Tết ở vùng núi lở

13/02/2021 06:45 GMT+7

Dịch bệnh rồi lũ quét tràn qua, nên tết này hàng trăm gia đình người Ca Dong ở 2 xã vùng cao Sơn Long và Sơn Bua, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), kém vui hơn.

Đến H.Sơn Tây, vào xã vùng cao Sơn Long, dọc theo tuyến đường Trường Sơn Đông, vẫn còn nhiều vạt núi lở lói, đỏ lòm đến ám ảnh. Lần theo con dốc trầy trụa từ đường Trường Sơn Đông, chúng tôi đi về trụ sở UBND xã Sơn Long. Từ xa, những căn lều tạm mái tôn, vách và sàn nứa lờ nhờ hiện ra, ẩn hiện giữa màu bàng bạc sương khói của núi rừng.

Báo Thanh Niên dựng lại 8 ngôi nhà nơi vùng núi lở

Sống ở nhà tạm

Ông Đinh Thế Nam, cán bộ UBND xã Sơn Long, đưa chúng tôi đến “xóm 5 lều” phía sau lưng UBND xã. Ông Nam giải thích, sau khi núi lở tạo lũ bùn đỏ ở đây, có 56 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 15 nhà bị lũ nhấn chìm, hư hỏng, hoặc đang ở sát họng vực thẳm nên phải tìm nơi ở tạm. “Xóm 5 lều” này là những gia đình không có nhà, nên dựng lều ở tạm. Càng lại gần, càng nhận ra mùi bếp và khói lam bay ra từ những mái tôn tạm bợ. Tiếng trẻ con cũng nghe rõ hơn, nhưng rất lạ là không nghe tiếng gà gáy.

Ngọn núi Ngọc Prây lở lói

Ảnh: Phạm Anh

Từ sườn đồi thoai thoải, chúng tôi bước vào nhà sàn của anh Đinh Văn Tường (41 tuổi). Căn nhà cứ bần bật rung lên khi bước lên bậc thang bằng cây lồ ô. Thấy khách, anh Tường vơ vội mấy bộ quần áo bẩn dưới sàn treo lên cây nứa sát vách. Trên vách nứa này còn treo đầy quần áo cũ lộn xộn của trẻ con và người lớn. Ở một góc sàn nhà, có vài bao gạo còn đầy mà gia chủ nói là được các nhóm từ thiện cho trước đó. Ngoài ra không có cái gì đáng giá, ngay cả cái ti vi rẻ tiền cho trẻ em xem cũng không.

Anh Đinh Văn Tường kể chuyện khi về sống nơi ở tạm

Ảnh: Phạm Anh

Anh Tường cho biết, cuối năm 2020 sau nhiều tiếng nổ đinh tai nhức óc, lũ bùn ào ạt tuôn trào từ trên đỉnh núi Ngọc Prây, tạo thành dòng sông nhỏ. Cả làng Huy Duỗi, thôn Ra Pân, xã Sơn Long vùng chạy thoát thân. Vài ngày hôm sau, anh Tường quay lại mót mấy bộ quần áo cũ mang về, còn lại là tivi, vật dụng khác đều nằm dưới đống bùn lầy lội, ngập ngụa. Anh Tường nhờ bà con đưa mấy cây cột nhà về dựng lên ở tạm. Ngôi nhà vách nứa lưa thưa, sàn cũng bằng vỏ cây nứa ghép lại, lâu lâu có cơn gió về, lùa thốc tháo từ bên dưới sàn lên lạnh lẽo. Căn lều nhỏ thó này là chỗ ở của 7 con người từ mấy tháng nay. “Nhà nhỏ quá, nên ba mẹ mình phải đi ở tạm nhà đứa em ở làng khác. Lâu lâu nhớ cháu, ông bà lại băng núi qua đây thăm”, anh Tường cho biết.

