(TNO) Tết đến xuân về, người người nhà nhà sum vầy sung túc nhưng tại phòng làm việc của lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải, nơi được người đi biển trìu mến đặt tên “mắt biển”, đã 18 giao thừa qua, cũng như Tết năm nay, không khí làm việc vẫn luôn khẩn trương, căng thẳng, vì công tác tìm kiếm cứu nạn, giám sát bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển không thể dừng, dù chỉ một giây.
Những người thầm lặng làm công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, giám sát bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn duy trì 24/24, kể cả dịp tết - Ảnh: VMRCC
|
“Mắt biển”! Có lẽ nhiều người sẽ hình dung ngay đây là vị trí nằm gần bờ biển, thuận lợi để quan sát biển, hoặc mường tượng ra điều gì đó giống như ngọn hải đăng. Nhưng không, “mắt biển” mà chúng tôi muốn nói đến ở đây lại nằm ngay chính trung tâm Thủ đô Hà Nội, nơi cách biển hàng trăm cây số: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, thuộc Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), tên viết tắt là VMRCC.
Chúng tôi có dịp bước vào căn phòng rộng chỉ chừng 30 m2 là Phòng Phối hợp cứu nạn, nơi đặt “mắt biển” thuộc VMRCC tại Cục Hàng Hải Việt Nam (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trước giờ khắc giao thừa năm Ất Mùi chỉ chừng 30 phút với biết bao tưởng tượng độc đáo về cảnh đón xuân ăn tết ở nơi luôn sát sao theo dõi nhất cử nhất động trên vùng biển chủ quyền từng giây từng phút. Và mặc dù thấy ngay cây quất, cành đào nhưng chúng tôi không sao cảm nhận được không khí mùa xuân đã về rất gần như trước khi bước qua ngưỡng cửa mong manh vào Phòng Phối hợp cứu nạn. Dường như, mùa xuân không chạm được tới đây !
Lắng nghe nguyện vọng tìm hiểu viết bài về không khí đón tết của những người làm công tác tìm kiếm cứu nạn, kỹ sư Vũ Việt Hùng là Phó tổng giám đốc đang trực chỉ huy vỗ vai tôi cười bảo "đến nhầm chỗ rồi, nơi đây ít có không khí mùa xuân lắm. Người làm công tác tìm kiếm cứu nạn không thể lơ là giây phút nào, lỡ có điều gì thì hối hận cả đời!".
Tết ở “mắt” biển có gì khác lạ? Tôi cố gặng. Anh Hùng đáp: cơ bản là không có điểm gì khác biệt ngày thường công việc trực chiến, giám sát diễn biến trên biển luôn 24/24 đều đều, chỉ có điều khác biệt là trong Phòng Phối hợp cứu nạn được “trang bị” thêm cây quất, cành đào, bánh chưng để chuẩn bị đón xuân, mừng Giao thừa.
|
Kỹ sư Nguyễn Tiến Thanh, từng có kinh nghiệm hơn 10 năm đi biển trước khi đảm nhận nhiệm vụ Phó trưởng phòng Phối hợp cứu nạn của VMRCC tranh thủ giới thiệu, trung tâm đặt tại Hà Nội là chỉ huy. Ngoài ra, còn có 4 Trung tâm trực thuộc đánh số 1 (Hải Phòng), 2 (Đà Nẵng), 3 (Vũng Tàu), 4 (Nha Trang). Hiện đang xây dựng thêm một trạm nữa gọi là trạm hàng hải ở Hà Tĩnh với định hướng tương lai trở thành trung tâm trực thuộc thứ 5.
Vùng trách nhiệm của VMRCC rất rộng với 3.260 km chiều dài và hơn 1 triệu km2 thềm lục địa có nhiều đảo, quần đảo cách xa bờ. Công việc hằng ngày là tìm kiếm cứu nạn tất cả các phương tiện trên mặt biển, chủ yếu là tàu cá, tàu vận tải nhỏ, các vật thể nổi trên biển. Còn những tàu viễn dương trọng tải lớn hiện đại, rất an toàn nên ít khi xảy ra sự cố.
