Hoa đào Hà Nội, người xa xứ nhìn hoa đào càng nhớ về tết quê hương |
THÚY HẰNG |
Những điều làm nên mùi tết
Tiến sĩ Lý Ngọc Điệp, quản lý cấp trung tại ĐH Auckland, New Zealand, sinh ra và lớn lên ở khu Ba Đình, Hà Nội. Năm 1989, cả gia đình chị chuyển vào TP.HCM. Hiện giờ, cụ ngoại và ông bà ngoại của các con chị sống tại TP.HCM, ông nội của các con đang sống ở Ninh Bình. Đầu năm 2016, chị sang New Zealand làm nghiên cứu sinh, các con đi cùng bố mẹ.
Lịch làm việc, nghỉ lễ tết của hai vợ chồng và các con ở hai quốc gia khác nhau, nhiều năm nay chị chưa được đón một cái Tết Nguyên đán nào đoàn tụ cùng bố mẹ ở Việt Nam. Vì thế, tết ở xứ người càng buồn hơn gấp trăm lần.
Trong tâm khảm của người phụ nữ gốc Hà Nội, Tết Nguyên đán còn nguyên tất cả những hương vị, thanh âm không thể nào nhầm lẫn.
“Đó là khoảnh khắc đêm giao thừa đứng ngoài sân thượng hít thở không khí trong lành se lạnh của buổi đêm. Đó là khi cảm nhận được thời khắc giao mùa chuyển đổi với đầy đủ mùi và vị của tết qua những nén hương trầm mẹ đốt, qua bài hát Happy New Year của ABBA. Mùi của tết còn được cảm nhận qua cảm giác quây quần ấm cúng của cả nhà đêm giao thừa chờ bố vào xông đất, háo hức chờ bố mẹ mừng tuổi, háo hức chờ bổ quả dưa hấu đầu năm xem có đỏ không. Tết còn là bữa ăn không thể thiếu sau giao thừa là dưa hấu và phở gà, rồi chìm vào giấc ngủ lúc 2 giờ sáng với tâm trạng thật vui để sáng mùng 1 dậy khai bút đầu năm”, chị Điệp hồi tưởng.
Mâm cơm ngày tết của gia đình chị Điệp ở New Zealand với đủ bánh chưng, canh bóng, xôi gấc, chả nem, giò lụa... |
NVCC |
Tiến sĩ đang làm việc tại ĐH Auckland, New Zealand cho hay từ khi lấy chồng rồi có con, tết của chị tất bật hơn nhiều vì chạy đi chạy lại hai nhà, song vẫn là giây phút cả nhà quây quần bên nhau sau giao thừa.
“Nhưng tới nay, đã hơn chục cái tết tôi không được đón giao thừa ở nhà, thật ra đối với tôi, không còn là tết nữa. Tôi cũng biết không có các con và các cháu bên cạnh thì tết của bố mẹ tôi cũng rất buồn và chẳng còn nhiều ý nghĩa. Cuộc sống bên này vẫn thế, vẫn đi làm, đi học bình thường, tôi không muốn làm gì, chẳng muốn sắm sửa gì để vờ như là tết chưa đến ngay ngoài cửa sổ. Nhưng vẫn trông về nhà, vẫn háo hức chờ đến giao thừa. Tết xa quê hương nơi xứ người. Buồn, nhớ nhà đến rơi nước mắt, nhưng vẫn ngóng, vẫn trông”, chị bộc bạch.
Gìn giữ văn hóa Việt ở New Zealand
Chị Điệp có 2 con đang học tại New Zealand, con gái chị mới đây đã trúng tuyển ngành tâm lý học, ĐH Harvard với học bổng hơn 7 tỉ đồng.
Tại New Zealand, hai vợ chồng chị Điệp vẫn dùng tiếng Việt trao đổi hàng ngày với các con. Chồng chị luôn yêu cầu các con chỉ được dùng tiếng Việt nói chuyện với bố mẹ ở nhà. Do đó, các con nghe nói và giao tiếp tốt bằng tiếng Việt.
“Hai cháu thường xuyên liên lạc và nói chuyện với ông bà dù giờ các bạn đã vào tuổi teen, có khi không thích nói chuyện qua video call nữa. Tôi thường xuyên nấu những món ăn Việt Nam cho cả nhà. Các cháu rất thích phở bò gà, bún bò Huế, thịt kho trứng, gỏi cuốn, bún chả, lâu lâu còn có bánh giò, bánh bao...”, nữ tiến sĩ người Việt sống ở xứ người bộc bạch.
Tiến sĩ Lý Ngọc Điệp (thứ 2 từ trái qua) cùng chồng và hai con ở New Zealand |
nvcc |
Theo chị Điệp, vào những ngày tết cổ truyền tại Việt Nam, tại quốc gia chị đang sống vẫn là ngày đi học, đi làm bình thường. Dù vậy chị vẫn duy trì truyền thống nấu những món đặc trưng của ngày tết ở quê hương với bánh chưng, giò, xôi gấc… Cả nhà vẫn cùng nhau thức đón giao thừa và lì xì, rồi gọi điện chúc tết ông bà.
Đón tết ở xứ người, món ăn Việt Nam không thiếu gì, nhưng điều trống vắng chính là bóng hình mẹ cha ở quê nhà với không khí tết Việt không thể nào mua được. Có những lúc, chị Điệp rơi nước mắt vì nhớ nhà, chỉ biết dặn lòng chắc chắn một ngày sẽ sắp xếp được để đưa hai con về ăn một cái tết đoàn viên với ông bà. Để hai con, dù lớn lên ở đâu cũng vẫn có những cảm nhận vui vẻ, thiêng liêng về Tết Nguyên đán quê hương.
“Cả hai con của tôi lớn lên bên cạnh ông bà nên khi sang đây đều rất thương và nhớ ông bà. Bé gái tuổi heo, rất háu ăn, ngày nhỏ hay được bà cho đi ăn mấy món ăn vặt nên lúc nào cũng bảo bao giờ về Việt Nam thăm ông bà, con sẽ phải ăn ốc len xào dừa, bánh tráng trộn, bánh tráng nướng cho đã đời", chị kể.
"Người Việt của mình nói riêng và người châu Á nói chung rất chăm chỉ, không ngại khó, không ngại khổ. Người bản địa nhận xét về người Việt là thông minh, sáng tạo và ham học hỏi, tiếp thu cái mới rất nhanh và có tinh thần trách nhiệm. Tôi luôn nói với các con chúng ta sẽ thành công hơn nếu biết chủ động và tư duy dài hạn hơn, học hỏi đến nơi đến chốn thay vì chỉ học và làm để đối phó”, nữ tiến sĩ người Việt sống tại New Zealand bộc bạch.
Chưa bao giờ lòng con thôi mong nhớ
Chiều cuối năm, nơi đó, với gia đình
Bên hai mái đầu tóc đã pha sương
Có cành đào đã phai màu năm tháng
Có bữa cơm chiều cuối năm ấm áp
Trong khói trầm lảng bảng giữa hoàng hôn
Như gió thổi về từ miền ký ức
Sưởi ấm tâm hồn nơi viễn xứ bôn ba…
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ở xứ người, chị Lý Ngọc Điệp làm một bài thơ, gửi tới bố mẹ và những người thân yêu ở Việt Nam.
Bình luận (0)