Trẻ em Ca Dong ở “xóm 5 lều”

Ảnh: Phạm Anh

Trưởng thôn Ra Pân, anh Đinh Văn Nhích còn đưa chúng tôi đi thăm các căn lều tạm khác ở đây. Căn lều nào cũng thấp bé lè tè như nhau, gió lùa vào lạnh căm căm, và chắc chắn khi mùa nắng về, đây là những cái chảo hầm hập nóng. Điều lạ lùng là, hầu như cửa nhà ai cũng nhìn về hướng ngọn núi Ngọc Prây lở lói, như muốn canh chừng vì sợ ngọn núi này lở thêm lần nữa.

Nghèo hơn các tết trước

Tết ngập tràn dưới phố và ở trung tâm huyện lỵ Sơn Tây nhưng với người Ca Dong vùng núi lở, dường như tết chưa về. Đi qua các căn lều tạm này, nhà nào cũng không thấy chuẩn bị bánh, mứt, gạo nếp. Hỏi tết mua sắm gì chưa, ánh mắt ai cũng buồn buồn, cười trừ cho qua chuyện. Trưởng thôn Nhích bảo, năm nay khó khăn quá, chứ mọi năm, vào làng sẽ được chiêu đãi rượu cần thỏa thuê. Có nhà còn cúng cuối năm, thuê nhạc về hát hò rộn ràng từ nhà ra núi.

Những căn lều tạm giống như chòi trữ lúa của người Ca Dong

Ảnh: Phạm Anh

Không khí tết những năm trước là vậy, còn năm nay, chúng tôi đi qua nhiều nhà, nước chè không có thì lấy đâu rượu cần làm bằng gạo nếp để đãi khách. Chị Y Kà Rĩ (ở “xóm 5 lều”) cho biết, về nơi ở tạm cái gì cũng tạm, điện, nước thì nhờ của UBND xã, nhưng không nuôi được con gà, con heo. Hèn gì, đi trong xóm này rất khác với nhiều làng Ca Dong khác, tuyệt nhiên không có gà, heo nuôi thả rông chạy bay tứ tung. “Ở làng cũ còn nuôi được con gà, con heo, trồng rau để ăn tết. Còn về nơi ở tạm, cái gì cũng phải mua. Năm nay gà và heo giá cao quá, chưa ai mua sắm gì vì thiếu tiền”, chị Y Kà Rĩ nói.
Thôn trưởng Nhích giải thích, cuối năm và đầu năm, người Ca Dong hay mổ heo cúng tổ tiên, thần núi, thần suối, khấn tế để cảm ơn vì cho gia đình một năm an lành, năm mới thuận lợi. Năm nay, heo không nuôi được, mua thì không có tiền, vì vậy đến nay chỉ có một vài gia đình mổ gà cúng theo phong tục.
Còn anh Tường thì cho biết thêm, nhà anh có đến 5.000 m2 ruộng làm mồi cho lũ bùn. Sau khi hết đất sản xuất, mấy tháng nay anh chỉ ngồi nhà, ai thuê trồng mì, thu hoạch keo thì đi làm kiếm thêm vài trăm ngàn tiền công về mua gạo, nuôi con. “Mấy năm qua, trước tết thì bọn tôi lên Gia Lai, Kon Tum hái cà phê, thu hoạch tiêu thuê. Có năm, hai vợ chồng mang về cả chục triệu đồng nên sắm tết xong còn thừa tiền. Vừa rồi nhà cửa chưa xong, con cái đi học xa hơn. Đón tết này nghèo hơn những tết trước”, anh Tường nói.
Từ “xóm 5 lều”, chúng tôi qua xóm Măng Lăng, nơi cũng có cả chục gia đình dựng lều ở tạm, sống ghép tá túc với nhau sau khi bị sạt lở. Đường qua Măng Lăng có một đoạn khoảng 100 m đã bị lũ cuốn trôi, người dân đã làm một cây cầu tạm bằng những cây nứa ghép lại, nên chỉ đi bộ, không thể đi xe máy. Ngọn núi Ngọc Prây bây giờ không còn hùng vĩ, xanh ngợp như trước, từ trên núi nứt ra thành con sông nhỏ, lở lói, đỏ lòm.
Căn nhà anh Đinh Văn Quên (31 tuổi) hôm ấy hơi tăm tối, do trời mờ sương và do khói bay lên từ cái bếp giữa nhà. Căn nhà tạm chỉ vài chục mét vuông, nhưng có đến 7 người ở: hai vợ chồng anh Quên, 2 đứa con, hai bà mẹ (mẹ của anh Quên và mẹ vợ) cùng đứa em câm điếc của anh Quên. Sau sạt lở, anh Quên dựng căn lều này.
Chỉ vào một góc nhà có mền, chiếu, anh Quên nói ban đêm cả nhà trải ra rồi ngủ, chân quay vào bếp cho ấm. Mùa lạnh vừa qua, có đêm chỉ tầm 10 độ C, cả nhà tê tái vì không đủ ấm. Mấy bao lúa thu hoạch về bị lũ làm ướt, Quên phải hong trên bếp mấy ngày mới xong. Nhưng rồi cái lạnh cũng qua, bây giờ đến cái tết. Hỏi mua sắm gì chưa, anh Quên lắc đầu, nói chưa mua bánh, chưa mua gà, chưa mua hạt dưa đãi khách và ngay cả mua quần áo mới cho con cũng chưa.

