Tết Tân Sửu năm 2021: Chiêu gì “né” được bớt những lời mời uống rượu, bia?

14/02/2021 15:30 GMT+7

Với câu hỏi: Điều gì ngán nhất trong ngày tết? Phần lớn câu trả lời cho biết sợ bị... ép uống rượu bia, hôm nay không say không về!

Tết - bạn bè gặp nhau, cùng mời nâng cốc vài ly rượu, bia, đó là chuyện thường. Từ vài ly "xã giao" ban đầu đẩy thành cuộc nhậu, rồi đố kỵ nhau là không bình thường... làm gì để thoát khỏi cảnh này.

Ớn với điệp khúc cụng ly rồi “vô 100% nghen”!

Trần Quang Bảo, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết, mỗi lần tết đến hay tổ chức họp lớp. Dù rất vui vì có cơ hội gặp bạn bè cũ, nhưng cũng ngao ngán với tình cảnh bị... ép uống. “Nhiều bạn cứ liên tục mời. Lấy lý do là lâu lâu mới gặp, phải uống cạn. Mà không chỉ một người, lớp vài chục người, cứ nâng ly liên tục. Nên mình lo. Lo nhất là không thể uống nữa vẫn bị mời”, Bảo kể. Nỗi lo của Bảo cũng là nỗi niềm không của riêng người trẻ nào.
Huỳnh Anh Tú, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM cũng kể: “Năm ngoái, trong dịp gặp mặt đầu năm của lớp THPT, mình vì tiểu lượng có hạn nên chỉ uống được 3 lớn. Vậy mà bị các bạn ép uống liên hồi. Tự nhiên nhớ lại mà... ớn lạnh. Không biết năm nay có bị ép như thế nữa không”.

Uống không say không về

Lê Thanh

Tương tự, Nguyễn Hùng Điệp, nhân viên Công ty về điện tử trên đường Bàu Cát 2, Q.Tân Bình (TP.HCM) nói: “Tết đến, tự nhiên lo và ớn với điệp khúc cụng ly rồi “vô 100% nghen”, nâng ly nào anh em, sợ nhất cụm từ hôm nay uống không say không về...”. Điệp nói: “Những ngày tết bạn bè gặp mặt nhau là để hỏi thăm sức khỏe, tình hình công việc, cuộc sống. Nhưng nhiều người lại lợi dụng để tổ chức nhậu nhẹt. Mà đâu phải nhậu ít. Có khi mình giơ tay xin “qua lượt” vẫn bị ép uống. Thật sự là lo và chẳng biết từ chối thế nào cho hợp lý”.

Không khó để từ chối...

Theo chuyên gia tâm lý Trương Văn Nghị, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM) thì đến hẹn lại lên, dịp tết đến cũng là lúc mà nhiều người “cầu cứu” cách để chối từ lời mời bia rượu. “Thật ra không khó để từ chối. Mỗi người có thể “bỏ túi” một vài bí kíp để chối từ lời mời bia rượu một cách hợp tình hợp lý”, ông Nghị nói.

tiệc tùng là phải có bia mới vui?

Lê Thanh

Cụ thể, theo ông Nghị, có thể viện lý do sắp phải có kế hoạch đến thăm nhà người quen khác. Thế nên cần tỉnh táo để đi. Hoặc, có thể dựa vào lý do cơ thể đang gặp một chút trục trặc về sức khỏe, đang nghe theo lời bác sĩ, phải hạn chế tối đa rượu bia, nên mong bạn bè thông cảm. “Mình có thể nói là hôm nay vui nên mới có thể uống chừng đấy. Chứ bác sĩ căn dặn kỹ là không được sử dụng bia rượu. Nói vậy, chắc hẳn bạn bè sẽ thông cảm cho “qua lượt”, ông Nghị hướng dẫn.
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, có thể không uống nhiều, nhưng cụng ly với mọi người một cách vui vẻ. “Thay vì người ta uống cạn ly, mình nên uống 20%, 30% hoặc nhấp môi. Cách “ăn gian” này sẽ khiến mọi người thấy mình hoà đồng, không bắt bẻ”, ông Nghị nói thêm. Ngoài ra, ông Nghị cũng cho rằng có thể sử dụng “tuyệt chiêu” là lấy luật giao thông đường bộ ra nói với người ép uống. “Giả dụ như lấy lý do đường về khá xa. Trong khi đã uống nhiều. Như thế là phạm luật. Chưa kể sẽ có thể đi đường không an toàn. Nếu nói vậy, người ép uống sẽ hiểu và thông cảm”, ông Nghị hướng dẫn.

Uống vui thôi vì rượu bia uống nhiều đến quá say không tốt cho sức khỏe

Lê Thanh

Lê Việt Phong, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thì hiến kế: “Ngày tết nếu bị ép uống, hãy tươi cười và nói ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép bia. Rồi sau đó có thể cụng ly nhưng nhấp môi rồi tìm cách hạ ly một cách khéo léo”. Có thể thấy, có “chiêu” để có thể “né” được những lời mời uống rượu, bia. Hãy thử áp dụng để có cái tết vui vẻ và tránh tình trạng người ngập ngụa mùi men bia, rượu!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.