Tết Đinh Dậu của cụ ông quên mình cứu người trong lũ dữ

28/01/2017 09:02 GMT+7

Vẫn trong ngôi nhà lọt thỏm giữa nga 3 làng có khúc sông chảy qua đầy duyên nợ ấy, ông cụ nhìn vợ nói yêu: “Năm nay đón tết chắc là nhiều người tới thăm, vui lắm bà hí?”

Đấy là lời chia sẻ và cũng là sự trấn an nhau để đón một cái tết đầm ấm của vợ chồng cụ Nguyễn Thanh Phước (74 tuổi) và bà Phan Thúy Nguyệt (ở làng Vân Thê Nam, xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế).

Như bao người khác, hương khói tổ tiên, ông bà là nghi thức quan trọng hàng đầu ngày tết của cụ Phước - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Khi tôi đến, cụ Nguyệt vẫn gắng sức làm cho xong những chiếc chổi đót để giao cho bà con trong làng, xã để họ kịp dùng vào ngày tết.

Ở tuổi gần 70 nhưng hằng ngày cụ Nguyệt phải đan xong một cái chổi đót, bán 35 ngàn đồng để kiếm lời chừng 10 – 15 ngàn đồng.

Do cụ đan kĩ, chổi dùng bền nên nhiều người trong làng, xã thường đến chỗ cụ Nguyệt đặt làm chổi. Những ngày cận tết, có khi cụ Nguyệt phải thức đến khuya mới đan xong cái chổi kịp hôm sau giao hàng cho khách. Hỏi vợ chồng cụ chuẩn bị tết thế nào rồi, cụ Nguyệt kể bao năm rồi, nhà cụ mấy khi có rình rang đón tết?

“Hồi còn sức thì làm nồi bánh chưng, bánh tét, đổ vài chiếc bánh xoài. Nhưng nay tuổi cao rồi thì có ít bánh trái, nếp xã nhà cho nấu ít xôi đặt lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên cũng là tết”, cụ Nguyệt thổ lộ.

Cụ Phước nhìn mấy nải chuối xanh vừa mua về chưa kịp rửa, cười tươi: “Không có chi nhiều nhưng… năm nay lại vui. Năm nay vợ chồng được lên tivi đài báo nhiều. Bà con, con cháu các nơi cũng thường hỏi han. Rứa là vui rồi”.

Cụ Phan Thúy Nguyệt gắng đan chổi bán tết - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Cái vui của cụ Phước nói là câu chuyện có phần phi thường khi ở tuổi “cổ lai hy” nhưng cụ Phước lẫn cụ Nguyệt quên đi tuổi tác, bất chấp hiểm nguy lao ra dòng lũ dữ cứu người trưa 15.12.2016. Nhà vợ chồng cụ Phước ở vị trí gọi là “ngã 3 nghĩa trang”.

Tham gia kháng chiến chống Mỹ, vợ chồng cụ Phước bị nhiễm chất độc da cam nên sinh 4 người con (1 gái, 4 trai) thì chỉ có 1 lành lặn. 4 người con trai lần lượt là Nguyễn Thanh Hưng (40 tuổi), Nguyễn Thanh Trường (38 tuổi), Nguyễn Thanh Trung (33 tuổi) và Nguyễn Thanh Quốc (25 tuổi) đều không bình thường.

Hiện cả 4 đều đang hưởng trợ cấp hằng tháng của nhà nước dành cho người nhiễm chất độc da cam. Trong 4 người con trai, trừ anh Hưng bệnh nhẹ hơn đã có vợ con và đang chăn bò, 3 người còn lại đều sống lây lất trong ngôi nhà có vị trí “đặc biệt” ấy.

Dù gia cảnh khó khăn, nhiều người nhiễm chất độc da cam, nhưng vợ chồng cụ Phước luôn sống trải lòng, giúp người để có cuộc sống vui vẻ - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Nói là đặc biệt bởi sau 26 năm sống tạm trong khu tập thể Trường THCS Thủy Thanh bằng công việc bảo vệ trường, cách nay 13 năm, gia đình cụ Phước được xã nhà cấp cho thửa đất rồi cất lên cái nhà cấp 4 ở ngã 3 đường ấy.

Ngôi nhà ấy cất lên cũng đã cứu và giúp đỡ không biết bao nhiêu người gặp nạn. Có người té xe, có người rớt nước trôi sông. Cũng nhờ cái vị trí đặc biệt ấy mà trưa 15.12.2016 vợ chồng cụ Phước đã tiếp sức cho nhau cứu được nữ sinh năm thứ 2 ngành y tên Nguyễn Thị Thúy Hằng, người ở thôn Thanh Toàn, xã Thủy Thanh.

