Trong tâm thức người Việt, Tết Đoan Ngọ được quen gọi với là Tết diệt sâu bọ. Với những trẻ em ở vùng biển ngày trước thường được người lớn đưa đi tắm biển vào đúng giờ Ngọ hay sáng ngủ dậy ăn một vài quả vải, quả mận, chén cơm rượu.
Còn với người dân TP.HCM, Tết Đoan Ngọ không chỉ có bánh ú nước tro, mà dọc đường phố còn bán thêm nhiều nắm lá để tắm, để xông hay để treo trước nhà. Ngoài ra, tại các tuyến phố nhiều người gốc Hoa sinh sống thì còn có thêm bánh bá trạng được bày bán.
Tết Đoan Ngọ ở TP.HCM: Gia đình người Hoa nấu bánh bá trạng xuyên đêm |
Tết Đoan Ngọ là gì?
Theo TS Trần Long, Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, Khoa Văn hóa học, Trường ĐHKHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), người Việt xưa ăn tết vào tháng 11 âm lịch. Do đó, tháng 5 là thời điểm giữa năm, cùng lúc với việc kết thúc vụ Chiêm bước vào vụ Mùa.
Bánh ú nước tro là món được bán khắp các tuyến đường ở TP.HCM dịp Tết Đoan Ngọ |
Độc lập |
Vào thời điểm này, người dân có truyền thống làm nông thường tổ chức lễ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên, ăn mừng vụ mùa,… nên còn gọi là Tết nửa năm. Như vậy, ngày này là ngày đặc trưng của nền văn hóa lúa nước.
TS Trần Long cho hay, "Đoan” có nghĩa là bắt đầu, “Ngọ” chỉ giờ ngọ, tức là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ đến 13 giờ chiều). Đoan Ngọ có thể hiểu là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Chính nghề trồng lúa nước đã buộc người nông dân phải quan sát, để ý đến thời tiết. Do vậy, phong tục Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam hình thành.
Ngoài quan điểm trên, về nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ cái chết của Khuất Nguyên – một vị quan nước Sở.
Ngoài mua bánh ú, người Sài Gòn còn mua trái cây, hoa về cúng |
Độc lập |
Do chán chường vì khuyên can vua Sở không nên tin vào nước Tần không thành và bị đày đi xa xứ, ông đã ôm đá nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày mùng 5.5 âm lịch. Đời vua sau tiếc thương nên làm đồ cúng tế, mang ra sông thả xuống.
Ông hiện về báo mộng đồ cúng tế bị cá ăn hết nên nhà vua đã cho gói bánh, cột chỉ nhiều màu thả xuống ông cho cá sợ không ăn. Từ đó dần thành ra tập tục, bao gồm cả lễ hội đua thuyền rồng của Trung Quốc vào ngày này hằng năm.
Người Việt làm gì ngày Tết Đoan Ngọ?
TS Trần Long chia sẻ thêm, ngày Tết Đoan Ngọ hiện nay, người miền Nam thường mua bánh ú nước tro, có thể kèm lá xông và trái cây về cúng. Người miền Trung có nơi mua vịt quay, có nơi rủ nhau đi tắm biển hoặc tắm nước múc lên từ giếng vào lúc đúng 12 giờ trưa. Người miền Bắc thì thường ăn cơm rượu, quả vải, có mận,… cho trẻ con ăn ngay khi ngủ dậy.
Những nắm lá được bán để về xông hoặc treo trước cửa nhà |
Độc lập |
Trong đó, bánh ú nước tro thường có hình chóp, to bằng nắm tay được bán khắp các chợ và dọc đường vào ngày Tết Đoan Ngọ. Ngày trước, người ta dùng lá tre để gói bánh, nhưng ngày nay một số nơi đã thay lá tre bằng lá chuối. Bánh thường dùng để cúng hoặc làm quà cho người quen trong dịp này.
Ở một số vùng quê, đến ngày nay vẫn còn lưu truyền tục hái lá thuốc vào giờ Ngọ của ngày mùng 5.5 vì tin rằng đây là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm. Người ta thường hái bất kỳ các loại lá gì có sẵn trong vườn, có thể phơi khô, để dành trị bệnh.
Ngày trước, Tết Đoan Ngọ người ta còn nhuộm móng tay cho trẻ con. Mang áo trẻ lên chùa để xin con dấu, vẽ bùa vì cho rằng trẻ mặc các áo này sẽ không bị tà ma quấy nhiễu. Trong cuốn Việt Nam phong tục toàn biên của Vũ Ngọc Khánh còn nói thêm, chuyện dân gian kể rằng vào ngày này, những loại rắn, thằn lằn đều trốn đi đâu mất cả, cho nên mới có câu thành ngữ: “Len lén như rắn mùng Năm”.
Bình luận (0)