Anh Đinh Văn Quên và 2 đứa con ở trong căn lều bề bộn

Ảnh: Phạm Anh

Rồi anh Quên ra cửa, chỉ về sườn núi Ngọc Prây mờ mờ xa xa, bảo: “Nhà em ở sát vực lở, có cây mít xanh tốt đó. Căn nhà đó em làm trước khi sạt lở núi, với cả vốn liếng tích góp và vay mượn nữa. Giờ sạt núi, chính quyền bảo ở đó, núi đè cả nhà là chết hết, nên không dám ở nữa”.
Từ việc đang có ở nhà ngon lành, nay chuyển sang lều tạm, anh Quên rầu rĩ nói rằng đúng là không biết trước thiên tai sẽ gây ra chuyện gì. “Mấy tháng qua dựng nhà ở tạm, bà con giúp mình. Đến lượt bà con dựng nhà, mình đổi công qua giúp lại. Tết này có vài bao gạo, một ít nước mắm do chính quyền và các tổ chức từ thiện hỗ trợ. Năm nay khó khăn, đón tết đủ no cái bụng như vậy là tạm ổn rồi”, anh Quên nói.
Tạm biệt những căn lều tạm, những con người Ca Dong thật thà, chất phác, chúng tôi quay về trụ sở UBND xã Sơn Long. Anh Đinh Thế Nam cho biết, để hỗ trợ bà con ăn tết, huyện và các tổ chức xã hội, từ thiện đã chuyển đến người dân vùng sạt lở gạo và các nhu yếu phẩm khác. “Chắc chắn không có ai bị thiếu ăn trong tết này, dù cái tết năm nay với bà con là chưa trọn vẹn”, anh Nam nói.
Theo UBND H.Sơn Tây, năm nay địa phương đã cấp phát hơn 36 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Có 687 hộ (2.426 khẩu) được nhận gạo và số gạo này đã cấp đến tận tay người dân.

Bố trí vốn làm khu tái định cư

Ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng H.Sơn Tây cho biết, địa phương đã khảo sát và chọn đất tái định cư cho 56 hộ bị sạt lở núi ở xóm Huy Duỗi, thôn Ra Pân, xã Sơn Long. Theo đó, khu đất có diện tích khoảng 4,7 ha, tổng vốn 29 tỉ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng bố trí 37 tỉ đồng để xây dựng khu tái định cư cho vùng lũ quét xã Sơn Bua. Dự kiến khu tái định cư này rộng gần 5 ha, cho hơn 50 hộ sinh sống.
“Dự kiến, tháng 5.2021 sẽ thi công 2 khu tái định cư nói trên và cố gắng đến trước mùa mưa năm nay, khoảng cuối tháng 9, sẽ hoàn thành để bà con có đất làm nhà, ổn định cuộc sống, không còn canh cánh lo sạt lở nữa đe dọa nữa”, ông Vân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.