Tết Quý Mão 2023: Lau dọn bàn thờ tổ tiên, tỉa chân nhang thế nào?

21/01/2023 18:35 GMT+7

Trước khi mời ông bà về ăn tết, đón giao thừa, người Việt thường có thói quen lau dọn bàn thờ, tỉa chân nhang cho sạch sẽ, trang nghiêm. Công việc này nên thực hiện thế nào để thể hiện hiếu kính với tổ tiên?

Việc lau dọn bàn thờ tổ tiên ngày nay gần như được thực hiện thường xuyên ở các gia đình, tuy nhiên, ngày tết đến, xuân về, các gia đình sẽ tỉa chân nhang, lau dọn thật kỹ càng bàn thờ trước khi bày biện mâm ngũ quả.

Đây được xem là một trong những công việc rất quan trọng trong dịp tết. Nhà thì lau bằng nước sạch, tấm khăn riêng, nhà thì lau bằng rượu. Cùng với đó, tỉa chân nhang cho sạch đẹp, gọn gàng cũng được nhiều người chọn dịp này.

Vì sao cần lau dọn bàn thờ?

Người Việt cho rằng, người sống và người đã khuất có mối quan hệ mật thiết. Do đó, bàn thờ là nơi linh thiêng trong gia đình, lưu giữ tình cảm giữa các thế hệ. Do vậy, việc giữ gìn bàn thờ sạch sẽ không chỉ thể hiện sự chăm sóc và tôn kính của con cháu với ông bà tổ tiên mà còn phần nào đó có ý nghĩa về mặt tâm linh.

Bàn thờ ngày tết của người miền Trung

diệu mi

TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo – Đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cho biết, người Việt thường bắt đầu dọn dẹp bàn thờ sau ngày chạp mả (tức thường sau rằm tháng chạp), chùi rửa và đánh bóng lư đồng, thay bát nhang, làm sạch bàn thờ, không để vướng bụi.

Theo ông Lộc, ngày trước, người Việt thường thờ ông bà bằng tranh kính nên sẽ lấy nước nhúng khăn ướt hoặc dùng giấy lau sạch sẽ. Còn với tượng thờ Phật, tượng ông Thần tài, Thổ địa thì được "tắm" bằng rượu để thơm tho, thanh tẩy bụi bặm.

Ông Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương nói thêm, ở các đền, chùa, người phụ trách chính sẽ là mang các vật dụng lần lượt xuống để lau chùi. Ở các nhà thờ họ thì người trưởng họ hoặc con trưởng trong nhà phụ trách. Một số người quan niệm dù lau dọn thế nào cũng không được di dời bát hương (bát nhang).

Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (TP.HCM) thì cho hay, nhiều người Việt vẫn còn tin rằng chân nhang phải để đó suốt 1 năm, sau ngày đưa ông Táo về trời mới làm vệ sinh. Người nào bận rộn hơn nữa thì đến ngày 29, 30 âm lịch mới làm. Điều đó vô tình làm việc thờ phượng ông bà tổ tiên trên bàn thờ không được trang trọng.

Ngày nay, nhiều người miền Nam thường xem việc lau dọn bàn thờ việc mỗi ngày giống như mỗi ngày cơ thể cần một lần tắm để sạch sẽ.

Thượng tọa Thích Nhật Từ nói: "Theo văn hóa Phật giáo, sau khi chết người thân chúng ta đều được tái sinh không có trường hợp ngoại lệ theo vòng tròn tái sinh vô cùng tận, nhưng chúng ta cũng phải làm vệ sinh mỗi ngày để việc thờ cúng được trang trọng hơn”.

Việc thờ cúng hiện cũng còn nhiều ý kiến, quan niệm khác nhau tùy theo khu vực, thượng tọa trụ trì chùa Giác Ngộ lấy ví dụ, một số gia đình ở miền bắc vẫn cho rằng khi cúng kiếng, lõi nhang sau khi đốt xong uốn cong thì lần cúng đó được ông bà tổ tiên chứng giám. Nhưng điều này hoàn toàn không có cơ sở vì những đơn vị sản xuất có thể tẩm hóa chất để lõi cây nhang khi đốt xong uốn thành vòng tròn.

Do vậy, theo văn hóa Phật giáo, việc lau dọn bàn thờ nên được thực hiện 2 – 3 ngày/lần hoặc một ngày một lần để bàn thờ được trang nghiêm, sạch sẽ.

Lau dọn bàn thờ tổ tiên thế nào?

Theo ông Hoàng Triệu Hải, thông thường trước khi lau dọn bàn thờ người ta sẽ dùng cây phất trần để phủi cho sạch bụi, sau đó dùng khăn sạch thấm vào rượu ngâm gừng lau chùi bát nhang, ngai thờ, bài vị rồi lau bát đĩa thờ cúng. Cuối cùng là lau sạch bàn thờ, lọ hoa.

Một số tài liệu khác cũng cho rằng công việc lau dọn bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính và tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng và hạn chế sự chung đụng. Nước lau bàn thờ phải là nước sạch, có nhà còn hứng nước mưa, thậm chí nấu nước từ lá trầu, lá bồ đề để lau.

Tùy từng gia đình, cách bày trí trên bàn thờ có thể khác nhau

diệu mi

TS Dương Hoàng Lộc dẫn chứng, ngày nay, một số gia đình vẫn lau dọn bằng cách dùng khăn nhúng nước sạch cho ẩm rồi lau bụi sạch sẽ. Riêng tượng Phật, tượng ông Địa, ông Thần tài sẽ được lau hoặc tắm bằng rượu để thơm tho, thanh tẩy bụi bặm.

Người Việt quan niệm, việc lau dọn bàn thờ cần thực hiện với thái độ tôn kính, bát nhang phải để yên một chỗ, không được bê lên bê xuống trừ khi quá bụi bặm mới cần lấy xuống để lau chùi.

Sau cùng, theo các chuyên gia về tôn giáo, việc lau dọn, tỉa chân nhang trên bàn thờ cần thực hiện thường xuyên, để bàn thờ lúc nào cũng phải sạch sẽ, trang nghiêm thì ý nghĩa tôn kính trong việc thờ phượng đối với các đấng thiêng liêng thì mới trọn vẹn ý nghĩa.

Với người Việt, việc lau dọn bàn thờ sẽ hoàn thành trước giao thừa, sau đó bày biện mâm ngũ quả lên bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị mâm cúng giao thừa mời ông bà về ăn tết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.