Những ngày này, các dãy trọ công nhân ở Q.Bình Tân, Gò Vấp, Q.12,… không còn nhộn nhịp như những ngày giãn cách xã hội. Phần đông mọi người đã có việc làm trở lại sau 5 tháng nghỉ phòng dịch Covid-19. Đến 19 giờ, nhiều phòng trọ vẫn chưa sáng đèn vì chủ nhân tranh thủ tăng ca cho kịp tiến độ công việc và kiếm thêm đôi ba đồng tiêu Tết.
Nghỉ quá đủ!
Ông Lê Tấn Phong (43 tuổi, quê Bình Phước) lên Sài Gòn được 20 năm nhưng vẫn ở trong dãy trọ cho thuê giá rẻ trên đường Lê Đình Cẩn (Q.Bình Tân). Thời gian đầu ông làm thợ điện, 2 năm trở lại đây ông chuyển sang làm bảo vệ cho một trường mầm non tư thục. Vợ ông phụ việc soạn hàng cho một cửa hiệu chuyên bán hàng online. Tổng lương hai vợ chồng chưa tháng nào vượt qua chục triệu nên chỉ đủ chi tiêu, lo cho 2 con ăn học.
Công nhân từ tỉnh đến TP.HCM làm việc vừa trải qua đợt nghỉ dịch dài 4 - 5 tháng |
vũ phượng |
Đợt dịch Covid-19 vừa qua, TP.HCM giãn cách xã hội, hai vợ chồng đều thất nghiệp, tiền tiết kiệm không có. Cả nhà ông Phong phải sống bằng đồ cứu trợ của các tổ chức và chính người thân trong gia đình. May mắn, dãy trọ gặp ông chủ tốt bụng, miễn tiền suốt 4 tháng nên cả nhà vẫn cầm cự được qua thời gian thất nghiệp.
Đầu tháng 12, ông được trường học gọi đi làm lại, công việc chính là trông coi trường, cắt tỉa cây và trồng rau trong khuôn viên trường, lương mỗi tháng 7 triệu. “Nghỉ hơn 4 tháng trời, được gọi đi làm lại là mừng muốn chết luôn. Giờ có việc có lương là mừng rồi, chứ ở nhà không là cả nhà đói nheo nhóc. Vợ tôi cũng vừa có việc làm lại nên với cả nhà cuộc sống tới giờ mới gọi là bình thường mới đây”, ông bộc bạch.
Phần đông mọi người đã có việc làm lại sau thời gian giãn cách xã hội |
tuấn hà |
Người đàn ông da ngăm đen từng trải tâm sự, mọi năm ông đều chạy xe máy về quê vào ngày 25 tháng Chạp đi chạp mả, sau đó lên lại tranh thủ làm thêm vài ngày, rồi qua giao thừa sẽ về chúc Tết tiếp. Ông nói: “Đó là mọi năm nha, còn năm nay nghỉ dịch 5 tháng là quá đủ rồi, giờ còn nghỉ Tết gì nữa, có việc lo mà làm kiếm tiền sống. 5 tháng qua ở TP.HCM dịch giã thất nghiệp ra sao, người nhà ai cũng biết nên chắc không ai trách mình đâu”.
Tiền ăn lo từng bữa, tiền đâu về Tết?
Trong căn phòng trọ nằm ở hẻm sâu trên đường Nguyễn Văn Quá (Q.12), bữa cơm tối của gia đình chị Diệp Thị Huỳnh Anh (36 tuổi, quê Sóc Trăng) chẳng có gì ngoài tô canh lõng bõng nước và ít cá kho dành riêng cho hai con.
Hằng ngày, chị Huỳnh Anh đi bán vé số, còn chồng là anh Lê Hoàng Phương Khanh (41 tuổi) làm bảo vệ. Cả mùa dịch, anh Khanh thất nghiệp do công ty đóng cửa phòng dịch, vé số cũng tạm ngưng, gia đình nhỏ chật vật tìm cách xoay xở qua từng bữa.
Suốt 4 tháng giãn cách xã hội, tiền trong nhà thiếu trước hụt sau, nhiều hôm không còn nổi một đồng trong túi, tới bữa anh chị phải tìm gói mì hoặc cơm trắng cho con ăn dằn bụng.
Có việc làm trở lại, ai cũng tranh thủ cày cuốc, tạm gác chuyện về quê ăn Tết |
vũ phượng |
Thời điểm “mắc kẹt” trong những nỗi lo về cơm áo gạo tiền, anh Khanh đứt ruột mang chiếc xe máy cà tàng và điện thoại di động đi cầm đồ. Nhận tiền trên tay, người đàn ông trụ cột của gia đình buông tiếng thở dài, rồi tức tốc đi mua chút đồ ăn mặn dặm vào bữa cho 2 con nhỏ.
“Những năm trước, có khó khăn đến mấy thì Tết đến gia đình tôi cũng ráng cho các con về quê ăn Tết, nhưng năm nay chịu thua rồi. Ông bà ngoại của 2 cháu ở dưới quê cũng nhiều lần bảo thôi tụi con cứ về đây, có gì thì mình ăn nấy, nhưng ông bà ngoại dưới quê cũng nghèo nên vợ chồng tôi không muốn làm gánh nặng”, chị Huỳnh Anh buồn bã tâm sự.
Gia đình chị Huỳnh Anh quyết định không về quê ăn Tết vì cơm ăn đang phải lo từng bữa |
tuấn hà |
Gần phòng trọ của gia đình chị Huỳnh Anh, anh Nguyễn Tiến (28 tuổi, quê Quảng Ngãi) cũng đang lủi thủi ngồi ăn hộp mì xào. Hơn 4 năm trước, anh Tiến vào TP.HCM làm công nhân. Mỗi tháng thu nhập 8 triệu, trừ mọi chi phí, anh dằn túi được chút tiền cuối năm về quê ăn Tết.
Nhưng năm nay, nghỉ dịch hơn 4 tháng, không làm ra một đồng, số tiền tích cóp cũng dần vơi. “Mọi năm tôi đều về quê ăn Tết, năm nay chưa chắc có về hay không. Tôi một mình nên không tốn quá nhiều tiền để về nhưng sợ nhất là về lỡ có nhiễm Covid-19 lại lây cho cha mẹ, lúc đó sẽ mệt. Mà ở lại thì không chỉ mình buồn, ba mẹ cũng thấy Tết trống vắng,…”, anh Tiến trải lòng.
Bình luận (0)