'Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều'
Nguyên nhân có thể là do tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh, nhiều địa phương từ nông thôn nâng cấp lên thị trấn, nhiều thị xã lên thành phố… Nhiều vùng sâu, vùng xa việc đi lại đã trở nên dễ dàng bởi hệ thống đường sá khang trang sạch đẹp. Mạng lưới công nghệ thông tin phủ sóng mọi nơi. Hàng hóa tiêu dùng tràn khắp thôn cùng ngõ xóm… Những nhân tố đó đã kéo khoảng cách giữa thôn quê và thành thị xích lại rất gần, khiến cho tết quê mất đi những đặc trưng riêng của nó.
Nhưng điều đáng nói nhất là nhân tố con người. Xu hướng giới trẻ đổ xô lên thành thị làm việc, sinh sống đã kéo theo sự thay đổi về nếp ăn nếp nghĩ. Người già cũng bị cuốn hút vào “dòng xoáy” ấy, nên đã “đơn giản hóa” các nghi lễ, tập tục truyền thống ngày tết. Những cảnh rộn rịp gói bánh, nấu bánh bên những bếp lửa hồng cũng ít đi vì có thể mua… bánh nấu sẵn. Hương khói, hương tết đêm 30 cũng mất đi khá nhiều.
Ngày nay về quê đón tết ít còn thấy những lễ hội của địa phương hơn trước đây, người ta đã ít mặn mà với nó hơn trước. Ít còn thấy cảnh những ông cụ áo dài khăn đóng khấn lễ; các bà các chị áo dài rước lộc lễ chùa. Các hình thức hội chợ cũng vắng thưa khách vì buồn tẻ, đơn điệu. Năm trước có dịp về đón tết ở Quảng Nam, tôi ngạc nhiên bởi nhiều người trẻ đã thờ ơ với bài chòi - một trò chơi, trò diễn dân gian mang tính biểu tượng văn hóa rất ý nghĩa của vùng quê Trung bộ.
Nhậu nhẹt, karaoke thùng, bài bạc
Thay vào đó tết quê ngày nay dễ thấy những cảnh này: nhậu, hát, vào trò đen đỏ. Nhậu tết thì bất luận thời gian, ngày càng… trẻ hóa. Hát thì, với đa số là loa thùng (loa kẹo kéo), nhà nhà đua tiếng, người người đua thanh. Còn đỏ đen thì trò nào cũng có. Thế rồi hậu quả là tai nạn giao thông, là tan gia bại sản. Làm cho tết mất hết niềm vui.
Bình luận (0)