Riêng trong năm 2014, VMRCC tiếp nhận 428 thông tin báo nạn. Qua xác minh có 244 vụ việc thật và đã xử lý được, trung bình cứ 3 ngày phải xử lý cứu nạn từ 2 thông tin báo nạn thật. Trong đó, có 62 vụ phải cử trực tiếp các tàu cứu nạn (SAR) đi cứu nạn, số còn lại phối hợp với các lực lượng khác cứu nạn thành công. Tổng số tàu được cứu nạn, hỗ trợ là 59 tàu của Việt Nam. Số người được cứu, hỗ trợ trong năm 2014 là 953 người, trong đó có 634 người Việt Nam.
Chính vì vậy, không thể không duy trì trực 24/24, ngày tết cũng như ngày thường, không có khái niệm ngày nghỉ. Quân số trực luôn duy trì 100% ở cả 3 cấp: chỉ huy, trực ban, tàu tìm kiếm cứu nạn.
VMRCC có 1 tổng giám đốc và 3 phó tổng thay nhau trực chỉ huy để giám sát, điều hành, đưa ra những quyết định quan trọng trong những tình huống phức tạp. Trực ban có 9 người thay nhau nhận nhiệm vụ xử lý thông tin, đưa ra nhận định, đánh giá tình huống, báo cáo cấp trên... Những người dù không phải ca trực vẫn luôn ở trong tư thế sẵn sàng, khi xảy ra sự cố là lập tức có mặt tại phòng Phối hợp cứu nạn.
Tuy nhiên, vất vả nhất là đội tàu trực tiếp làm công tác tìm kiếm cứu nạn trên mặt biển. Với vùng tìm kiếm rộng lớn như vậy, chỉ có 7 tàu chuyên dụng duy trì trực 100%, luôn trong tư thế sẵn sàng xuất phát, khi có tình huống sẽ lên đường ngay. Do điều kiện chưa có nên nhiều anh em phải trực cứu hộ trên tàu cứu nạn cách xa bờ, ngày đêm phải ăn ngủ với sóng gió.
Giây phút đón giao thừa năm Ất Mùi ngay tại phòng Phối hợp cứu nạn - "mắt biển" - Ảnh: Đan Hạ
|
Vừa tranh thủ trang trí cây quất, anh Hùng vừa kể, hôm 23 tháng chạp vừa qua, đã cận tết lắm rồi nhưng khi nghe ngư dân mình trên tàu BĐ 95569 TS và tàu BĐ 95427 TS kêu cứu do bị mắc cạn ở khu vực đảo Chim Én, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, anh em liền tức tốc lên đường và cứu nạn thành công 11 ngư dân đưa về đất liền an toàn. Tổng giám đốc VMRCC Nguyễn Anh Vũ liền tức tốc vào Đà Nẵng, trực tiếp chỉ huy cứu nạn các ngư dân.
Trong lần cứu nạn các ngư dân này, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tàu SAR 412 phải trực tiếp đối mặt với hai tàu quân sự và một máy bay lên thẳng của Trung Quốc liên tục quần thảo, mở bạt pháo gây áp lực. Trước tình huống phải cứu nạn ngư dân trước họng súng, anh em tàu SAR 412 không hề nao núng, bình tĩnh đưa từng ngư dân lên tàu an toàn, không quên cắm lại lá cờ tổ quốc, khẳng định chủ quyền của ta tại quần đảo Hoàng Sa.
Phó tổng giám đốc VMRCC chia sẻ thêm, 18 năm trong nghề, gia đình, bạn bè đã quá hiểu và thông cảm cho những lần vắng mặt lúc sum vầy. Bản thân anh Hùng và nhiều anh em khác cũng đã chai sạn cảm xúc ngóng đón giao thừa.
