Thôi thì đủ các thứ, nào nước mắm, dầu ăn, mì gói, trứng gà trứng vịt… Nhưng nhiều nhất là gạo. Gạo nhóm thiện nguyện của chúng tôi mua. Gạo các nhà hảo tâm cho. Gạo bạn bè gửi… Cứ vài ngày tôi lại ra ngoài đầu hẻm vác gạo vô. Vác riết rồi đuối quá, nên về sau kêu hai cậu con trai ra khuân giùm, còn mình thì lấy xe máy ra thồ.
Minh họa: Tuấn Anh |
Gạo nhiều quá. Nhiều tới mức khi các chương trình thiện nguyện đã “khóa sổ” mà gạo vẫn còn. Lúc này, tôi cũng phải lao vào công việc của mình, không còn rảnh để mang gạo tới cho bà con. Nghĩ hoài không biết cách sao để giải quyết hết số gạo này. Cuối cùng cũng tìm ra một giải pháp.
Mỗi buổi sáng, trên đường từ nhà đến cơ quan làm việc, tôi chất chừng 5 - 7 bịch gạo (mỗi bịch 5 kg) phía yên trước xe máy, dọc đường hễ thấy bà con cô bác nào “trông có vẻ khó khăn” thì dừng lại trao. Cảm tính thôi. Nhưng tôi nghĩ đó là những hoàn cảnh cần san sẻ. Đó là ông chú mù ngồi xe lăn bán nhang kiêm bán vé số hay ngồi chỗ chốt barie xe lửa khúc Cá sấu Hoa cà. Đó là vợ chồng ông bác già bơm vá xe ngoài lề đường phía trước trung tâm thương mại Gigamall. Đó là chị bán trái cây, không biết ở trọ khu nào, có thể là ở quốc lộ 13, sáng nào lúc tôi chạy xe lên tới cầu Bình Triệu cũng thấy chị còng lưng đẩy chiếc xe đạp ràng giỏ trái cây nặng trịch lên dốc. Đó là ông chú bán cháo lòng ở khúc bến xe Miền Đông…
“Chú ơi, có nhận gạo không chú? Dạ, vậy nhận giùm con. Dạ, cảm ơn chú, chào chú”. Thường thì tôi dừng xe lại, trò chuyện ngắn, trao gạo rất nhanh rồi tiếp tục chạy đi.
Ông chú mù bán nhang lần nào cho cũng vui vẻ nhận. Ông già bơm vá xe cứ thấy gạo là hồ hởi, rối rít cảm ơn. Tôi không rõ vợ chồng ông dọn đồ ra vỉa hè từ lúc nào, có bữa tôi đi từ sớm đã thấy ngồi đó rồi. Trước mặt ông già là một đống lửa. Ông gầy quá, tay chân khẳng khiu như que củi, lại ăn bận phong phanh. Ông hay gom mấy mẩu gỗ, cành cây khô rồi đốt lửa sưởi ấm. Ông cứ ngồi bệt xuống vỉa hè, dáng ngồi bó gối, đưa cái đầu gối nhọn hoắt lên, trông buồn thiu. Nếu không có khách, ông cứ ngồi yên như thế. Như đang suy nghĩ hay hoài nhớ một điều gì.
Nhưng không phải ai cũng nhận gạo. Chị bán trái cây chỉ nhận đúng một lần rồi thôi. Chị nói gạo từ thiện ở nhà vẫn còn, chú cứ mang cho người khác nghen. Bữa dừng xe định trao gạo cho một chị bán bánh ướt dạo trên đường Bùi Đình Túy thì chị cười đôn hậu, phẩy tay: “Mới cho hôm qua, mà nay cho nữa hả? Hông nhận đâu. Cho người khác nghen”.
“Ủa, hôm qua mình đâu có chạy qua đường này? Chắc chị ấy nhầm mình với ai”. Vừa chạy xe vừa nghĩ. Cuối cùng chợt nghĩ ra: “Chắc là có ai đó cũng đi phát gạo kiểu như mình”.
Có một sáng đang chạy xe trên đường Phạm Văn Đồng đoạn gần nhà thì thấy một ông chú đang lui cui cắt cỏ bên đường ray. Sau mấy tháng dịch, con người thì rệu rã, nhưng cỏ thì vụt lên cao mút, xanh um. Tôi dừng xe lại. Ông chú vẫn cặm cụi, không bận tâm đến xung quanh. Tôi nhủ thầm trong bụng: “Bữa nay mình gặp… đồng nghiệp rồi”.
Đồng nghiệp là sao? Vì hồi còn nhỏ ở quê tôi cũng từng là trẻ chăn bò. Tôi cũng thường đi cắt cỏ như thế này. Mỗi khi đi đâu, thấy chỗ nào có cỏ tốt cỏ ngon lại nghĩ tới chuyện dắt bò tới, hay cắt về cho nó ăn. Cứ như là “bịnh nghề nghiệp”. Mấy chục năm rồi vẫn chưa bỏ được. Chợt ông chú ngước lên nhìn tôi rồi nở một nụ cười mộc mạc, hiền lành. Rồi hai chú cháu cứ đứng đó mà trò chuyện lâu lắc cả buổi. Hóa ra con dâu chú là người cùng quê với tôi. Nhà chú ở Linh Đông, là một trong ít hộ còn sống bằng nghề nuôi bò.
Hôm đó, tôi đưa cho chú “đồng nghiệp” hết số gạo mà mình mang theo. Tôi nói chú cứ muốn cho ai nữa thì cho. Chú nói xóm chú người nghèo nhiều lắm, có gạo vầy họ sẽ rất mừng.
Cứ như thế, sáng nào tôi cũng chở gạo đi phát dọc đường. Cái xe chở gạo riết rồi cũng nghe thơm mùi gạo. Cuối cùng “cái kho gạo” nhà tôi cũng được dọn sạch. Bây giờ, mỗi sáng tôi lại chạy xe máy từ nhà tới cơ quan, vẫn trên những cung đường ấy, thỉnh thoảng tôi ngoái nhìn những người mà mình đã từng gặp, tự nhiên lòng cảm thấy ấm áp nhẹ nhàng.
Và, chiếc xe máy lúc này dù không còn chở gạo, nhưng tôi dường nghe như mùi gạo chợt thơm trên đường Xuân.
Bình luận (0)