Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, hình ảnh các thành viên trong gia đình ngồi quây quần quanh bếp lửa bập bùng bên nồi bánh chưng đang sôi sùng sục có lẽ đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa không thể thiếu khi nhắc đến phong tục đón tết của người Việt.
Sự gắn kết, sum vầy vào mỗi dịp cuối năm sau khi trải qua cả một năm nhiều bôn ba vất vả, từ lâu, đã trở thành những hình ảnh đẹp đẽ và đáng lưu giữ nhất trong ký ức của mỗi người.
Phong tục gói bánh chưng ngày tết đã có từ lâu đời, được gìn giữ và duy trì qua nhiều thế hệ. Chả thế mà cứ mỗi dịp tết đến, chỉ thông qua dăm ba câu hát, lòng người đã không khỏi bồi hồi, háo hức lẫn xúc động khi nghĩ về không khí sum vầy quanh bếp lửa.
Từ độ ngày 27 - 28 tháng chạp trở đi, mẹ chồng tôi thường chuẩn bị cẩn thận sẵn những nguyên liệu gói bánh chưng để đến ngày 30 tết cả nhà cùng nhau ngồi trước sân, người lau lá, đãi đỗ, người vo gạo, ướp thịt gói bánh. Có lẽ lúc vui nhất là lúc nấu bánh và chờ bánh chín, trong không khí sương lạnh, buốt giá vẫn không thể làm giảm đi sự ấm nồng gắn kết giữa các thành viên nhiều thế hệ khi ngồi quanh bếp lửa bập bùng.
Để có được một chiếc bánh chưng đẹp mắt và vừa miệng, ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu đã phải rất chăm chút và tỉ mẩn. Từ gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu cho đến lá dong, lạt giang. Mỗi một chiếc bánh đẹp và vuông vắn là cả một sự trau chuốt bắt đầu từ khâu chọn lá dong.
Người ta thường chọn loại lá bánh tẻ (lá chưa già nhưng cũng không quá non), bởi lá bánh tẻ thường mềm dẻo hơn các loại lá khác. Để gói bánh thường dùng các lá to đều nhau, không bị rách, có màu xanh đậm, cuống nhỏ. Trước khi gói, cần đem rửa sạch rồi tráng qua nước sôi thì lá dong sẽ dẻo, khi gói không bị rách. Trải qua rất nhiều công đoạn để làm ra được một chiếc bánh tượng trưng cho sự đùm bọc, yêu thương của các thành viên trong mỗi gia đình.
Mỗi dịp tết đến xuân về, trẻ con, người lớn trong gia đình tôi đều háo hức xem gói và luộc bánh. Mọi người thường quây quần bên nhau vừa chuẩn bị những nguyên liệu để gói bánh vừa trò chuyện rôm rả. Người lau lá, người vo đậu, người ngâm nếp giữa khung cảnh ấm áp và quen thuộc. Mẹ tôi vừa gói bánh vừa hướng dẫn cho các con cách để làm ra những chiếc bánh chưng vuông vức, thơm ngon.
Sau đó cả nhà sẽ cùng nhau ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, nói cười vui vẻ, ôn lại một năm cũ đã đi qua. Đây cũng chính là điều khiến cho thông lệ gói bánh chưng trong những ngày giáp tết của gia đình tôi càng trở nên đậm đà ý nghĩa, khi mà nhiều thế hệ, bất kể già trẻ đều cùng nhau kể những câu chuyện vui trong không khí đầm ấm, rạo rực của những ngày giáp tết.
Khoảnh khắc châm bếp lửa luộc nồi bánh chưng là khoảnh khắc mà cả trẻ con lẫn người lớn đều thích thú. Ngọn lửa bập bùng, thỉnh thoảng lại được nghe những tiếng nổ lách tách của những thanh củi. Mùi của vỏ trấu cháy, hơi ấm của bếp lửa, tiếng nước sôi ùng ục. Mùi nếp, mùi lá dong bốc lên. Đó là lúc toàn bộ các giác quan được cảm nhận một cách chân thực và sâu sắc nhất mùi vị của sự đoàn viên, ấm cúng.
Bên ngoài chiếc bánh chưng là lá dong, bên trong là gạo nếp, đậu xanh, hành, thịt... có thể nói là gói gọn trọn vẹn những hương vị truyền thống của quê hương dân tộc. Chiếc bánh chưng có vị thơm dẻo của gạo nếp, ngọt bùi của đậu xanh, béo ngậy của thịt mỡ và mùi thơm đặc trưng của tiêu, hành, lá dong. Chính vì vậy việc gói bánh chưng trong những ngày này còn thể hiện sự biết ơn đất trời đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho mỗi gia đình.
Tất cả mọi người, dù người già lẫn trẻ nhỏ đều đóng góp một phần công sức, cùng nhau làm ra những chiếc bánh chưng xanh mà trong đó có cả 'vị' đoàn viên, sum vầy để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên.
Mẹ tôi cũng luôn nhắc nhở các con, các cháu nhớ rằng: Truyền thống gói bánh chưng ngày tết đã được duy trì trong gia đình tôi từ đời này sang đời khác. Và con cháu chúng tôi vẫn phải tiếp tục tiếp nối, không để ngày sau mai một.
Sau đó, những chiếc bánh chưng được mẹ tôi gửi đi biếu gia đình thông gia và một số anh chị em thân thiết ruột thịt. Đằng sau mỗi chiếc bánh là cả tấm chân tình của mỗi gia đình đối với những người thân quan trọng mà ta vẫn hằng yêu quý.
Bánh chưng không chỉ đơn giản là món bánh để thờ cúng đất trời, mà còn gói gọn trong đó cả niềm vui sum họp, hân hoan khi ngày tết đang đến gần. Ẩn sâu trong mỗi lớp lá dong, là nụ cười của sự đoàn viên, là tấm lòng thành kính của người dân đối với sự ưu ái của đất trời, là sự biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ.
Cũng bởi những lẽ đó mà phong tục gói bánh đã trở thành một nét đẹp truyền thống văn hóa cần được lưu giữ và duy trì trong mỗi gia đình người Việt.
Bình luận (0)