Cũng tại cái chiều đó người ta xả đập, nước triều lên mạnh chảy xiết quá làm bãi rau muống của ông bứt dây trôi một mớ ra sông. Ông xót của lặn hụp cả buổi để gia cố mớ dây giăng. Chạng vạng tối mới mò lên, đứng trên bờ nghe gió sông lùa lạnh run, hàm đánh bò cạp. Vậy là tối đó người ông ngoài nóng ran như lửa, bên trong thì cái lạnh dờn dợn trong xương sống lạnh ra. Hé mắt ngó lên thấy cái nóc chòi lao chao, thấy căn chòi hẹp té mọi ngày mà sao giờ rộng rinh. Tiếng gió u u, tiếng nước sôi réo ngoài kia nghe sao mà xa lăng lắc.
Thằng Lượm hay tin lật đật cưỡi xe qua. "Thiệt tình, sao tía không nhắn con qua phụ!", nó càm ràm rồi chạy vô xóm quơ mớ lá sả, lá é, lá bưởi... cuộn thành một bó nấu trong cái nồi đất, bắt ông già trùm mền xông. Mùi lá thơm nức căn chòi. Lát sau vợ Lượm vác bụng bầu lót tót tới, trên tay tòn ten gò mên cháo. Cháo trứng gà bỏ nhiều tiêu, nhiều hành, vừa thổi vừa ăn, mồ hôi túa ra, người cũng nhẹ bớt đi. Ông già Tư lào phào:
- Mà mày cũng đừng nói chuyện tía bịnh cho thằng Cò nghe. Nó la tía.
Thằng Lượm đang lui cui xếp mền, day lại:
- Vậy thì tía từ rày cũng phải bảo trọng, có gì a lô con!
- Ừ! Thôi bây dìa lo hàng họ đi con, chiều còn buôn bán.
Vợ chồng Lượm có xe hủ tiếu gõ, mỗi chiều lịch kịch đẩy ra ngã ba đường. Từ 3 giờ bán tới khuya lắc vẫn còn nán chờ vớt thêm mấy đứa đi chơi khuya về đói bụng. Vợ chồng thu xếp chi phí sinh hoạt, dành dụm thêm để mai chiều vợ Lượm đi sanh có mà lo. Chà, cứ nghĩ tới lúc có đứa nhỏ đi túc tắc trong chòi kêu "nội ơi!" thì vui biết mấy. Cái chòi sẽ không còn thấy rộng rinh nữa!
Lượm phân thuốc, dặn dò tía đâu đó kỹ càng rồi quay xe về. Con đường cặp theo mé sông, bên này là vườn tược xanh rì còn ngoài kia là mênh mông trời nước. Mấy cái xuồng máy tành tạch lướt đi, thoắt cái chỉ còn như chiếc lá trôi. Không ngoái lại nhưng Lượm chắc mẩm sau lưng mình sẽ là cái bóng ngồi thu lu ngó theo của ông già cho tới khi xe Lượm khuất hẳn vào một khúc rẽ. Cái dáng ấy Lượm bao lần bắt gặp, và từ lâu đã lưu trong lòng Lượm làm dậy lên một niềm cảm thương, một thôi thúc để đôi lúc chẳng có cái cớ gì cũng xách xe chạy qua chòi, ngồi một chút, nói bâng quơ vài câu với ông già rồi về.
Nỗi cô độc khủng khiếp như đã in vào trong mỗi cử động, mọi tư thế, mọi khoảnh khắc đi qua của ông. Cái bóng lụi cụi cắt rau những sớm mặt sông phẳng lặng mờ sương. Cái bóng ngồi phả khói thuốc ở đầu mũi xuồng in vào nền chiều bảng lảng. Và cái bóng lầm lũi trên chiếc xe đạp cũ kỹ giữa những huyên náo ồn ào của buổi chợ sáng...
*
Trưa chủ nhật, thằng Cò tạt về thăm tía. Cái giọng rổn rảng của nó tới trước cả tiếng gạt chống xe. Nó lom khom tháo mấy cái bịch xốp xách vô chòi. Là đồ ăn các thứ như mọi khi. Ba lô trên lưng còn chưa bỏ xuống, nói ba điều bốn chuyện rồi đi, lúc nào cũng vậy, lật đật như chó đạp lửa.
