Tết cố đô tưng bừng thời triều Nguyễn với nhiều phong tục rất Huế

06/02/2022 11:46 GMT+7

Người Việt xưa ở Bình Định, Nha Trang hay Huế… ai cũng đều mong Tết, ai cũng dành thời gian để chuẩn bị cho mình và gia đình một cái Tết tươm tất nhất có thể, người giàu kẻ nghèo đều nghỉ tay để thưởng xuân.

Viết về tết xưa ở Huế, trong Ký sự hành trình Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) của bác sĩ Hocquard tường thuật lại rằng: “Những ngày này, đông đảo người dân Huế dành thời gian đi tảo mộ, chạp mộ. Nghĩa trang nằm bên cạnh núi Ngự Bình được Hocquard nhận xét là cánh đồng rộng chôn cất hàng ngàn lăng mộ".

Bán hoa giấy những ngày trước Tết, thập niên 1920

ManhHaiFlickr

Trong dịp Tết này, không có gì lạ hơn là hình ảnh những nhân công nhổ cỏ và sơn lại mộ phần, “có mộ chỉ là một mô đất nhỏ thấp lè tè, chắc chắn thuộc về những người bình dân; những mộ khác được trang hoàng đẹp đẽ, có tường bao quanh và đôi khi có một bia đá vuông, đó chắc chắn là nơi yên nghỉ của một người thuộc tầng lớp quý tộc; ở một vài chỗ trong nghĩa địa này, người ta đắp những quả đồi như thật, trên đỉnh đồi là lăng tẩm nhà giàu nằm dưới tán thông lớn; lăng tẩm này được xây dựng để tưởng nhớ các bậc hoàng thân hoặc đại thần triều đình”, Hocquard cho biết thêm trong sách.

Tết Huế qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau

Trước bác sĩ Hocquard hơn nửa thế kỷ, một người con lai Pháp - Việt là Michel Đức Chaigneau, con trai của Jean-Baptiste Chaigneau - công thần thời Gia Long, sống ở Huế thời Gia Long và những năm đầu thời Minh Mạng đã kể lại những câu chuyện đầu năm mới ở kinh thành Huế và vùng phụ cận trong cuốn sách Souvenirs de Hué (Hồi ức Huế) xuất bản ở Paris năm 1867, mang đến những thông tin khá thú vị.

Theo Michel Đức Chaigneau, lễ hội đón năm mới ở đây kéo dài khoảng mười ngày, mọi công việc đều tạm dừng trước 6-8 ngày cuối năm âm lịch để mọi người được nghỉ ngơi và vui chơi giải trí, lễ thượng nêu/ đóng ấn và hạ nêu/ khai ấn là các hoạt động định kỳ không thể thiếu.

Chân dung Michel Đức Chaigneau

Thư viện Quốc gia Pháp

Ngôi nhà của J.B. Chaigneau ở Huế

Thư viện Quốc gia Pháp

Đã thành thông lệ, vua sẽ có quà thưởng cuối năm cho quan lại, Michel Đức Chaigneau cũng lưu ý là “quan không bắt buộc phải dâng quà tặng cho vua dịp đầu năm mới”.

Vật phẩm vua tặng được đựng trong hộp đáy sơn vàng có hình rồng, vua phái tùy tùng mang đến cho các quan, đi cùng người hộ tống là lọng che cho món quà để tăng phần uy nghi. Về hàng quan lại, theo thứ tự quan nhỏ sẽ tặng quà cho cấp trên trực tiếp, quan lớn. Quà tặng có thể là cặp gà, cặp vịt, giỏ cam…

Các lính tráng, gia nhân sẽ cùng nhau đi Tết vị quan trên/ gia chủ của mình dịp cuối năm, quà thường là con heo nhốt trong rọ hoặc đấu gạo, đi kèm tặng phẩm là những lời chúc tụng, “quan ngồi giữa phòng khách, trên chiếc sập, nghiêm trang nhận quà”.

Michel Đức Chaigneau cho biết thêm, một phần giá trị của món quà mà quan/ gia chủ nhận được từ thuộc cấp/ gia nhân sẽ được phát lại cho họ, sau khi họ vái lạy, trong dịp mừng tuổi đầu năm mới. Nó có thể là vài lạng bạc, quan tiền, hoặc một vật phẩm tương xứng nào đó.

Ngày Tết là ngày đoàn viên của những gia đình người Việt

ManhHaiFlickr

Trong những ngày Tết ở kinh thành Huế, từ hoàng cung đến nhà quan lại hay thường dân, không thể thiếu tiếng pháo nổ đì đùng, tiếng pháo bày tỏ niềm vui. Mọi người túa ra đường đi dạo, xem kịch, tung hứng nhào lộn và tham gia các trò chơi như đánh đu. Đánh bài ăn tiền được xem là hoạt động không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới của người Việt xưa, người dân được chơi cờ bạc một cách hợp pháp cho đến khi các việc công ích hoạt động trở lại. (còn tiếp)...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.