Không có điều kiện sắm tết rình rang, thịnh soạn, nhưng vợ chồng cụ Nguyệt vẫn hi vọng có một cái tết cổ truyền nồng ấm - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Hôm ấy Hằng đi học về thì đường làng ngập lũ. Hằng gọi điện thoại cho ba mang ghe ra đón. Trong lúc chờ ba ra đón thì có người đi qua rủ Hằng cùng đi. Người đi trước qua lọt, nhưng Hằng thì không. Cô bị lũ cuốn ra giữa sông Như Ý thì cụ Nguyệt phát hiện.

Cụ Nguyệt miệng tri hô, tay cố mở sợi dây buộc ghe trước nhà để chèo ra sông cứu người. Cụ Phước nghe vợ gọi thì chạy ra đường, rồi lao xuống sông cứu người. Ông cụ tuổi ngoài 70 vật lộn với lũ dữ để giúp Hằng ngoi lên khỏi mặt nước cố thở.

“Định đưa cháu vào bờ nhưng nước lũ chảy mạnh quá. Sau 4 lần nâng lên hạ xuống cho cháu ấy thở, tui kiệt sức nên bơi vào bờ. Đúng lúc ấy vợ tui và một thanh niên trong xã cũng vừa bơi ghe ra được tiếp cứu cháu ấy. Khi đưa được vô trong nhà tui mất thêm 30 sơ cứu nữa, cháu ấy mới tỉnh. Thế là sống. Thật là phước đức”, cụ Phước bồi hồi nhớ lại.

Hoa nhựa chưng tết trong nhà cụ Phước - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Câu chuyện cứu người của vợ chồng cụ Phước hôm sau được báo chí đăng tải, lãnh đạo xã, thị xã rồi tỉnh lần lượt viếng thăm, tặng quà “thưởng nóng”.

Nhưng cái “thưởng” lớn nhất mà vợ chồng cụ Phước thấy “lâng lâng” lâu nay chính là hình ảnh Thúy Hằng hằng ngày đi đi về về. Những ngày sau khi được cứu,

Hằng hay trở lại nhà thăm hỏi vợ chồng cụ Phước. Đê tri ân tái sinh, Hằng nói tết này cô cũng sẽ dành nhiều thời gian bên vợ chồng vị ân nhân này.

Cô nữ sinh Nguyễn Thị Thúy Hằng bên hai vị ân nhân lớn tuổi - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Cụ Nguyệt khoe mới ra xã nhận gạo và dầu ăn, tiền tết về cho cả nhà. Đấy là khoản trợ cấp gia đình chính sách, người nhiễm chất độc da cam đón tết cổ truyền. Số quà ấy cùng với vài nải chuối xanh, mấy quả cau tươi, chùm hoa nhựa vừa được vợ chồng cụ Phước chuẩn bị cũng “đủ” để đón tết.

Đặc biệt, bên ngoài sân có cành mai cũng đã bắt đầu khoe sắc vàng; hai chậu cúc mà người cháu cụ trồng vừa mang tặng bắt đầu bung nở sắc xuân.

Cụ Phước vừa tỉ mẩn tỉa tót cho hai chậu cúc, vừa kể: “Năm nào cũng thế. Chiều 30 vợ chồng làm mâm cơm cá cúng tất niên và đón ông bà về ăn tết. Tối giao thừa cúng một mâm bánh trái xôi chè đón giao thừa. Sáng mồng 1 thì ra nghĩa trang liệt sĩ xã dâng hương sau đó về đi thăm, chúc tết bên nội bên ngoại.

Ngày mồng 2 vợ chồng đưa nhau lên núi thăm mộ, hương khói. Ngày mồng 3 cúng đưa ông bà tổ tiên. Sang mồng 4 thì ra đồng với mấy sào ruộng. Đó là lịch đón tết của vợ chồng tui bao năm qua. Nhưng năm nay chắc có thay đổi chút ít vì có thêm bạn, thêm cháu Hằng và nhiều quan khách khác đến thăm. Có khi nhìn hoa là thấy tết. Nhưng làm được việc gì tốt, trong lòng thấy vui cũng là ấm cúng, đón tết mới hân hoan”, cụ Phước cười kể, như quên hẳn những nhọc nhằn thường nhật.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.