Cũng giống như Lượm, thằng Cò biết rõ rằng khi nó quay lưng sẽ có cái bóng nheo nheo mắt dòm theo cho tới khi xe rẽ vào khúc ngoặt. Cò chắc cũng có suy nghĩ như Lượm. Có điều Cò không chỉ lưu lại trong lòng, mà vì... thói quen nghề nghiệp, nó đưa điện thoại lên ghi lại hết những khoảnh khắc ấy, để thỉnh thoảng ngồi mở ra coi rồi chép miệng: "Tội nghiệp tía!".
Người ta nói Cò là một gã YouTuber tào lao. Bán mì gõ như Lượm còn có thể coi là một cái nghề chứ gọi YouTuber là nghề nghe nó cứ sao sao! Cảm tình gì nổi với một gã trai lúc nào điện thoại cũng lăm lăm trên tay, nghe ngóng rình rập mấy vụ giật gân đánh ghen, nhảy lầu, ngáo đá trèo cột điện, hết đề tài thì lội tuốt vô trong đồng hay cả mò lên trên núi để tìm các kỳ nhân. Đám tang nghệ sĩ gã túc trực ngày đêm như cha chết, chen lấn hô hào dí theo đám nghệ sĩ kiếng đen, khẩu trang kín mít, bước chân vun vút. Vài tay nghệ sĩ hết thời hay chưa có chút tiếng tăm gì bỗng nhờ gã mà có được một vài phút lóe sáng. Người ta gặp chuyện, khóc lóc vật vã mà máy quay chĩa tứ phía, rồi chen vô cài micro đầy cổ áo người ta, hỏi mấy câu kiểu dẫn dắt, cài đúng vô nỗi bức xúc để người ta không kiềm được mà phơi hết bụng dạ cho cả cộng đồng thấy. Và gã mặn mà lắm mấy cái drama. Xe đổ đầy xăng, điện thoại đầy pin, sẵn sàng chạy, vừa quay vừa tám, vừa gặm bánh mì vừa "sản xuất chương trình", mặt hớn hở như chú xe ôm đang ngủ gục mà nghe nổ app.
Trước kia thằng Cò có nghề sửa máy tính, ai cần a lô nó xách đồ nghề chạy liền. Tập tành làm vài cái clip chia sẻ kinh nghiệm sử dụng máy, người coi cũng từ từ nhiều. Rồi cũng không biết ngày đẹp trời nào, Cò hô biến thành một YouTuber chuyên nghiệp. Gã say mê thật sự với nghề. Trong câu chuyện cứ nghe nhắc về những chuyến đi, hai mắt sáng lên khi nhắc lại thời điểm được YouTube cho bật quảng cáo, rồi cái gì là lượt sub, lượt like... cứ như tất cả những thứ đó chính là lẽ sống. Tóm lại, Cò trong mắt xóm làng là một gã trai lông bông, không nghề nghiệp rõ ràng, chả có chút tương lai nào. Mấy ông bà già thì thẳng thừng: "Tao có con gái còn lâu mới cho quen nó"...
Thằng Cò nghe chỉ cười hì hì. Trong bữa cơm ba tía con trong chòi, nó hỏi Lượm: "Người ta nói tui là thằng YouTuber tào lao, còn anh?". Lượm cười khà khà: "Chứ còn cái gì nữa!". Thỉnh thoảng rảnh rỗi, Lượm cũng vô trang của nó, thả mấy cái mặt cười. Cò la "Sao anh ha ha tui vậy?". Mà Lượm giỡn vậy thôi chứ thật trong lòng, Lượm thấy Cò là một đứa chơi được, một đứa giàu trắc ẩn, chí tình, chí nghĩa.
Ngày ấy, chính thằng Cò nói với Lượm rằng "nghèo mạt rệp cũng cưới vợ được". Rồi Cò ngồi trong phòng trọ Lượm, tính toán ghi ghi chép chép. Ngày Lượm cưới, Lượm loay hoay đóng mỗi một vai chú rể còn không nên thân, còn nó một mình thủ mấy vai, vừa làm rể phụ, quay phim, chụp hình, một lát kiêm luôn ca sĩ hát bài "Ô vui quá xá là vui...".
