Nhiều chuyên gia nhận xét do thiếu “chỗ chơi” trong dịp tết, nên nhiều người bị hút vào bàn nhậu.
Người dân tấp nập đi chơi tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày mùng 3 tết - Ảnh: Ngọc Thắng
Hồ Xuân Hương (Đà Lạt) nhộn nhịp khách du xuân - Ảnh: Lâm Viên
|
“Tôi nghĩ năm nào cũng có chuyện đánh nhau, say xỉn như vậy. Chỉ có điều năm nay có công bố con số cụ thể hơn thôi”, GS Tô Ngọc Thanh nói. Điều này, theo ông Thanh có gốc rễ văn hóa của nó. Đó là do quá ít hoạt động vui chơi, người ta bị hút vào bàn nhậu, dễ dẫn đến thiếu kiểm soát bản thân.
Đánh nhau không hẳn do tết
|
“Chuyện mê mải nhậu là có. Chuyện đánh nhau do rượu chè cũng có. Nhưng để cắt nghĩa đánh nhau do tết thì không nên. Phải nhìn rộng ra là hệ thống dịch vụ xã hội mình rất kém. Nhậu nhiều một phần do chỗ chơi chẳng có. Cứ xem mấy chục điểm bắn pháo hoa, chưa đến giờ đã tắc nghẽn đường. Không phải là pháo hoa hay quá mà cái chính là chả có gì xem. Dịch vụ xả ức chế cũng kém. Đề kháng văn hóa cũng kém đi trên cơ sở văn hóa xuống cấp”, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học nói.
PGS-TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai, thì cho rằng “thời kỳ nhậu tết” này là một biểu hiện của khủng hoảng giá trị. “Tết giờ khác ngày xưa. Ngày xưa là chơi thể thao. Những năm 1960 thôi vẫn có nhiều đội bóng đá. Còn giờ thể thao mất, tết hưởng thụ văn hóa kiểu gia đình, xem TV, không có tính cộng đồng nữa. Văn hóa làng xã đang vỡ dần, mất tính cộng đồng trong giao tiếp. Những cái đó làm chuyển đổi bảng giá trị, người ta thấy gặp gỡ giao tiếp tết chủ yếu ở mâm rượu là vui”, ông Sơn phân tích.
Tuy nhiên, ông Sơn khá lạc quan: “Đến một lúc nào đó, dân tộc mình vốn điều chỉnh tốt, họ sẽ điều chỉnh được. Chỉ chừng 5 năm nữa thôi, nếu thể thao công cộng có sức hút lên, người ta hiểu rằng đã uống rượu thì sẽ dẫn đến tai nạn thì người ta cũng điều chỉnh được”.
Chuyển dịch văn hóa
Trong khi nhiều người chỉ có thú vui hoặc nhiệm vụ “nhậu tết” thì những người muốn thoát khỏi gông xiềng rượu thịt bằng du lịch lại đang bị “soi”. Có ý kiến cho rằng thoát ly gia đình ngày tết để du lịch chính là đi ngược với thuần phong mỹ tục.
Tuy nhiên, về vấn đề này, PGS-TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, nhận xét: “Làm sao mà mất thuần phong mỹ tục được khi người ta vẫn có thể thu xếp thăm người thân và cúng lễ mà vẫn đi chơi được, có vấn đề gì đâu. Khi người ta đi du lịch thì mức sống đã tăng. Cái đó cũng là xu thế thôi”, ông nói.
PGS-TS Trần Hữu Sơn cho rằng nếu người trung tuổi trở lên mong được trở về với tổ ấm, sau công việc bận rộn của năm thì lớp trẻ lại muốn đi khám phá trong kỳ nghỉ dài. “Hai trạng thái khác nhau. Nhưng cũng chẳng có vấn đề gì. Nếu như vẫn đi du lịch nhưng ngày mùng 1, 2 mà ở nhà, sau đó đi du lịch thì ổn nhất”, ông nói.
Tương tự, một tiến sĩ thuộc Viện Văn hóa đánh giá: “Đấy chính là một dạng biến đổi văn hóa. Chẳng có lỗi lầm gì mà phải phê phán”.
Bình luận (0)