Tên lửa 'tận thế' Jericho của Israel là gì?

12/10/2023 15:32 GMT+7

Lời kêu gọi của một nhà lập pháp Israel về việc triển khai vũ khí "ngày tận thế" để nhắm vào các tay súng Hamas ở Palestine đã khiến vấn đề hạt nhân ở Trung Đông được đưa ra thảo luận.

Cụ thể, bà Revital Gotliv, đảng viên Likud tại quốc hội Israel, đã đăng nhiều lần trên mạng xã hội X, về việc triển khai chiến tranh hạt nhân thay vì điều động lực lượng mặt đất quy mô lớn.

Quan điểm chính sách cứng rắn của bà được đưa ra trong bối cảnh số người chết sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào cuối tuần qua đã vượt quá 1.200. Reuters trích dẫn số liệu thống kê từ quân đội Israel cho biết ngoài con số thiệt mạng đã công bố, còn có hơn 2.700 người bị thương ở cả 2 bên.

Jericho

Bà Gotliv đặc biệt đề cập "Jericho", ám chỉ chương trình tên lửa đạn đạo đầu tiên của Israel được phát triển vào những năm 1960. Chương trình là kết quả hợp tác của Israel với công ty hàng không vũ trụ Dassault của Pháp, nhưng quốc gia châu Âu đã rút lui vào năm 1969. Israel vẫn duy trì hệ thống và sử dụng mẫu Jericho-1 vào năm 1973 trong cuộc chiến Yom Kippur, theo tờ Newsweek.

Nhiều vấn đề xung quanh việc nhà lập pháp Israel kêu gọi dùng vũ khí hạt nhân - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel chặn một tên lửa do Hamas phóng từ Dải Gaza

AFP

Theo Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), mẫu Jericho-1 đã ngừng hoạt động vào những năm 1990, nặng 6,5 tấn, dài 13,4 m và đường kính 0,8 m. Mẫu này có tầm bắn 500 km và mang theo trọng tải 1.000 kg, song chỉ có 50% cơ hội rơi đúng vào trong bán kính 1.000 m xung quanh mục tiêu.

Tiếp đến, tên lửa Jericho-2 tầm xa được phát triển từ giữa những năm 1970 đến cuối những năm 1980. So với Jericho-1, loại tên lửa này có chiều dài đến 15 m và đường kính 1,35 m nhưng có trọng tải giống hệt nhau. Nó có tầm bắn từ 1.500 đến 3.500 km.

Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung Jericho-3 được phát triển nhiều thập niên sau đó. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) và Dự án Phòng thủ Tên lửa của cơ quan này, Jericho-3 được cho là đã được thử nghiệm vào năm 2008 và được đưa vào sử dụng vào năm 2011.

Do Israel phát triển và sở hữu, các thông số kỹ thuật của Jericho-3 được cải thiện hơn nữa so với 2 mẫu trước đó, có chiều dài hơn khoảng 1 m so với Jericho-2 và đường kính lên tới 1,56 m. Theo báo cáo, đầu đạn đơn nặng khoảng 750 kg có tầm bắn từ 4.800 - 6.500 km, cùng tải trọng lên đến 1.300 kg.

Giới phân tích cho rằng Jericho-3, còn được gọi là YA-4, được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 1.2008 ở gần TP.Tel Aviv, sau đó là cuộc thử nghiệm động cơ bổ sung vào tháng 2.2008.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Israel cũng thừa nhận vụ phóng này, gọi đây là sự thể hiện "bước nhảy vọt đáng kể về năng lực tên lửa" của quốc gia.

Hamas dùng vũ khí gì để xuyên thủng khiên chắn Vòm Sắt uy lực của Israel?

Nhiều vấn đề được đặt ra

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao Israel lại cần phát triển một tên lửa đạn đạo tầm trung, trong khi các đối thủ gồm Iran và một số quốc gia Ả Rập đều ở trong tầm bắn ngắn hơn nhiều. Vào năm 2021, ông Mark Fitzpatrick, cộng tác viên phụ trách chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại IISS, nhận định: "Câu trả lời có thể là Israel, với tư cách là một quốc gia được trang bị an ninh, luôn cân nhắc các tình huống và kế hoạch trong trường hợp xấu nhất để dự phòng".

Nhiều vấn đề xung quanh việc nhà lập pháp Israel kêu gọi dùng vũ khí hạt nhân - Ảnh 2.

Diễn biến xung đột Hamas - Israel ngày 11.10

TỔNG HỢP

Báo cáo từ tờ Haaretz vào năm 2019 về cách quân đội Israel thử nghiệm "hệ thống đẩy động cơ tên lửa" trong quá khứ. Tờ báo này nổi tiếng với những quan điểm chỉ trích cách xử lý của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước cuộc tấn công của Hamas và kêu gọi ông từ chức. Thời điểm 2019, Haaretz xem vụ thử nghiệm được coi là mối đe dọa đối với Iran, quốc gia bị nhiều nước phản đối vì có một số sự ủng hộ nhất định dành cho Hamas. 

Trong khi đó, ông Nikolai Sokov, thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí ở Vienna, nói với Newsweek rằng "sự bàn tán không chính thức" về vũ khí hạt nhân đã gia tăng do xung đột Ukraine và bây giờ là ở Israel. Theo ông, đây là một vấn đề nhạy cảm đối với chính phủ của ông Netanyahu

"Đối với Israel, việc bàn tán không chính thức như vậy có lẽ còn tai hại hơn vì nước này thậm chí không thừa nhận mình có vũ khí hạt nhân, vì vậy một xác nhận gián tiếp sẽ không tốt cho hình ảnh của quốc gia này", ông Sokov nói.

Hơn nữa, ông Sokov cảnh báo thêm rằng bất kỳ mục tiêu tiềm năng nào cũng đều ở quá gần Israel, và điều này sẽ là con dao 2 lưỡi. "Thực tế là không có mục tiêu nào cho vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến/xung đột này", ông nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.