Tết Đoan Ngọ: Vì sao người Việt cúng bánh tro/bánh gio hình tam giác?

13/06/2021 13:40 GMT+7

Theo truyền thống người Việt , Tết Đoan Ngọ, mùng 5 tháng 5 âm lịch trên bàn thờ thường có vài chiếc bánh tro (theo cách gọi miền Nam) hay bánh gio (theo cách gọi miền Bắc), nhưng vì sao bánh tro lại có hình tam giác?

“Tháng Năm ngày tết Đoan Dương
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”
Tết Đoan Ngọ hay Đoan Dương là một ngày lễ quan trọng trong cuộc sống văn hóa truyền thống của người Việt. Chúng ta thường được biết tới ngày Tết “Giết sâu bọ” với tục lệ cúng lễ tổ tiên rượu nếp, hoa quả, bánh tro và thường thắp hương vào giờ trưa tức chính ngọ.
Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Hoàng Triệu Hải - Giám đốc Trung tâm Lý học Đông Phương - về ngày Tết Đoan Ngọ:

Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ

Có rất nhiều kiến giải về ngày Tết này và rất nhiều người cho rằng nó xuất phát từ văn hóa Trung Hoa với truyền thuyết về Khuất Nguyên. Tuy nhiên bản thân người Trung Hoa cũng không lý giải sự liên quan của truyền thuyết này với ngày Tết Đoan Ngọ.
Đối với người Việt, câu thơ mở bài đã thể hiện ngày lễ tết này quan trọng thế nào, vì nó là ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ. Có rất nhiều người cho rằng Quốc Mẫu không có thật bởi truyền thuyết mẹ tiên sinh trăm trứng và bởi thế không thể có ngày giỗ của một người tồn tại trong truyền thuyết.

Ngày mùng 5 tháng 5, người Việt thường mua bánh tro về cúng

Ảnh: Thùy Dương

Chuyện suy tôn một người có công hay tổ tiên thành thần thánh là một truyền thống từ ngàn xưa của người Việt. Do đó, suy tôn Quốc Tổ - Quốc Mẫu thành Rồng Tiên không thể coi là không tồn tại một Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ có thật.
Tự tôn dòng máu Lạc Hồng để suy tôn Quốc Tổ - Quốc Mẫu thành Rồng – Tiên là sự tôn vinh của con cháu với tổ tiên, chứ không phải sinh ra từ một câu chuyện cổ tích hay truyền thuyết không có thực. Do đó, ngày giỗ tổ cũng là một ngày đại diện mang tính biểu tượng theo nền tảng của nền Lý học Đông phương và nó không phải là ngày giỗ thực của mẹ Việt Thường.
Trong nền tảng Lý học Đông Phương, số 5 biểu tượng của hành Thổ, nằm ở chính giữa trung tâm Hà Đồ. Đoan Ngọ: Đoan là mở đầu, Ngọ là chính giữa. Tháng 5 âm luôn là tháng Ngọ bởi theo lịch Kiến Tý, tháng 11 âm là tháng Tý và ngày mang tính biểu tượng mùng 5 là sự khởi đầu của một nửa năm cuối.

Giữa dịch Covid-19: Nấu bánh ú tro tết Đoan Ngọ từ sáng đến tối vẫn không đủ hàng giao

Vì sao bánh tro hình tam giác?

Trên ban thờ vào ngày giỗ Mẹ Việt Thường, bánh gio (tro) và rượu nếp là hai món không thể thiếu. Vì sao lại như vậy? Vì lúa gạo đại diện của nền văn minh lúa nước và rượu luôn là lễ vật thuần khiết thiêng liêng dâng lên tổ tiên.

Ngày trước, bánh tro thường không có nhân

Ảnh: Thùy Dương

Bánh tro được làm từ tro cây thạp nhạp (là loại cây mọc trên rừng, rất phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc) cùng với quả của cây xoan mang về đốt thành tàn tro. Sau đó, lọc lấy phần nước ngâm với gạo nếp và gói lại bằng lá dong.
Lý lẽ trong trời đất thì vạn vật đều quay về với đất mẹ, và đó là lý do người ta đốt (hỏa) thảo mộc lấy tro (sinh Thổ) để làm bánh dâng lên Mẹ Việt Thường. Tất nhiên bánh tro là bánh ăn nguội (lạnh) và nhạt, cho nên khi ăn chúng ta thường ăn cùng mật mía đường.

Bánh tro hay còn gọi bánh gio là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ

Ảnh: Thùy Dương

Vì sao ông cha ta tạo hình chiếc bánh tro (gio) hình khối tam giác chứ không phải tròn, hình vuông hay hình đơn giản như các loại bánh khác? Đó có thể là lý lẽ học thuyết âm dương ngũ hành, hình tam giác là dương Hỏa bên ngoài bao bọc để tương sinh với âm Thổ của bánh bọc bên trong.
Màu sắc của bánh cũng tượng trưng cho màu của đất và ngày trước bánh không có nhân bởi khi quay về với đất thì vạn vật trở nên thuần khiết. Quay trở về đất nhưng âm dương tương sinh để rồi lại sinh sôi, phát triển và lý lẽ đó chính là quy luật của tạo hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.