Tết của công nhân vệ sinh

11/02/2021 08:11 GMT+7

Đêm giao thừa hằng năm, khi người người rộn ràng đi hái lộc hoặc quây quần bên mâm cỗ đầu năm thì trên các con phố, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn lặng lẽ với công việc của mình để làm đẹp phố phường.

Nhọc nhằn Tết của công nhân vệ sinh

Hằng ngày, những công nhân vệ sinh môi trường phải tiếp xúc với rác thải bốc mùi hôi thối, giữa trời nắng, trời mưa và bụi bặm để làm sạch, đẹp phố phường. Những ngày giáp tết, khi người người, nhà nhà dành phần lớn thời gian mua sắm vật dụng, sửa soạn nhà cửa đón tết thì các công nhân vệ sinh, những người lao công vẫn cần mẫn làm việc gấp đôi, thậm chí gấp ba so với ngày thường.
Những ngày giáp tết, sự vất vả, nhọc nhằn ngày càng đè nặng lên đôi vai của những công nhân vệ sinh. Và hầu hết họ ít có thời gian để sum vầy bên gia đình đón một cái tết đúng nghĩa.
Anh Trần Khánh Hoàng là một trong những công nhân vệ sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn nhất của Xí nghiệp vệ sinh môi trường (Công ty CP Công trình Đô thị Bảo Lộc, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng). 7 năm gắn bó với nghề lao công, với mức lương khoảng 6,5 - 7 triệu đồng/tháng, anh Hoàng và 3 cộng sự khác được giao nhiệm vụ thu gom, tập kết và quét dọn rác thải sinh hoạt của hơn 1.500 hộ dân trên địa bàn 2 xã Đại Lào và Lộc Châu (TP.Bảo Lộc).

Công việc chính của anh Hoàng là cùng 3 cộng sự thu gom rác sinh hoạt của hơn 1.500 hộ dân và khu vực chợ Đại Lào. Sau đó, anh Hoàng cùng các cộng sự tập kế rác về các bãi tạm ven Quốc lộ 20 để xe chuyên dụng thu gom chở về nhà máy xử lý rác

Ảnh: Trùng Dương

Vợ anh Hoàng bị tai nạn giao thông nên thường xuyên đau ốm. Chưa hết, 2 trong 3 người con nhỏ của vợ chồng anh lại bị bệnh về mắt khiến cuộc sống gia đình anh vốn đã khó khăn lại càng thêm khốn khó.
Mỗi ngày làm việc, tấm lưng anh luôn ướt đẫm mồ hôi, mùi hôi thối từ rác thải luôn bám đầy người. Nhưng để vợ con có được một cuộc sống đầy đủ trong những ngày tết, anh Hoàng luôn tự động viên mình quên đi mệt nhọc cố gắng hơn 100% sức lực làm việc.
“Những ngày tết, gạo và nhu yếu phẩm được chính quyền các cấp và nhà hảo tâm cho nhiều nên gia đình không lo đói. Nhưng tết nhất còn lo toan đủ thứ, phải sắm cho 3 cháu ít sữa, bánh kẹo và áo quần mới đón tết, nên tôi luôn động viên mình phải cố gắng quên đi vất vả, cực nhọc để làm việc”, anh Hoàng Tâm sự.

Công việc làm sạch phố phường của anh Hoàng bắt đầu từ khoảng 14 giờ đến tận 22 - 23 giờ đêm mỗi ngày. Sau tai nạn, 2 tay của vợ anh  Hoàng còn yếu nên thường ngày, anh Hoàng đi chợ từ sáng sớm để mua thức ăn cho vợ con

Ảnh: Trùng Dương

Bữa cơm trước giờ lên đường làm nghề lao công của anh Hoàng tuy đạm bạc, chỉ có canh rau và trứng chiên nhưng luôn tràn ngập hạnh phúc

Ảnh:Trùng Dương

Anh Hoàng rửa chén bát, san sẻ công việc nhà cùng vợ

Ảnh: Trùng Dương

Thời gian vợ lo cơm nước, anh Hoàng dành chơi đùa cùng 2 cháu Trần Khánh Đăng (5 tuổi) và Trần Nguyễn Quỳnh Trâm (4 tuổi) đều bị bệnh cận thị bẩm sinh về mắt từ 14 - 16 độ, luôn cần bố mẹ bên cạnh

