“Tên trộm tài ba” này có thể qua mặt nhân viên bảo vệ, các thiết bị chống trộm chỉ là đồ chơi của y. Các vụ trộm ly kỳ đến mức tờ báo có luôn một chuyên mục chỉ chờ tên trộm hành động để tường thuật và hốt tiền bán báo.
Một hôm, phó tổng biên tập chạy bổ vào phòng tổng biên tập hét toáng lên: Cảnh sát đã bắt được tên siêu trộm. Thưa sếp, đó là một người lùn!
Tổng biên tập sững người, đoạn nói, cuối cùng thì Chúa cũng cho ta một cơ hội. Hai người thảo luận việc tường thuật vụ việc sốt dẻo này như thế nào, giật tít lên trang nhất ra sao. Việc này cũng bình thường, vấn đề là trình bày cái bài sốt dẻo Chúa ban này như thế nào.
Tống biên tập với bộ óc đặc biệt khác thường của mình đã đưa ra gợi ý: Sao chúng ta lại không thể cho tên lùn nhảy trang?
Không ai hiểu được ý của sếp lúc đó nên ông giải thích thêm, chúng ta có thể đặt một tiêu đề với bài tường thuật như đã bàn, nhưng chúng ta sẽ gây sốc bằng cách đăng hình ảnh với kích thước thật của tên lùn.
Sếp phó giãy nảy, nó là một tên nhỏ con nhưng đâu đến nỗi nhỏ để nằm trong tờ báo chúng ta. Sếp tổng từ tốn, đúng vậy, nhưng ta sẽ nhảy trang khi đăng hình hắn.
Này nhé, trên trang nhất đăng hình tên trộm, khi ngang ngực hắn ta sẽ rạch ngang rồi ghi (xem tiếp trang 7), đến hết trang 7 ta sẽ đăng tiếp hình hắn khúc thứ hai rồi rạch ngang và ghi (xem tiếp trang 9), cứ như thế…Bạn đọc mua báo, có thể cắt các trang ghép lại hình kích thước thật của tên trộm và dán nó trên cánh tủ lạnh. Đây sẽ là đề tài nóng bỏng cho bạn đọc thảo luận ngày mai…
Phó tổng biên tập nhìn sếp mình hồi lâu, ngạc nhiên vì thấy ông vĩ đại hơn sự vĩ đại mà mình từng thấy. Nhưng rồi ông bàn lùi, cho rằng làm như thế sẽ có người nói này nói nọ (kiểu như xúc phạm người khuyết tật, vi phạm nhân quyền...).
Cuối cùng, để an toàn, bộ óc vĩ đại của sếp đã phải chùn lại. Hôm sau, tờ báo đăng bài tường thuật với tấm hình bình thường như truyền thống. Tên trộm không bị chặt khúc ra nữa.
Nhiều năm sau, câu chuyện này vẫn gây tranh cãi trong tờ báo.
*
Quyển Lời tự thú của một nhà báo Mỹ dày 566 trang của Tom Plate (NXB Trẻ) đã được tôi “nghiền nát” trong một đêm. Và, không thể kiềm chế được sự hưng phấn trong người như thể được uống trà sâm Hàn Quốc, tôi phải kể lại một trong muôn vàn câu chuyện thú vị này cho bạn bè, đồng nghiệp, nhất là các em sinh viên báo chí có gọi tôi bằng thầy (tôi có đi truyền nghề báo chí trong các trường đại học), những người sẽ là đồng nghiệp, có thể là sếp truyền thông trong tương lai như một sự chia sẻ về nghề nghiệp.
Câu hỏi đặt ra là: Trong trường hợp đó, nếu là sếp, chúng ta phải quyết định thế nào. Có cho tên lùn nhảy trang?
Hãy xem ông phó tổng biên tập, sau này là tổng biên tập tờ báo nói trên, nghĩ gì.
Ông nói với cộng sự trong tòa soạn rằng, sau này khi ông không còn thời gian ở trên cõi đời này nữa, hãy đọc điếu văn và khắc trên bia mộ của ông dòng chữ: “Giờ đây khi đã nằm xuống và không thể làm gì được nữa, tôi nhận ra rằng lẽ ra tôi đã phải cho nhảy trang khi đăng hình tên trộm lùn”.
Trong cuộc sống, trong nghề nghiệp, nhất là đối với những người làm báo, chúng ta vẫn đối mặt với những khoảnh khắc “nhảy trang”. Quyết định thế nào là quyền của chúng ta, không quyết định và ân hận muộn màng cũng là quyền của chúng ta.
Trong nhiều sự kiên báo chí hay biến cố trong cuộc đời, đôi khi cũng ta có ý tưởng độc đáo nhưng chưa hẳn thực hiện được.
Tên trộm lùn thật quỷ quái!
Bình luận (0)