Tết Huế - vị tết nhà mình

22/01/2023 20:40 GMT+7

Chiều giáp tết nghe câu ru vang vọng từ hiên nhà hàng xóm: "Đi mô cũng nhớ quê mình/Nhớ sông Hương nước biếc, nhớ non Bình trăng trong...".

Rứa đó! Ai đã từng rong ruổi khắp nơi vì cuộc mưu sinh, lập thân, lập danh đều ngày đêm đau đáu nỗi nhớ quê hương, nhớ đến nao lòng. Tôi bỏ xứ mà đi cũng tròm trèm bốn mươi năm chẵn, trong những năm xa xứ tôi lại hay nhớ về Huế nhất là mỗi độ tết đến, xuân về.

Đương nhiên khi nhớ Huế là người ta hay nhớ núi Ngự, nhớ sông Hương như câu ru của người hàng xóm. Hay nhớ Huế là nhớ đến thành quách của một triều đại đã đi vào dĩ vãng nhuốm màu thời gian. Nhớ Huế là nhớ những buổi tan học với những tà áo dài trắng tung tăng khắp những con đường rợp bóng cây, bởi Huế là thành phố của cây xanh mà! Riêng tôi, nhớ Huế là nhớ vị nồng cay ấm áp của những miếng mứt gừng ngày tết, nhớ Huế là nhớ hương thoảng của những tách trà sen của ba tôi những ngày xuân cùng bè bạn trong căn nhà nhỏ ngụ trong xóm nhỏ gần hồ Tịnh Tâm, căn nhà của gia đình tôi ngày trước.

Sen cổ, sen Huế nhất là sen được trồng trong hồ Tịnh Tâm khi làm trà sẽ mang lại hương thơm dịu và hậu ngọt thanh khi uống

Hồi đó, trong cái giá lạnh những ngày giáp tết ba tôi như lệ thường chở mạ tôi trên chiếc xe Mobylette “thời thượng” qua tận chợ An Cựu để tìm mua những củ gừng của những mệ, những o ở miền ngược gánh xuống bán, gừng phải là loại gừng được trồng trên những vùng đất cao ráo trên những rẩy, rú, đồi phía tây thành phố. Đây là loại gừng mà các mệ, các o vùng đất cố đô thường nói với nhau là gừng ngon nhất Huế. Mua được mớ gừng đủ để làm mứt cho một cái tết thì khi về ba cũng không quên ghé chợ Đông Ba cho mạ ghé vào mua mấy cân đường cát trắng để sên mứt luôn mua vài thứ thức ăn, món uống cho những đứa con háu đói, thích ăn hàng đang đợi ở nhà.

Nhẹ nhàng cho trà vào giữa hoa sen

Một buổi làm mứt thường xôn xao, anh em tôi luôn đợi sự cắt đặt của mạ. Chị tôi người khéo tay luôn được mạ giao cho việc lấy gừng ra ngâm nước, gọt vỏ, bào thành từng lát mỏng theo lời mạ nói lát mứt gừng càng mỏng khi ăn càng thanh. Sau khi gừng được bào thành từng lát thì đem ngâm vào thau nước vo gạo một thời gian, sau đó ngâm qua thau nước lạnh có vắt vào vài múi chanh cho gừng được dịu lại. Tiếp theo, một công việc tạo nên sự thành bại của mẻ mứt gừng ngày tết nên thường được mạ tự tay làm. Thế là, mạ lại bắc một nồi nước sôi, vắt vài trái chanh vô nồi, rồi cho gừng vào luộc. Khi gừng vừa chín tới, thông thường tùy theo độ dày hay mỏng của lát mứt mà thời gian gia giảm từ 20 đến 40 phút, sau khi cắn thử lát mứt đang nóng nếu đạt yêu cầu về độ mềm, độ dai thì mạ vớt gừng ra, đem xả nước lạnh rồi để ráo. Và không quên quay qua chị tôi mạ nói: “Phải luộc đủ chín để ra hết mủ gừng và ngâm nước lạnh vắt vào vài múi chanh để lát gừng sau khi sên, mứt sẽ có màu trắng đẹp mắt. Khi ăn sẽ ngon miệng và bắt mắt hơn”.

Trong khi mạ luộc gừng thì tôi, thằng con trai trong nhà có nhiệm vụ phụ ba thổi một bếp than phục vụ cho việc sên mứt và hong khô mứt sau này. Khi than ở bếp lò đỏ rực, với bàn tay nhẹ nhàng, mạ lấy tro bếp vùi lại, đồng thời đem một tấm ngói cũ gác lên rồi mới đặt chảo gừng lên sên, trên chảo gừng mạ đậy nắp bằng cái mo cau để ngăn bụi, tại sao là những cái mo cau được kết lại để làm nắp và không lấy những nắp thiếc có sẵn cho tiện… câu chuyện cái mo cau làm nắp chảo được mạ giải thích là nếu lấy nắp thiếc như thông thường thì khi sên mứt hơi nóng tụ lại trên nắp thiếc đọng giọt và thành những hạt nước rơi lại xuống mẻ mứt đang sên làm mứt bị ôi không ngon, cứ chịu khó lấy mo cau làm nắp thì hơi nước bị chính cái mo cau rút vào không tụ lại thành nước được. Vậy đó, cứ một chặp, mạ lại nhẹ tay đảo lớp dưới lên trên, lớp trên xuống dưới, cho đến khi đường tan và rút hết vào lát gừng và lát gừng được khô trắng thì đổ ra cái mẹt có lót giấy bồi trắng tinh mà ba đã chuẩn bị từ trước, rồi gác trên bếp sấy thanh hồng cho thiệt khô.