Ảnh: Trùng Dương

Thấu hiểu được sự vất vả của nghề lao công, nhiều người dân giúp bỏ rác vào xe. Chính sự tử tế của người dân là niềm vui và hạnh phúc để những người lao công cố gắng gắn bó lâu dài với công việc làm sạch, đẹp phố phường

Ảnh: Trùng Dương

Anh Hoàng kể với chúng tôi về căn bệnh cận thị mắt bẩm sinh của 2 cháu Khánh Đăng và Quỳnh Trâm. Trong đó, cháu Quỳnh Trâm bị cận gần 16 độ, nên phải đeo kính thường xuyên mới có thể đi lại

Ảnh: Trùng Dương

Những ngày cận tết, lượng rác nhiều nên từ 13 giờ, anh Hoàng bắt đầu nổ xe kéo rời nhà trọ đi thu gom, tập kết rác thải trên địa bàn mình phụ trách, không kể nắng mưa 

Ảnh: Trùng Dương

Trong quá trình thu gom, tập kết rác, anh Hoàng chăm chút nhặt nhạnh các vỏ chai nhựa, lon bia phụ vợ bán kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình và nuôi 3 đứa con ăn học

Ảnh: Trùng Dương

Kết thúc một ngày thu gom, tập kết rác vất vả, người nhễ nhại, ướt đẫm mồ hôi vì mệt nhọc, nhưng anh Hoàng vẫn luôn nghĩ đến các con thơ. Anh ghé quán tạp hóa mua cho các con ít hộp sữa làm quà cho các con

Ảnh: Trùng Dương

Thời gian rảnh rỗi, anh Hoàng hướng dẫn cháu Trần Thị Quỳnh Như (10 tuổi  con gái lớn của vợ chồng anh) học bài và hy vọng các con sẽ chăm ngoan, học giỏi để trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội

Ảnh: Trùng Dương

Anh Hoàng vui mừng vì tết năm nay được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể các cấp tặng nhiều quà

Ảnh: Trùng Dương

Người mẹ 15 năm làm sạch đường phố

Cuộc sống đỡ vất vả hơn gia đình anh Hoàng nhưng bà Nguyễn Thị Hoàn (48 tuổi, ngụ P.1, TP.Bảo Lộc), công nhân vệ sinh môi trường làm việc tay Công ty CP Công trình đô thị Bảo Lộc là tấm gương sáng trong việc nuôi dạy con cái.
Với hơn 15 năm phải thức khuya, dậy sớm, gắn bó với công việc thu gom rác, quét dọn làm đẹp phố phường Bảo Lộc, công việc của bà Hoàn luôn phải tiếp xúc với mùi ôi thiu, hôi thối và bụi bẩn từ rác. Thế nhưng bà Hoàn vẫn âm thầm bám trụ, làm việc để lo cho các con ăn học.
Niềm tự hào của bà Hoàn là dù mình vất vả, nhưng cả 3 người con đều chăm ngoan học giỏi. Hiện, con gái lớn là của gia đình bà Hoàn là con gái đầu đang học năm cuối Đại học Luật (TP.HCM). Hai người con trai là cháu Lê Minh Khang (13 tuổi) và cháu Lê Minh Khánh (12 tuổi) luôn chăm ngoan, học giỏi.

Những ngày tết rác nhiều gấp đôi, thậm chí gấp 3 ngày thường, nên bà Hoàn và các cộng sự phải thu gom, vận chuyển khoảng 17 - 20 xe kéo rác/ngày/người đến điểm tập kết tạm tại đường Quang Trung, P.2 (TP.Bảo Lộc)

Ảnh: Trùng Dương

Sau khi rác thải được bà Hoàn và các cộng sự tập kết tại bãi chứa tạm ở đường Quang Trung, xe chuyên dụng chở rác tiến hành thu gom vận chuyển về nhà máy ở xã Đại Lào để xử lý

Ảnh: Trùng Dương

Hơn 23 giờ đêm, khi nhiều gia đình đã chìm vào giấc ngủ, thì bà Hoàn và các cộng sự mới quét dọn tuyến phố cuối cùng mà họ phụ trách để kết thúc ngày làm việc cận Tết Nguyên đán kéo dài hơn 12 giờ đồng hồ

Trùng Dương

Bà Hoàn tự hào nhìn lại thành tích học tập của các con và động viên các con hãy chăm ngoan, học giỏi. Hơn 15 năm làm nghề lao công, bà chưa một lần được đón giao thừa cùng gia đình, người thân và tết năm nay cũng vậy

Ảnh: Trùng Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.