Tết rừng của người Mông Nà Hẩu

15/03/2024 08:30 GMT+7

Không chỉ là nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, lễ 'cúng rừng' của người Mông ở Nà Hẩu còn góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng…

Với tổng diện tự nhiên 5.640 ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500 ha, rừng Nà Hẩu (xã Nà Hẩu, H.Văn Yên, tỉnh Yên Bái) bấy lâu như mái nhà chung của hơn 500 hộ người dân tộc Mông với hơn 2.500 nhân khẩu. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng bao đời nay đồng bào Mông vẫn luôn đồng lòng giữ rừng bằng cách riêng, bằng những luật tục truyền từ đời này sang đời khác.

Tết rừng của người Mông Nà Hẩu- Ảnh 1.

Các chàng trai Mông thổi khèn Mông làm nghi thức trước khi vào rừng

VĂN TUẤN

Gắn bó với rừng, sống cùng rừng, người Mông Nà Hẩu coi rừng như nguồn sống, như chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng.

Trải qua hàng trăm năm chung sống hòa thuận với rừng, hiểu được rừng, đồng bào nơi đây đã đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng, được cộng đồng tôn trọng như những luật tục.

Rừng là nơi để người Mông Nà Hẩu thực hành nghi lễ tín ngưỡng cúng rừng, cầu mong các vị thần che chở, bảo vệ và giúp họ có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc, bình yên; cho cây cối, gia súc, gia cầm phát triển và cho sự trường tồn của các dòng họ.

Tết rừng của người Mông Nà Hẩu- Ảnh 2.

Trong lễ vật dâng cúng Thần rừng có 1 cặp gà trống - mái

VĂN TUẤN

Cứ vào ngày cuối cùng của tháng giêng âm lịch hàng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu "rừng cấm, rừng thiêng" của thôn để cùng tổ chức "lễ cúng Thần rừng" hay còn gọi là "Tết rừng".

Đây không chỉ là nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, giúp bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng dân tộc Mông mà còn góp phần thiết thực bảo vệ rừng.

Mở đầu là nghi lễ rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ diễn ra trước cửa rừng, dưới gốc cây táu mật cổ thụ. Lễ vật dâng cúng Thần rừng gồm một cặp gà trống - mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản.

Tết rừng của người Mông Nà Hẩu- Ảnh 3.

Thầy cúng làm các nghi lễ cúng Thần rừng tại cây cổ thụ lớn

VĂN TUẤN

Đến giờ lành, thầy cúng kính cẩn dâng hương, lần lượt quay về 4 phía gõ mõ và khấn mời thần linh về chứng giám, hưởng lễ vật, phù hộ, ban lộc rừng cho người dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu…

Sau đó, thầy cúng cùng một số thanh niên trong xã thực hiện việc cắt tiết gà, tiết lợn; phết tiết vào lông gà và dán lên gốc cây cổ thụ.

Điều đặc biệt, sau lễ hội "Tết rừng", các thôn, bản trong xã đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn Thần rừng. Trong 3 ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ theo luật tục. Đó là không vào rừng chặt cây xanh; không đem lá xanh từ rừng về nhà; không đào củ, bẻ măng; không đào đất; không thả rông gia súc; không phơi quần áo ngoài trời; không xay ngô, giã gạo…

Tết rừng của người Mông Nà Hẩu- Ảnh 4.

Kết thúc phần nghi lễ cúng chính, tất cả bà con đồng loạt giơ tay lên cao 3 lần để thề và cùng hô “Pê mông thoàng trì giố giông cu giống”, nghĩa là “người Mông đoàn kết giữ lấy rừng”

VĂN TUẤN

Việc giữ rừng của người Mông Nà Hẩu giống như giữ mái nhà chung nên ai cũng tự bảo nhau không được phá rừng làm nương rẫy, không để người lạ vào rừng.

Nhờ vậy mà nhiều năm qua, diện tích rừng nguyên sinh đặc dụng trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ vẫn sừng sững, hiên ngang, ôm ấp, chở che cho cộng đồng dân cư nơi đây. Nà Hẩu trở thành địa phương hiếm có với độ che phủ rừng đạt tới 90%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.