Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều thương hồ ở xóm chợ nổi miền Tây giữa dòng kênh Tẻ TP.HCM vẫn miệt mài mưu sinh, mong đón một cái tết đủ đầy.
Tết, xóm chợ nổi miền Tây liệu có còn ai?
Nhiều người gọi đây là xóm chợ nổi miền Tây vì trải dài một đoạn chừng 500 m từ gầm cầu Tân Thuận 2, trên dòng kênh Tẻ dọc đường Trần Xuân Soạn, là hàng chục chiếc ghe, xuồng tụ lại thành xóm thương hồ.

Nhiều người ở xóm chợ nổi miền Tây dọc đường Trần Xuân Soạn cho biết tết này, họ bỏ ghe lại TP.HCM, bắt xe về quê
ẢNH: CAO AN BIÊN
Đa phần, những người sinh sống trên ghe là người dân miền Tây men theo sông nước đến thành phố này, chọn kênh Tẻ làm bến đậu mưu sinh hàng chục năm. Ngày trước, chỗ này còn được biết đến là "chợ nổi Tân Thuận", tồn tại hàng chục năm.
Thuở đường bộ chưa phát triển, đây là nơi giao thương "trên bến dưới thuyền" sầm uất. Dần dà, chỉ còn lác đác vài chục chiếc ghe, thương hồ mưu sinh ở đây bằng nghề bán trái cây, chủ yếu nhập từ miền Tây lên.
Đường sá TP.HCM vắng vẻ, chùa chiền đông nghịt người mùng 1 tết
Những ngày giáp tết, bà Trần Thị Nhi (62 tuổi) ngồi dưới chiếc ghe nhỏ của mình ở xóm thương hồ này, mặt buồn thiu ngồi nhìn những nải chuối chín đẹp mắt phía trước, nhưng vắng khách mua.

Xóm thương hồ nhìn từ cầu Tân Thuận 2
ẢNH: CAO AN BIÊN

Bà Nhi bán trái cây mưu sinh
ẢNH: CAO AN BIÊN
Quê ở Bến Tre, tuổi già không còn sức làm nông, vợ chồng già quyết định lên đây sống trên ghe, cạnh ghe con gái bà, bán trái cây lay lắt qua ngày. Tới nay ngót nghét cũng 5 - 6 năm. TP.HCM những ngày cuối năm triều cường, những cơn mưa trái mùa bất chợt cũng làm việc buôn bán của người phụ nữ gặp khó khăn.
"Cuối năm, bán ế quá! Hồi trước ngồi một chỗ chờ khách, nhưng giờ ngồi là đói, nên chồng tôi dù chân yếu nhưng vẫn phải ráng gánh chuối vô mấy con hẻm gần gần khu này để bán, được đồng nào hay đồng đó để mong cuối năm đón cái tết đủ đầy hơn", bà tâm sự.
Còn nhiều bà con ở quê, người phụ nữ tâm sự tết năm nay, cả gia đình bà bỏ ghe lại đây, nhờ láng giềng cạnh bên trông coi, rồi bắt xe về quê ăn tết. Tình hình năm nay buôn bán không được tốt, bà Nhi nói mình ăn tết có phần tiết kiệm, nhưng được cạnh kề bên gia đình thời điểm này cũng là cái tết trọn vẹn, với bà.

Nhiều người bỏ ghe về quê ăn tết, xóm ghe
ẢNH: CAO AN BIÊN

Chị Kim Ly, con gái bà Nhi mấy ngày qua tạm ngưng bán trái cây như thường lệ mà về Bến Tre để chuẩn bị nhập hàng cây cảnh, hoa tết lên đây để bán. Ở chiếc ghe cạnh bên ghe của mẹ, chị cùng chồng và con gái sinh sống ở đây cũng mấy chục năm nay.
"Cả nhà tôi định bán xong, 29 tết là cùng nhau lên xe về quê hết. Ghe thì bỏ lại nhờ người trông coi, kế bên có hàng xóm không về. Năm nay, mong việc buôn bán những ngày cuối thuận lợi để có đồng ra đồng vào ăn tết", chị chia sẻ thêm.
Mong tết đủ đầy
Cách ghe của mẹ con bà Nhi không xa, bà Hiếu (60 tuổi) cũng quê Bến Tre cũng ngồi buồn thiu với những rổ trái cây nhập từ miền Tây lên vắng khách mua. Bà tâm sự cuối năm, buôn bán ế ẩm nên tinh thần không phấn khởi.
Cùng gia đình ở xóm ghe này mười mấy năm nay, bà Hiếu cho biết thời điểm trước dịch Covid-19, việc buôn bán có nhiều thuận lợi, làm ăn được. Nhưng nhiều năm nay, kinh doanh đi xuống, buôn bán ế ẩm.
"Tết này, tôi cũng cùng gia đình về quê 28 tết. Tôi dự định nhập thêm mớ cây cảnh bán kèm với trái cây, bán cây cảnh, hoa tết thì có lời hơn một chút. Nếu bạn được thì ăn tết cũng ngon hơn. Chắc tầm mùng 9, mùng 10 gì đó, coi tình hình buôn bán thế nào rồi lên lại sau khi về ăn tết", bà chia sẻ.

Bà Hiếu mong một cái tết đủ đầy
ẢNH: CAO AN BIÊN

Tình hình buôn bán những ngày cuối năm ế ẩm khiến nhiều thương hồ lo lắng
ẢNH: CAO AN BIÊN
Trên chiếc ghe nhỏ, bà Ái Lan (55 tuổi) sống cùng con trai. Từ quê An Giang lên TP.HCM hơn 20 năm, làm đủ thứ nghề kiếm sống, 5 năm trở lại đây, bà mới bắt đầu sống trên ghe này vì hoàn cảnh khó khăn, không kham nổi tiền trọ trên bờ.
Chồng mất cách đây hơn 1 năm, một mình bà bươn chải nuôi con trai năm nay lên lớp 6. Tết năm bay, bà cũng dự định sẽ cùng con nhỏ về quê để đón tết. Với người phụ nữ, quanh năm làm ăn vất vả, ngày tết, niềm hạnh phúc là khi được đoàn viên bên cạnh những người thân yêu.
Bình luận (0)