Nghe có hơi lạ tai không? Tôi nghe nhiều người bảo, ngược lại cơ, tết là của đàn bà mới phải. Đàn bà là chủ nhà. Chủ bếp. Chủ hầu bao. Chủ chi chủ xị.
May quá, bây giờ ở siêu thị đã có sẵn mứt gừng hay dưa món, kiệu chua ngọt… nên chị thoát được cái công đoạn gọt gọt sên sên, ngâm ngâm muối muối - Ảnh: TL |
Tất tần tật đều tới tay đàn bà, nên tết là do đàn bà, của đàn bà, và… vì đàn bà cơ mà!
Thế nhưng, đa số chị em lại khăng khăng, chỉ có đàn ông mới có cơ hội biết mùi vị thực sự của tết nhứt, chứ đàn bà chúng tôi đầu tắt mặt tối từ đầu tháng chạp cho tới hết mùng hết mền. Tết nhất có gì sung sướng đâu, chỉ mong mau mau hết tết, đi làm lại, mọi thứ trở vào khuôn khổ, nhẹ người…
Tết mệt muốn chết là câu mà chị Hà, một nhân viên văn phòng, thường than thầm. Thì từ lúc trời bắt đầu se se lạnh, báo hiệu mùa cuối năm về, chị đã phải nghĩ tới việc giặt màn cửa, vỏ gối salon này nọ. Rồi nhắc con lặt lá cây mai trước sân. Năm nào sơn nước lại nhà, quét lại cánh cửa sổ, mua bộ tủ bếp mới hay tu sửa món gì là còn cực hơn nữa. May quá, bây giờ ở siêu thị đã có sẵn mứt gừng hay dưa món, kiệu chua ngọt… nên chị thoát được cái công đoạn gọt gọt sên sên, ngâm ngâm muối muối. Rồi mua sắm thêm quần áo giày dép cho từ con đến chồng. Nghĩ ra quà tết cho phía nhà mình lẫn bà con họ hàng. Biếu sếp, thăm nom đối tác. Nơm nớp cân đối thu chi sao cho đừng thâm hụt hoặc khó coi…
Mà tất cả những thứ ấy, đàn bà phải âm thầm chuẩn bị khi hàng ngày vẫn tám tiếng ở văn phòng hay cửa hiệu buôn bán của mình. Thêm việc, thêm nỗi vất vả, nhưng những hạng mục thường nhật đâu thể lơ là. Có anh chồng tối về tới hoạch họe rằng, sao tết nhất tới nơi mà vẫn chưa thấy không khí gì trong nhà thế này? Đứa con đang học cấp hai nhẹ nhàng trả lời, con nghe có mùi rượu bia ba mang về đây mà…
Ừ thì cuối năm lễ lạt tiệc tùng liên miên, đàn ông cần giao tiếp, cần xã giao, cần mối quan hệ. Đàn bà phiên phiến cũng được. Bởi quý ông là trụ cột gia đình kia mà. Dù không ít ông khoản tiền thưởng ít ỏi cuối năm cũng mang nướng luôn vào khoản lễ nghi đâu đó ngoài đường mất rồi.
Ai đó bảo, bếp là trái tim của ngôi nhà. Đàn bà là hơi ấm của gia đình. Không có đàn bà, mâm cơm ngày ba mươi liệu có đủ đầy? Bữa cúng tiễn đưa ông bà, nếu chẳng có bà vợ làm siêng đi chợ mua đồ tươi ngày đầu năm, thì làm sao mà tươm tất được. Đàn bà thức đến tận giao thừa để cọ cái nhà vệ sinh cho sáng bóng, ủi nốt mớ đồ để đừng tồn lại, canh nồi thịt kho hột vịt đã nguội thì mang cất vào tủ lạnh… Những thành viên khác có khi đi coi bắn pháo hoa chưa kịp về, bận xem tivi để biết năm nay chương trình táo quân có gì mới, chẳng hạn.
Đàn bà ngày tết xấc bấc xang bang, lo từ đối nội đến đối ngoại. Đàn ông cũng bận bịu không kém. Khách đến nhà phải tiếp, nhân tiện rai rai vài chai cho vui vậy mà. Đàn ông họa hoằn lau dọn cái bàn thờ, vừa sẵn miệng càu nhàu “nhà có đàn bà mà việc gì cũng phải đến tay”. Đàn ông dạo phố thong dong, chở về một cây mai hoặc cặp hướng dương, hì hụi cắt tỉa, ngắm vuốt sao tới vừa ý mới thôi. Tết mà!
Nếu ông chồng nào cuối năm mang về đưa vợ được khoản kha khá, thì ngực ưỡn lên tự hào, mặt vênh vênh ra lệnh, sắm tết và lì xì cho đám cháu đầy đủ vào, đừng để mất mặt chồng con đấy nhé! Rồi thì sau đấy thiếu đủ mặc bay. Tiền triệu tiền trăm chứ ít đâu, mà cứ vèo vèo, cầm chưa ấm tay mình đã vội rơi vào tay kẻ khác. Đàn bà méo mặt với bài toán chi tiêu đầy vi diệu, chẳng hiểu mình sẽ làm sao để gia đình có thể sống sót qua mùa tết thời bão giá bây giờ! Rồi thì cũng xong. Nhà có người lo nấu nướng, cúng kiến. Con cái được cho ăn cho mặc cho đi thăm thú chơi bời này nọ. Các anh đàn ông trong gia đình được nhậu nhẹt thả giàn, bù khú phủ phê, li bì thỏa thích, xong tắc lưỡi kêu rằng, ừ thì tết là của đàn bà với lại trẻ con, mình đàn ông mà, nào có quan trọng gì…
Mà nói đi cũng nói lại, có cánh đàn ông là “đỡ” nhất, họ được quyền nghỉ ngơi sau cả năm vất vả, họ được… ăn trên ngồi trốc, họ có quyền ra lệnh mua gì sắm gì biếu gì, họ đòi hỏi yêu sách món nọ món kia trong mâm cơm ngày tết. Tết là của đàn ông, đúng rồi!
Bình luận (0)