Liên quan đến những tranh cãi xung quanh cụm từ “South China Sea” xuất hiện trên phông nền của hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 10, chiều 10.11, trao đổi với PV Thanh Niên, TS Nguyễn Hùng Sơn, Phó viện trưởng phụ trách Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao VN), thành viên ban tổ chức hội thảo, khẳng định việc sử dụng cụm từ này, nhất là trong khung cảnh các cuộc thảo luận học thuật, là phù hợp và không có hàm ý gì liên quan đến chủ quyền.
Theo TS Sơn, “South China Sea” là tên gọi quốc tế của Biển Đông, đã được thế giới sử dụng rộng rãi và theo thông lệ quốc tế tên gọi vùng biển không có hàm ý gì về chủ quyền.
“Ai cũng hiểu Ấn Độ Dương không phải của Ấn độ, biển Nhật Bản không phải của Nhật Bản, vịnh Mexico không phải của riêng Mexico, và biển Nam Trung Hoa cũng không phải là của Trung Quốc. Vì vậy sử dụng tên này cho một hội thảo quốc tế về Biển Đông là phù hợp”, TS Sơn nói.
Đáng chú ý, TS Sơn chia sẻ thêm, do tổ chức ở VN, ngay từ hội thảo lần thứ nhất do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia VN đồng tổ chức, ban tổ chức đã giới thiệu tên của hội thảo bằng tiếng Việt là “Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”.
Cũng tại hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên này, vấn đề tên gọi quốc tế của Biển Đông đã được thảo luận và các đại biểu đều nhất trí “South China Sea” là tên gọi trung lập, không hàm ý chủ quyền và phù hợp cho serie hội thảo này. “Tổ chức hội thảo 10 năm qua nhưng chưa có đại biểu trong nước và quốc tế nào thắc mắc hay hiểu lầm về cụm từ này”, TS Sơn khẳng định.
Trước đó, hội thảo quốc tế lần thứ 10 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, do Học viện Ngoại giao VN, Quỹ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia VN tổ chức tại TP.Đà Nẵng (ngày 8 - 9.11), có phông nền xuất hiện cụm từ “South China Sea” khiến một số người thắc mắc. Một số ý kiến cho rằng, hội thảo về Biển Đông thì không nên sử dụng cụm từ đã nêu, trong khi đó cũng nhiều người cho rằng “South China Sea” là tên riêng mang tính quốc tế nên sử dụng trong hội thảo quốc tế là phù hợp.
Theo TS Sơn, việc trao đổi, tranh luận về tên gọi quốc tế của Biển Đông sẽ góp phần cho công luận hiểu thêm về thực tiễn tên gọi các vùng biển quốc tế và ý nghĩa của tên gọi các vùng biển trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của VN hiện nay.
Bình luận (0)