Theo ghi nhận của Thanh Niên , hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán , nhiều gia đình ở làng Lái Thiêu (TP.Thuận An, Bình Dương ) đã tăng cường sản xuất hàng hóa dịp tết. Ngoài những mẫu heo đất truyền thống, họ còn sáng tạo ra những mẫu mới lạ với chủ đề về con rồng.
Bà Châu Hồng Vân (40 tuổi, ở làng Lái Thiêu) mới chuyển sang làm nghề sản xuất heo đất ít năm nay. Trước đây, bà buôn bán nhỏ lẻ. Vì không còn trẻ nên người phụ nữ muốn chuyển hướng sang làm heo đất như nhiều người trong xóm, không phải đi lại nhiều. Bà cho biết, từ tháng 11 gia đình đã tăng tốc làm các đơn hàng để phục vụ nhu cầu khách tăng cao vào dịp tết. Tuy nhiên, lượng khách đến nay không nhiều như các năm trước
"Thực tế cho thấy nhiều người nghỉ việc, không có việc làm ổn định nên không có tiền tiết kiệm. Thậm chí có người còn không có tiền ăn nói gì đến việc tích trữ nên heo đất khó bán là điều dễ hiểu. Bình thường, dịp cuối năm mọi người phải tăng ca đến 7 – 8 giờ tối nhưng hiện tại chỉ làm theo giờ hành chính, 8 tiếng/ngày" bà Vân cho biết
Giá cả năm nay giảm một ít so với năm ngoái. Mỗi con heo đất được bán với giá khác nhau tùy mẫu mã, kích thước
"Ai cũng mong muốn bán được nhiều hàng nhưng tình hình chung mọi người đều bị ảnh hưởng nên đành chấp nhận. Nhà tôi thường sản xuất những mẫu heo đất truyền thống, không chạy theo xu hướng", chủ sản xuất này chia sẻ
Cách xưởng sản xuất của nhà bà Vân không xa, gia đình chị Cổ Thị Phương Trang (22 tuổi, ở làng Lái Thiêu) cùng công nhân cũng đang tất bật tô vẽ, đóng hàng. Người quét sơn lên heo đất, người trang trí… ai nấy đều tập trung làm việc cho đơn hàng dịp cuối năm
"Năm nay đơn hàng dịp tết giảm khoảng 30% so với những năm trước. Tình hình kinh tế khó khăn, các tiểu thương bán chậm nên giảm số lượng hàng nhập về. Tôi bán theo đơn hàng sỉ, thị trường chủ yếu ở các tỉnh miền Trung", chị nói
Năm nay, xưởng sản xuất của chị có thêm mẫu mới là "cá chép hóa rồng" với mức giá 50.000 đồng. Mẫu mới này được mọi người sơn màu vàng với ý nghĩa mang đến may mắn, thịnh vượng cho chủ nhân
"Bình thường ở thời điểm này và 2 tháng sau tết hàng bán rất chạy nhưng giờ bán chậm hơn. Thu nhập của tôi giảm xuống nhưng không còn cách nào khác ngoài việc hy vọng năm sau tình hình kinh tế khả quan hơn sức mua tăng trở lại", chị Trang bày tỏ.
Người dân sản xuất heo đất với hình thù khác nhau
Chị Nguyễn Thanh Hương (18 tuổi, ở làng Lái Thiêu) chia sẻ, để làm ra được một mẫu "cá chép hóa rồng", người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như đổ khuôn, đúc lò, sơn vàng và đổ kim tuyến lên phía trên. Trong đó, công đoạn đổ khuôn và đổ kim tuyến đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ. Năm nay, mẫu mới này được mọi người ưa chuộng, đặt hàng từ sớm
Mọi người đổ đất vào khuôn tạo hình có sẵn
Làng Lái Thiêu nổi tiếng với nghề làm heo đất mấy chục năm nay
Người thợ đang thực hiện công đoạn đổ sơn lên heo đất
Bình luận (0)