e ngại của các cường quốc như Mỹ?

Vũ khí bội siêu thanh là gì?

Đó là những vũ khí có thể di chuyển đạt tốc độ di chuyển trong không khí nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Tốc độ này nhanh hơn rất nhiều so với các loại vũ khí quy ước hiện tại. Ví dụ, một tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ sẽ phải mấy khoảng 1 giờ đồng hồ để đánh trúng một mục tiêu ở khoảng cách 1.000 km. Nhưng một tên lửa bội siêu thanh chỉ cần 8 phút để làm điều đó.

Hiện có 2 loại vũ khí bội siêu thanh chính là tên lửa hành trình và phương tiện lượn bội siêu thanh. Tên lửa hành trình bội siêu thanh sử dụng động cơ phản lực tốc độ cao. Trong khi đó, phương tiện lượn bội siêu thanh được phóng ra từ một tên lửa đẩy bay trong không gian, sau đó lượn đến mục tiêu theo đường bay khó đoán trước.

Khả năng cơ động và quỹ đạo bay khó đoán của vũ khí bội siêu thanh là mối đe doạ lớn cho các hệ thống đánh chặn tên lửa.

ẢNH: REUTERS

Tốc độ và khả năng cơ động của chúng khiến cho các hệ thống phòng không tiên tiến nhất hiện có khó mà phát hiện, theo dõi và bắn hạ các loại vũ khí bội siêu thanh này.

Theo một báo cáo gần đây của PLA, có khoảng 78% khả năng một hệ thống phòng không không thể đánh chặn được tên lửa đang bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Và tỉ lệ này sẽ tăng lên 90% nếu tốc độ bay đạt 6 lần tốc độ âm thanh.

Nhưng sự khác biệt chính giữa các phương tiện bay bội siêu thanh và tên lửa đạn đạo thông thường là khả năng cơ động và thay đổi hướng đi của chúng sau khi được phóng từ tên lửa đẩy.

Tốc độ bội siêu thanh gây ra nhiều thách thức cho các nhà phát triển vũ khí, bao gồm vấn đề nhiệt lượng cực lớn được tạo ra, cũng như việc định vị mục tiêu sao cho chính xác và cả vấn đề cơđộng của tên lửa.

Những nước nào đang phát triển vũ khí bội siêu thanh?

Mỹ từng dẫn đầu về công nghệ bội siêu thanh, và ngay từ năm 1967 đã có chuyến bay bội siêu thanh có người lái đầu tiên bằng máy bay thử nghiệm X-15 dùng động cơ tên lửa.

Máy bay X-15 của Mỹ.

ẢNH: NASA

Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ không còn coi công nghệ bội siêu thanh là cần thiết, và nhiều dự án đầy hứa hẹn đã bị huỷ bỏ chỉ sau một vài sự cố.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Mỹ đã đẩy nhanh các chương trình vũ khí bội siêu thanh.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga đã và đang đầu từ vào công nghệ này và đã đạt được những tiến bộ trong việc quản lý nhiệt và điều khiển chuyến bay, cũng như công nghệ dẫn đường và cảm biến mục tiêu. Hai nước đã bắn thử nghiệm thành công tên lửa bội siêu thanh và một số loại tên lửa đã được vào biên chế quân đội.

Pháp, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ cũng đã triển khai các chương trình vũ khí bội siêu thanh và cũng thực hiện một số lần bắn thử nghiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.