Từ trước tết đến nay, cô Trương Thị Phương Thuỷ (người Cơ Tu, thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế) tất bật chuẩn bị thức ăn, quà biếu, đồ cúng tế để thực hiện phong tục của Đồng bào Cơ Tu.
Theo cô Thuỷ, Đồng bào Cơ Tu sẽ có 3 giai đoạn: tảo mộ, cúng thôn và cúng gia đình. Tất cả các gia đình ở thôn cô ở sẽ tảo mô chung 1 ngày, sau đó sẽ tụ họp lại với nhau để cúng Thôn. Mỗi gia đình sẽ gửi đến 1 bát gạo với mong muốn cầu xin bình an và sức khoẻ. Sau khi cúng, số cơm đó sẽ được nấu lên, để bà con lối xóm tụ họp ăn uống, ca hát, nói chuyện.
Đúng 5 giờ sáng, người dân sẽ đánh kẻng báo thức các gia đình đem gạo đến nhà Rông của Thôn để cúng. Ai cũng nô nức đến đây với những chén gạo trong tay. Mặc dù thời tiết huyện Nam Đông năm nay có mưa và rất lạnh, nhiệt độ 20 độ vào lúc 5 giờ sáng nhưng tất cả bà con già trẻ lớn bé vẫn đến rất đầy đủ và đúng giờ.
"Đặc sản cơm Lam" được chuẩn bị sớm, nhưng phải đến những ngày cận tết, cô Thuỷ mới rục rịch để tạo ra thành phẩm. "Nếu làm sớm quá cơm sẽ bị khô, ăn không ngon" - Cô Thuỷ cho biết.
Theo truyền thống, người Cơ Tu sẽ ăn tết trong 3 ngày. Vào ngày 30 và đêm giao thừa, các gia đình sẽ tặng nhau những túi đựng đầy gạo hoặc thịt heo, thịt gà, dành hết những thứ tốt nhất cho nhau. Với cô Thuỷ, phong tục tặng nhau những gì ngon nhất trong nhà mang đậm nét văn hoá phong tục tập quán đồng bào Cơ Tu, thể hiện tính hiếu khách, tương thân tương ái và đoàn kết với nhau.
Bình luận (0)