Tết thầy từ câu chuyện nồi bánh chưng của ông đại tá về hưu

07/02/2019 08:26 GMT+7

Cạnh nhà trong khu phố tôi ở có bác đại tá về hưu. Năm nào cũng thế, hễ đến khoảng 26, 27 tháng chạp là tự tay bác cùng với người nhà nấu một nồi bánh chưng to, ước chừng trên trăm cái.

 Cũng theo lệ thường hàng năm, số bánh ấy bác gửi biếu cho họ hàng, người thân.

 Và đặc biệt, có nhiều cặp  bánh bác bảo con mang đi biếu thầy cô dạy con, có thầy cô chủ nhiệm từ thời tiểu học.dù đứa con trai của bác năm nay đã là sinh viên năm thứ ba của một trường đại học.

 Mấy cặp bánh chưng của ông đại tá về hưu  khiến tôi nhớ đến một vẻ đẹp của truyền thống dân tộc, đó là: tết thầy. Không phải quá khắc khe của Nho giáo với tam cương “Quân - Sư - Phụ” (xếp cao nhất là “vua”, đến “thầy” và sau cùng là “cha”), mà, với tư duy mềm dẽo có tính phản biện, cùng với truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn và hiếu học, cha ông xưa đã đúc kết một thông lệ có phần nghịch với cương rường của đạo Khổng nói trên: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”.

Tết cha (bên nội nói chung), tết mẹ (bên ngoại) theo thứ tự trước sau nói trên là cả câu chuyện dài về phong tục, văn hóa của người Việt. Nhưng tại sao mùng ba mới “tết thầy” trong khi thầy xếp cao hơn cha theo cương rường trên? Bởi vì, đây là một góc nhìn khác gắn liền với lễ tết, nghiêng nhiều về khía cạnh quan hệ huyết thống, sinh trưởng (cha, mẹ) cùng với công ơn dưỡng dục, được xem thứ yếu hơn (thầy). Tất cả đều xuất phát từ đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” mà nên.


 Tuy nhiên, thông lệ “Mùng ba tết thầy” đã mai một đi quá nhiều.Tại sao vậy? Vì người thầy không được coi trọng như xưa? Vì vai trò của người thầy trở thành thứ yếu trong việc học, việc chiếm lĩnh tri thức? Vì đã có ngày Nhà giáo 20.11? Vì, theo nhiều người, đó là tục xưa, cổ hủ, bày vẽ, rườm rà, phiền hà, rắc rối?... Có lẽ là do tất cả cái “vì” trên chăng? Nhưng nếu đúng như thế thì đáng buồn và lo thật, vì dù sao “mùng ba tết thầy” cũng đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Dù sao vai trò người thầy cũng đặc biệt quan trọng với sự thịnh suy trong xã hội.

Bởi thế cho nên ngày nay hiếm được thấy những món quà biếu thầy ý nghĩa như những cặp bánh chưng nói trên. Cũng Mất dần những cảnh thăm hỏi, mừng tuổi với thầy cô trong ngày tết. Lòng thành nhường chỗ cho những món quà lạnh ngắt, những chiếc phong bì nóng hổi…

 Văn hóa “tết thầy” hỏi còn “sống” được bao lâu nữa?

              
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.