Lặn lội từ Mỹ về đến Việt Nam suốt 10 ngày qua, cựu danh thủ lừng lẫy một thời Võ Thành Sơn hiếm khi ở nhà. Ông chạy ngược chạy xuôi thăm hỏi đồng đội cũ ở Sài Gòn, rồi xuống miền Tây trao quà cho các cựu cầu thủ có hoàn cảnh khó khăn.
Tình cờ gặp ông những ngày cận Tết, ông bùi ngùi xúc động: “Có năm mình cũng gặp khó khăn tính không về Việt Nam ăn Tết. Lại nhớ về đồng đội cũ còn gặp khó hơn mình. Thế là đi!
Mình biết Tết này không về, rất nhiều bạn bè buồn lắm! Họ mong mình, không phải vì quà cáp cũng chẳng đáng bao nhiêu đâu. Cái chính là anh em có dịp ngồi với nhau ôn lại kỷ niệm xưa thời đá bóng, mình cứ thấy như mới thoáng đâu đây”.
tin liên quan
Những tượng đài đã mất: Đội bóng tài hoa Sở Công nghiệpKhông được yêu mến cuồng nhiệt như Cảng Sài Gòn hay Hải quan, nhưng Sở Công nghiệp TP.HCM lại là đội bóng có những cá nhân tài hoa mà phong cách và lối chơi đã đi vào lòng người.
Cựu trung phong lừng lẫy một thời Võ Thành Sơn ở tuổi thất thập cổ lai hy, mỗi lần nói về bạn bè, sân cỏ là sôi nổi lắm.
Ông nhớ những cú dừng bóng bằng ngực rồi bay người lên không lật bàn đèn làm tung lưới đối thủ trong tiếng vỗ tay rần trời của khán giả.
Ông nhớ mỗi lần ra đấu trường quốc tế, các đối thủ cỡ Hàn Quốc, Nhật Bản đều phải xách rổ theo đựng bóng.
Ông nhớ có lần mình với đồng đội Quang Đức Vĩnh chơi bóng với Hàn Quốc chỉ sau tiếng còi khai cuộc là hai anh em phối hợp nhịp nhàng đá thủng lưới đối phương chỉ mấy chục giây đồng hồ.
Ông nhớ dịp qua Israel đá thắng đối thủ sân khách mà đội bạn tay bắt mặt mừng cứ như gặp cao thủ,…
|
Ông nhớ những trận bóng nảy lửa trên sân Cộng Hòa (sau này là Thống Nhất), khán đài không còn một chỗ trống. Ông nhớ hồi treo giày ở tuổi 34 với danh hiệu Vua phá lưới giải vô địch quốc gia 1981-1982, Thành đoàn TP.HCM tổ chức cho ông trận đấu chia tay sân cỏ.
Người yêu bóng đá Sài Gòn hay tin kéo đến sân đông nghẹt để gặp mặt thần tượng với biệt danh “ông vua không gian hẹp”. Đeo băng thủ quân và mặc chiếc áo số 9 quen thuộc, Võ Thành Sơn lập hat-trick mà ông kể lại là “tui đá lọt 3 bàn” đều bằng tuyệt kỹ ngả bàn đèn huyền thoại.
Ông Sơn nhớ hồi nửa thế kỷ trước, đội tuyển miền Nam sau trận thắng Nhật Bản, bất chợt đội bạn đứng xếp hàng lần lượt tặng cho mỗi cầu thủ một đôi giày nhỏ bằng thủy tinh.
Ông trưởng đoàn của Nhật nói nhỏ vào tai thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang: “Đây là món quà nhỏ mà cầu thủ Nhật chúng tôi trân trọng và rất muốn học hỏi để mong một ngày nào đó nâng tầm đẳng cấp của mình như các bạn”.
|
Nghe nhắc đến cố danh thủ Tam Lang, người bạn già vong niên Nghệ sĩ ưu tú Việt Anh ngồi sát bên nâng ly kể: “Hồi nhỏ coi đá banh mê Võ Thành Sơn lắm. Không có trận nào ổng đá mà tui vắng mặt. Sau này chơi với nhau, tui luôn trân quý ổng ở cái tình với anh em, bạn bè.
Cái tình già của cựu cầu thủ có mấy ai như ông Sơn. Mới “ở bển” về là lập tức chạy ra nghĩa trang thắp nén nhang nhớ bạn Tam Lang. Hồi nảy sinh ý tưởng “Cây mùa xuân” chăm lo Tết cho cựu cầu thủ nghèo, hai ổng phối hợp nhau ăn ý lắm!
Tam Lang tìm lên danh sách, Võ Thành Sơn tổ chức giải đá bóng ở Mỹ kêu gọi quyên góp. Rồi cả hai làm giải ở TP.HCM, gom anh em lại ra sân đá bóng, tặng quà ăn Tết.
Mấy năm nay không còn Tam Lang nữa, Võ Thành Sơn làm bộ bàn ghế đá đặt trước mộ bạn để ai đến thăm cũng có chỗ ngồi lâu hơn chút nữa, thấy thương lắm!”.
|
Bất chợt trong câu chuyện về một thời để nhớ, Võ Thành Sơn lại rưng rưng: “Mấy cầu thủ đá bóng thời xưa của mình khổ quá, có nhiều anh em phải chạy xe ôm, đạp ba gác mưu sinh.
Thời đó chơi bóng vì đam mê, mấy ai nghĩ đến làm giàu hay dành dụm học cái nghề nào khác. Rồi khi lớn tuổi, mình hay nói vui là "quá lứa lỡ thì", cái vòng luẩn quẩn nghèo khổ, bệnh tật cứ đeo bám riết”.
Hỏi ông cứ mải miết giúp đỡ những mảnh đời cựu cầu thủ khó khăn, Tết về lại ăn cơm nhà vác ngà voi đến khi nào, Võ Thành Sơn cười thật hiền: “Đến khi nào tui không còn sức nữa thì thôi!”.
Bình luận (0)