Kéo tôi tới sát tấm bản đồ tìm kiếm cứu nạn nơi chuyên viên Nguyễn Đăng Khoa đang làm việc, kỹ sư Thanh bồi hồi nhớ lại những ngày tết dương lịch năm 2011, đau đáu từng giây phút tìm kiếm cứu nạn tàu Vinalines Queen. Sau nhiều ngày nóng ruột vì không có bặt vô âm tín, anh em đã vỡ òa khi nhận được tin 1 thuyền viên tàu này còn sống sót tên Đậu Ngọc Hùng, quê ở Nghệ An. Nhất là khi nghe qua điện thoại thấy giọng nói của Hùng ở đầu dây bên kia, một chuyên viên của phòng trực ban tên Tùng đã khóc nghẹn... Với những người làm công tác tìm kiếm cứu nạn thiệt thòi ít được đón xuân trọn vẹn nhưng mùa xuân đẹp nhất luôn là nhưng tin vui cứu nạn an toàn...
Xuân ở “mắt biển” là thế đấy !
Vừa đón giao thừa vừa trực chiến là điều đã quá đỗi bình thường ở phòng Phối hợp cứu nạn - Ảnh: Đan Hạ
|
Bài thơ ngư dân xúc cảm làm gửi tặng VMRCC
|
Cứu hộ cứu nạn cũng là hoạt động khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa
Kỹ sư Vũ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc VMRCC, cho biết trong năm 2014 và từ đầu năm 2015 đến nay, tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa với vùng lân cận đã có 23 thông tin báo nạn khẩn cấp thật. VMRCC đã trực tiếp cử tàu SAR 412 trực tiếp đi cứu nạn thành công 8 vụ.
“Hoạt động tìm kiếm cứu nạn thành công này cũng chính là hành động khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam”, anh Hùng cho hay.
Kỹ sư Hùng kể, việc tàu SAR 412 neo đậu ở Đà Nẵng, thuộc VMRCC khu vực 2 có thể vươn ra đến tận quần đảo Hoàng Sa là nhờ sự nghiên cứu, tìm tòi cải tiến diệu kỳ của chính anh em thợ máy của trung tâm. Xuất phát từ hoàn cảnh nước ta có vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam rất rộng, với 3.260 km chiều dài và hơn 1 triệu km2 thềm lục địa, có nhiều đảo, quần đảo ở cách xa bờ. Trong khi đó số lượng phương tiện ít, mới chỉ có 7 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng tầm hoạt động trong phạm vi từ 150 - 250 hải lý nên rất khó khăn trong việc điều động tàu đến những nơi xảy ra tai nạn cách xa bờ. Muốn nâng cấp hay mua thêm tàu cứu nạn, VMRCC phải dựa hoàn toàn vào nguồn kinh phí từ ngân sách.
“Để khắc phục những khó khăn nêu trên và thực hiện tốt vai trò tìm kiếm cứu nạn trong vùng trách nhiệm của mình, VMRCC đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát động phong trào sâu rộng. Qua thực tế và chuyên tâm nghiên cứu, ông Nguyễn Tùng Sơn (51 tuổi) là máy trưởng tàu SAR 412 đã phát hiện phương pháp cải tạo két nước thải sinh hoạt thành buồng chứa nhiên liệu, tăng khả năng dự trữ nhiên liệu cho tàu trên 20%. Đồng nghĩa với việc nâng thêm tầm hoạt động xa bờ của tàu lên thêm 100 hải lý, đủ sức chủ động cứu nạn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, nâng cao hiệu quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển. Chi phí cải tiến này chỉ tốn gần 100 triệu/tàu, thấp hơn nhiều so với chi phí 2 tỉ đồng mà công ty sản xuất chính loại tàu này của nước ngoài đưa ra, lại ít ảnh hưởng đến kết cấu của tàu”, anh Hùng nói.
|
Bình luận (0)