Tết Trung thu của ngày xưa và ngày nay
Theo phong tục của người Việt Nam, Tết Trung thu thường được tổ chức vào rằm tháng 8, ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Vào dịp này, trẻ em được cha mẹ mua cho những chiếc lồng đèn xinh xắn, được ăn bánh Trung thu và rước đèn.
Bánh trung thu tượng trưng cho sự đoàn viên, là thứ không thể thiếu để cúng trăng và thổ địa công vào mỗi mùa Trung thu. Phong tục ăn bánh trung thu bắt đầu từ cuối đời nhà Nguyên ở Trung Quốc đến nay. Tương truyền vào thời đó, người Trung Nguyên không chịu nổi ách thống trị của người Mông Cổ, những người có chí khí đều muốn khởi nghĩa chống nhà Nguyên. Để bí mật truyền tin đến cho lực lượng của mình, Lưu Bá Ôn đã nghĩ ra một cách rất độc đáo, đó là kêu gọi mọi người mua bánh ăn vào Tết Trung thu để tránh họa. Sau khi mọi người mua bánh về và cắt ra, nhìn thấy bên trong có giấu một mảnh giấy viết “đêm 15 tháng 8 khởi nghĩa”, nhờ vậy người dân đã nhiệt liệt hưởng ứng và lật đổ được nhà Nguyên. Cũng từ đó, bánh trung thu đã trở thành một món ăn không thể thiếu vào mỗi Tết Trung thu.
Trải qua nhiều thời kỳ, những biến đổi về đời sống xã hội khiến cho Tết Trung thu cũng khác xưa nhiều. Thay vì cặm cụi vót tre, dán giấy kiếng để làm ra những chiếc lồng đèn, các bậc cha mẹ mua cho con mình những chiếc đèn điện tử đủ màu sắc. Chiếc bánh Trung thu cũng đa dạng hơn về màu sắc và phong phú hơn về mùi vị. Tuy nhiên, ý nghĩa của ngày Tết Trung thu vẫn còn nguyên vẹn, đó là ngày đoàn viên, ngày của gia đình.
Mỗi năm một khoảnh khắc
Trước đây, trẻ em thường tụ tập cùng đám bạn xách đèn đi khắp xóm, nghêu ngao hát vang những bài hát về Trung thu. Ngày nay, những hình ảnh ấy dần ít đi, thay vào đó là hình ảnh các bậc cha mẹ dẫn con cái đến các công viên, các chương trình ca múa nhạc, các trung tâm thương mại,…
Trung thu năm nay, bên cạnh những địa điểm quen thuộc, các em nhỏ ở TPHCM sẽ có thêm một lựa chọn mới. Từ ngày 14 đến ngày 19.9, lần đầu tiên xuất hiện cung đường lồng đèn dài 700 m uốn lượn quanh khu vực Hồ Bán Nguyệt ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng gồm 1.500 chiếc lồng đèn màu sắc rực rỡ với nhiều hình thù: bươm bướm, cá chép, ông sao... Đặc biệt, một chiếc lồng đèn ông sao năm cánh khổng lồ cao 4 m sẽ được đặt ở khu vực tổ chức đêm hội Trung thu. Đây sẽ là địa điểm chụp ảnh lý tưởng cho các bạn trẻ trong mùa Trung thu này.
Riêng đêm 14.9 (mùng 10 tháng 8 âm lịch), tại khu vực The Crescent, Phú Mỹ Hưng, sẽ diễn ra chương trình Trung thu Phú Mỹ Hưng - Lung Linh Sắc Việt với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. Bên cạnh những trò chơi dân gian hấp dẫn như: đá cầu, bắn bi, lựa đậu, ô ăn quan,… Ban Tổ chức đã chuẩn bị 2.000 phần quà và lồng đèn để tặng cho các bé đến tham dự chương trình. Nhà tài trợ NAHI cũng đã dành 14 thiết bị chơi mà học NAHI KIDS cho 10 em học sinh nghèo học giỏi, 2 bé khéo tay nhất cuộc thi thiết kế lồng đèn và 2 suất quà bốc thăm may mắn. Ban Tổ chức sẽ trao 5.000 quyển tập cho Báo Công an TP.HCM để chuyển đến trẻ em nghèo.
Dù ngày xưa hay bây giờ, Tết Trung thu vẫn sẽ mãi là một trong những lễ hội đáng nhớ nhất của tuổi thơ.
Hà Nâu
Nguồn: Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng
>> Tết trung thu, hàng Việt tìm lại chỗ đứng
>> Ngẫm về Tết Trung thu
>> Vui tết Trung thu
>> Tổ chức Tết Trung thu cho trẻ bất hạnh
>> Chăm lo cho trẻ em vui Tết Trung thu
Bình luận (0)