Hồi giữa tháng 10, một tên lửa được phóng qua khu nhà cao 2 tầng thuộc bãi thử Utah, miền tây nước này. Theo tạp chí Newsmax, tòa nhà trên được trang bị máy tính cũng như hệ thống an ninh và theo dõi. Năng lượng vi sóng tỏa ra từ tên lửa bí mật đã đánh sập toàn bộ mạng máy tính và thiết bị điện tử bên trong tòa nhà. Tuy nhiên, tên lửa trên, vốn do Boeing chế tạo, chẳng hề khiến tòa nhà bị đổ sập hay bất cứ ai thương vong.
Hàng độc
Theo thông cáo báo chí từ Boeing, tên lửa trên tỏa ra năng lượng vi sóng cực mạnh (HPM) có khả năng “nướng” sạch các con chip máy tính, khiến những thiết bị điện tử mà nó tấn công bị hỏng hoàn toàn. Được đặt tên là Dự án Tên lửa hiện đại vi sóng năng lượng cao chống thiết bị điện tử (CHAMP), tên lửa do Đơn vị Phantom Works của Boeing nghiên cứu theo đơn đặt hàng của Phòng thí nghiệm không lực Mỹ với giá 38 triệu USD. Tạp chí Newsmax dẫn lời Giám đốc chương trình CHAMP Keith Colman khẳng định: “Chúng tôi đã đánh trúng mục tiêu mình muốn. Hôm nay chúng tôi đã biến chuyện chỉ có trong khoa học viễn tưởng thành khoa học thực tế”. Cho đến khi chính thức tuyên bố vào ngày 22.10, dự án trên được liệt vào dạng tuyệt mật.
|
Bên cạnh việc trực tiếp vô hiệu hóa các thiết bị, HPM còn có khả năng hủy hoại chúng thông qua các kết nối với cáp năng lượng, những đường truyền tín hiệu và ăng ten. Không giống như các hệ thống hiện nay, các thiết bị điện tử bị đánh bom CHAMP mãi mãi không thể phục hồi. Theo Boeing, tên lửa trên cũng đủ sức hạ gục bất cứ radar nào có thể dò thấy đường bay của nó. Vì thế, quốc gia nào bị tấn công sẽ chẳng biết được tại sao các cơ sở của mình đột nhiên bị đánh sập. Một chuyện nữa là năng lượng vi sóng của HPM có thể xuyên qua boong ke ngầm dưới đất, tấn công thẳng vào các cơ sở hạ tầng được xây dựng kiên cố.
Đối tượng mục tiêu
Những đặc tính trên khiến giới quan sát nhận định loại tên lửa này có thể được Mỹ dùng để tấn công các cơ sở thuộc chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Hồi tháng 8, một số nguồn tin khẳng định Israel, do Mỹ hậu thuẫn, sẽ sử dụng loại đạn đặc biệt tấn công gây chập mạch làm tê liệt các nhà máy điện hạt nhân của Iran.
Nếu như thế, Tehran có thể đứng trước nguy cơ bị tập kích bởi siêu vũ khí. Nhất là khi Boeing còn quảng cáo HPM có thể quất sụm đủ loại khí tài đối phương từ chiến đấu cơ, xe tăng, tàu chiến đến hệ thống tên lửa phòng không. Không giống như các xung điện từ (EMP) vốn được tạo bởi vụ nổ một vũ khí nguyên tử trong không khí, HPM không gây tử vong cho con người. Tờ Newsmax dẫn một số nguồn tin tình báo cho hay CHAMP có thể được dùng để đánh thẳng vào kho vũ khí hạt nhân của Iran. Washington tự tin loại tên lửa trên có thể phá hủy các thiết bị điện tử của Tehran dù chúng được che chắn cỡ nào. Nếu đúng như thế, Lầu Năm Góc hiện sở hữu vũ khí mạnh mẽ đến mức đủ sức thay đổi mang tính chiến lược nếu xung đột với Tehran.
Trong khi đó, theo chuyên trang quốc phòng GlobalSecurity, vũ khí thuộc dạng HMP và EMP có thể vô hiệu hóa các thiết bị điện tử không được che chắn và có ảnh hưởng trên một khu vực rộng. Hải quân Mỹ cũng từng thử nghiệm một dạng đầu đạn EMP trong lúc mở màn chiến tranh vùng Vịnh với mục đích ngăn chặn và hủy hoại các hệ thống điện tử của Iraq. Các đầu đạn đã chuyển đổi năng lượng một vụ nổ thành xung điện vô tuyến. Tuy nhiên, lúc đó không rõ tác dụng của chúng, nhưng Lầu Năm Góc vẫn kiên trì theo đuổi dự án nghiên cứu với hy vọng tạo ra những loại bom điện tử ít gây chết chóc, cho phép đưa ra nhiều lựa chọn hợp lý hơn trên chiến trường.
Thụy Miên
Bình luận (0)