Tết với lao động tự do: 'Có những ngày tôi chỉ ăn mì gói'

12/01/2025 04:34 GMT+7

Không có thưởng tết, nhiều người lao động tự do vẫn đang chắt bóp từng ngày để đủ tiền về quê đón tết. Với họ, đường về còn rất xa vì gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai.

Một chiều đầu tháng chạp, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Tư (65 tuổi, quê ở Bình Định) đang mòn mỏi chờ khách ghé ngang. Lên TP.HCM hơn nửa đời, bà Tư nói mình đã trải qua nhiều sương gió. Với những người lao động tự do như bà, ước mong lớn nhất dịp tết đơn giản chỉ là có đủ tiền mua vé xe và gói trà, hộp mứt về quê sum họp với gia đình.

Nhịn ăn để kiếm tiền về quê

Bà Tư bán bánh tráng trộn ngay góc ngã tư Nguyễn Đình Chiểu giao với Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3. Bà kể rằng, bà một thân một mình lên TP.HCM mưu sinh từ năm 30 tuổi.

“Tôi chỉ có một mình trên thành phố, ở ghép với mấy chị em cùng quê. Còn gia đình thì ở Bình Định, mỗi năm tôi về thăm họ hàng khoảng 2 lần nếu có điều kiện. Hồi trước vì nhà khổ quá, tôi mới đành lòng xa con lên đây bươn chải, mong có cuộc sống khấm khá hơn. Ngày trước khi mới lên cũng khổ sở lắm, tôi bán đủ thứ trái cây như cóc, xoài, ổi, chục năm nay mới đổi sang bánh tráng”, bà Tư nhớ lại.

Để tiết kiệm chi phí xe cộ, mỗi ngày bà Tư đi bộ gần chục cây số để bán hàng. Tiền lời có được, bà dành ra một ít để ăn uống, trả tiền trọ, còn dư bao nhiêu đều để dành mang về quê.

Tết với lao động tự do: 'Có những ngày tôi chỉ ăn mì gói'- Ảnh 1.

Dịp gần tết, bà Tư chắt bóp để có tiền về quê đoàn tụ với gia đình

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

“Có những ngày tôi chỉ ăn mì gói hoặc chung tiền ăn cơm với các chị em cho tiết kiệm, miễn sao đủ tiền về quê”, bà Tư nghẹn ngào.

Bình thường, bà bán từ 9 - 15 giờ mỗi ngày, nhưng những ngày cận tết, bà bán thêm vào buổi tối mong có thêm đôi đồng. Người phụ nữ bộc bạch, những người lao động tự do như bà, chỉ mong đủ ăn đủ mặc. Vì nghề này phụ thuộc nhiều vào sức khỏe, sự chịu khó, siêng năng và cả may mắn nữa.

“Muốn về quê ăn tết với gia đình, ít nhất cũng phải có chục triệu dằn túi. Tiền vé xe, quà cáp, ăn uống rồi hương khói ở nhà… bao nhiêu thứ phải lo toan. Mỗi năm khi tết sắp đến, tôi vừa mừng lại vừa lo, mà có lẽ lo nhiều hơn. Ai mà chẳng muốn về quê sum họp những ngày này nhưng ngặt nỗi, muốn về cũng phải có tiền mới dám về”, bà Tư rầu rĩ nói.

Buôn bán nhiều năm, bà Tư nhận thấy so với nhiều tỉnh thành khác, TP.HCM dễ sống và dễ kiếm tiền hơn. Nơi đây đông người, nếu cố gắng thì một ngày cũng kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng. Nhưng muốn bán được hàng, bà Tư nói mình phải học thêm cách mời chào, giao tiếp. Có những ngày mệt mỏi, bà cũng phải ráng tươi cười để khách vui rồi ghé ủng hộ những lần sau.

Bà tâm sự: “Số tôi khổ vậy đủ rồi, chỉ mong con cái có công ăn việc làm ổn định, không phải bôn ba một mình nơi đất khách. Nếu được làm văn phòng như người ta, tết nhất có thưởng, đãi ngộ tốt thì càng mừng hơn nữa. Còn tôi thì sao cũng được, cố gắng hết mình vì gia đình thôi”.