Nếu đã là người Huế thì những búp trà ướp sen luôn được họ chuẩn bị từ mùa hè năm trước

Những lát mứt gừng vàng nhẹ, mang hình dạng nhấp nhô như những ngọn núi nhỏ liền nhau làm tôi liên tưởng đến dãy núi Kim Phụng nằm ở phía tây thành phố Huế, nơi gia đình tôi đang sinh sống.

Mứt cũng đã làm xong được bàn tay tỉ mẩn của chị tôi cất vào chiếc thùng thiếc được lót giấy kỹ lưỡng chuẩn bị cho đêm giao thừa cúng trời đất, ông bà.

Trà ướp sen được chuẩn bị chu đáo cho ngày tư, ngày tết của gia đình trên xứ Huế

Thế nhưng, nếu ngày tết mà thiếu đi những tách trà thơm nóng đặt trên mâm cúng, thiếu tách trà trong buổi tiếp khách ghé thăm thì xuân bất thành tết. Và nếu đã là người Huế thì những búp trà ướp sen luôn được họ chuẩn bị từ mùa hè năm trước. Thật vậy, cứ vào độ mùa sen ba tôi thường đi mua những bông sen về ướp trà mà phải là sen cổ, sen Huế nhất là sen được trồng trong hồ Tịnh Tâm thì khi làm trà hương thơm dịu và hậu ngọt thanh khi uống. Khi sen được mua về thì được sự hướng dẫn của ba, chị tôi nhẹ nhàng cho trà vào giữa hoa sen, xếp từng cánh hoa lại như ban đầu và chọn một phần của lá sen gói nguyên bông sen lại rồi cột lại bởi một cọng dây nhằm định vị toàn bộ bông sen. Cứ như thế hàng chục hoa sen đã ủ trà còn nguyên cành sen được ba kiểm tra rồi giao cho tôi cắm vào một chum nước cho sen được tươi và sen đi tiếp chu kỳ tỏa hương của mình. Ba tôi dặn là nước không được ngập hoa sen và trà ướp sen phải được lựa chọn là trà sạch, trà chất lượng. Cứ thế sau khoảng 5 giờ sen được cắm trong nước xong thì cành hoa được đem ra cắt từng đóa hoa ra khỏi cành cho vào túi giấy đem vào tủ cấp đông. Trà được ướp khoảng từ 1 tháng trở lên là có thể xử đúng nếu cấp đông đến 5, 6 tháng thì tốt hơn. Để có một buổi sáng với chén trà sen thì tối hôm trước đó ba đã chuyển trà từ ngăn cấp đông ra ngăn mát để sáng mai khi thức giấc sẽ có một bông sen ướp trà cho tuần trà ban sáng.

Cũng có năm, công phu hơn, tinh tế hơn, ba lại ướp trà sen bằng những hạt gạo sen li ti. Đây quả thật là một quá trình công phu, mất nhiều thời gian. Sen được mua khi những người bán hái lúc trời vừa mới ửng sáng, lúc còn e ấp hơi sương, tinh túy của đất trời còn đọng lại trong đài nhụy sen. Bông sen còn đẫm sương đem về nhà thế là cả nhà ngồi quây quần tách từng cánh hoa ra lấy phần hạt gạo. Những hạt gạo sen được ba đem rải đều, cứ một lớp trà một lớp gạo sen (gạo sen được tách ra từ nhụy sen, là phần hạt nhỏ li ti có màu trắng đục đính trên sợi chỉ vàng). Theo kinh nghiệm thì gạo sen được xem là bộ phận chứa hương thơm nhất của bông hoa và có đặc điểm khô ráo. Cứ một lớp trà sẽ rắc một lớp mỏng gạo sen, sau đó ủ lại. Hương từ gạo sen sẽ quyện vào trà để mang lại mùi đặc trưng cho vị trà sen... Sau cùng mẻ trà đã ướp gạo sen được ba tôi cẩn thận ướp và sấy khô từ 7 - 9 lần trong khoảng thời gian từ 20 - 25 ngày đêm. Khi những công đoạn ướp và sấy kết thúc thì thành phẩm trà ướp sen được cất vào chiếc hũ sành kín miệng hay chứa trà. Thế là trà ướp sen được chuẩn bị chu đáo cho ngày tư, ngày tết của gia đình trên xứ Huế mộng, Huế mơ…

Giờ đây cả ba, mẹ và chị tôi đều đã về cõi mây trắng bay. Tôi cũng đã trở về Huế, hồi cố hương sau bốn mươi năm rong ruổi mưu sinh. Và hôm nay trong những ngày se lạnh giáp tết tôi lại nhớ quá hình bóng mẹ và chị tôi mờ ảo trong khói bếp của buổi sên mứt gừng ngày xưa… nhớ da diết hình dáng của ba tôi ngồi thong dong bên tách trà sen mỗi sáng trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm. Hương nồng cay của mứt gừng, hương thơm thoảng nhẹ của tách trà sen nóng hổi đã ăn sâu vào ký ức tôi đến tận bây giờ cái hương ký ức đó tôi thường gọi là “vị tết nhà mình” mỗi khi anh em chúng tôi nhắc nhở nhau về quá khứ.

Tết năm nay, khi mái tóc đã bạc màu, tôi cũng chuẩn bị cho mình hơn hai chục búp sen ướp trà từ mùa hè trước và non ký mứt gừng mới sên cho những ngày Tết đầu tiên trên đất Huế sau nhiều năm xa cách. Nói như kiểu Huế: Đời cứ rứa mà an yên…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.