Mong ước của người lao động tự do

Nép mình trong một góc gần cổng chính kí túc xá khu B, Đại học Quốc gia TP.HCM (Bình Dương), bà Hoàng Thị Sinh (70 tuổi, quê ở Quy Nhơn, Bình Định) ngồi lặng lẽ bên gánh hàng nhỏ của mình. Mái tóc bạc trắng như sương, dáng người gầy gò nhưng đôi bàn tay ấy vẫn chăm chút từng ly sữa chua, từng phần sương sâm, sương sáo, xu xoa, thạch dừa…

Bà Sinh tâm sự với chúng tôi rằng, hành trình rời quê hương Quy Nhơn đến Sài Gòn mưu sinh là chuỗi ngày đầy gian truân. Từ khi đặt chân đến đất khách, bà đã tự mình bươn chải để đủ cái ăn, cái mặc hằng ngày.

Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng bà không muốn trở thành gánh nặng cho con cái. Mỗi ngày, bà thức dậy từ lúc mặt trời chưa mọc, quần quật đến 15 giờ rồi mang thùng hàng đến trước cổng kí túc xá để bán. “Tôi ở cùng gia đình con trai, nhưng vẫn muốn tự lo liệu. Có thể tự kiếm được đồng nào, tôi cảm thấy vui vẻ và an yên hơn”, bà cười tươi nói.

Tết với lao động tự do: 'Có những ngày tôi chỉ ăn mì gói'- Ảnh 2.

Những người lao động tự do như bà Sinh ngày đêm mong mỏi có đủ tiền về quê đón tết với gia đình

ẢNH: HOÀI NHIÊN - THÁI THANH

Những món ăn bà bán có giá chỉ vài nghìn đồng. Tất cả đều được làm từ đôi bàn tay khéo léo của bà từ sáng sớm. Bà nói rằng, bà không muốn bán giá cao, vì có nhiều sinh viên còn khó khăn, không đủ tiền mua.

Những đồng tiền ít ỏi từ gánh hàng nhỏ, bà chắt chiu, dành dụm suốt cả năm. Với bà, đó không chỉ là kết quả của mồ hôi công sức mà còn là sự hy vọng về một mùa tết ở Quy Nhơn hạnh phúc, đong đầy.

“Tuổi tôi đã cao, bao năm bôn ba ở TP.HCM cũng dần yêu nơi này. Nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi luôn mong được đón tết ở quê nhà. Tôi muốn về quê để thắp nén hương cho tổ tiên và gặp họ hàng, con cháu… Cái cảm giác tết bên người thân ấy, chẳng có gì có thể thay thế”, nói rồi, bà cúi mặt, đôi mắt chợt đỏ.

Đời người bán hàng rong vô vàn khó khăn, lúc nơi này, mai nơi kia, lúc nắng nóng, chốc lại mưa ào. Những ngày Sài Gòn vào mùa mưa là lúc gánh hàng nhỏ của bà Sinh thêm nhọc nhằn. Chiếc áo mưa tiện lợi mỏng dính cũng không đủ che chắn bà khỏi những cơn gió lạnh buốt.

Bà tâm sự với chúng tôi rằng: “Hôm nào trời mưa, tôi lấy bọc ni lông che chắn hàng hóa, rồi nép vào một góc, đợi hết mưa thì tôi lại bán. Những ngày mưa bán không được, tôi lại mang về, những món còn bảo quản được thì sáng sớm mai tôi mang ra chợ bán”.

Có những lúc tối muộn, thưa dần hình bóng các bạn sinh viên nhưng bà vẫn lom khom dọn dẹp gánh hàng. Từng hộp sữa chua, sương sáo, sương sâm, chè… được bà sắp xếp gọn gàng vào thùng. 

“Vì tết cũng đến gần rồi, tôi không dám nghỉ ngày nào. Đêm nào tôi cũng bán đến khi ký túc xá đóng cửa. Tôi dự tính, khi nào các bạn sinh viên về quê ăn tết hết thì tôi mới về quê”, bà nói.

Chúng tôi hỏi, có khi nào bà cảm thấy buồn lòng vì tuổi đã cao nhưng vẫn còn buôn bán hằng ngày? Bà Sinh cười tươi nói rằng, bà không bao giờ buồn: “Tôi ít khi cảm thấy buồn bã vì hằng ngày có rất nhiều bạn sinh viên đến ủng hộ và tâm sự cùng tôi. Tôi xem công việc này là niềm vui tuổi già thay vì là mưu sinh cuộc sống”.

Gánh nặng chi tiêu cản bước về quê: Người mẹ rơm rớm 'mong trúng số để'...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.