Cò đi như con thoi, kết nối nghèo khó, cô đơn với những tấm lòng nhân ái. Nó kiếm view, kiếm like, kiếm tiền và còn kiếm được những ân tình. Nó "giàu" thiệt. Nó sắm cho ông già tía chiếc xuồng chèo đi cắt rau cho tiện rồi gia cố cái chòi trên triền sông thốc gió. Thỉnh thoảng, tạt ngang, trải chiếu nằm chơi nói chuyện tào lao cho tía đỡ buồn.
*
Trưa nắng chang chang, Cò ghé qua chỗ Lượm.
- Anh rảnh hông, đi với tui!
- Nhậu à?
- Không! Vụ của ông già tía.
- Nữa hả!
Giọng Lượm có tới tám phần hoài nghi nhưng như mấy lần trước, cũng xỏ áo rồi ngồi lên sau lưng xe thằng Cò. Xe rẽ ra quốc lộ hướng về phía Bình Dương. Một con hẻm bên ngoài nhà cửa san sát nhưng càng sâu vô trong vườn xanh hiện ra. Một cánh cổng nhỏ sơn đen. Một người phụ nữ tầm bốn mấy, nước da rám nắng, cái nhìn thân thiện. Chị tự giới thiệu tên Lan. Chủ khách cùng ngồi xuống chiếc bàn đá dưới bóng cây trước sân. Giọng chị nhỏ nhẹ, vài chữ phát âm hơi cứng. Chị kể về tuổi thơ trong một hẻm nhỏ Sài Gòn những năm đầu mới giải phóng. Về di nguyện lúc má chị ra đi, rồi cho hai người khách coi kỷ vật má chị để lại. Một cái hộp thiếc đựng bánh quy cũ trong có mấy tấm hình đã ố vàng được bọc plastic cẩn thận. Hình chụp một cặp vợ chồng trẻ, anh chồng mặc quân phục lính cộng hòa. Một tấm khác chụp cảnh hai người ngồi bên một bến sông. Rồi chị nói về nỗi khắc khoải của đứa con gái bao năm đi tìm cha nhưng bặt vô âm tín. Chị nói chị có linh cảm rất mạnh khi coi mấy cái clip của Cò, nên đã quyết định bấm gọi.
Cò xin phép chụp cận mấy tấm hình. Lượm ghé đầu nhìn, hy vọng nhận ra một nét quen thuộc nào đó, nhưng người trong ảnh quá trẻ, khó thể làm một so sánh.
*
Hai đứa hì hục xếp đặt một cuộc hội ngộ ngay trong cái chòi bên triền sông của ông già. Không dám hy vọng nhiều sau vài lần không thành công. Vậy nên niềm vui giống như một bông mai rụt rè xòe những cánh vàng tươi khi mà mùa xuân từ lâu đã đi qua.
Những ngón tay gân guốc của ông già Tư run rẩy mân mê trên bức hình thời trai trẻ của mình với người vợ trẻ. Nước mắt rịn trên những vệt chân chim. Đôi môi run run mấp máy. Một cuộc hội ngộ không ồn ào như trong các cảnh phim. Không có nức nở, không ôm chầm. Chỉ đôi bàn tay nhỏ của người con gái nắm lấy bàn tay to bè, gân guốc của cha, để nghe truyền đi nhịp đập từ trái tim những yêu thương, thiêng liêng của tình phụ tử. Tiếng gọi "cha" run rẩy ngập ngừng. Giọng người cha trầm trầm, kể câu chuyện mà cả Lượm, cả thằng Cò đã nghe rất nhiều lần.
Đó là câu chuyện của chiến tranh ly tán. Là sự trêu ngươi, nghiệt ngã của số phận. Là những thăng trầm trôi nổi của một đời người. Là nỗi cô đơn, hoài vọng nặng trĩu như in như khắc vào cả không gian, thời gian. Những sớm, những trưa, những chiều nơi cái vạt sông ấy, thảy đều nhuốm một màu buồn vời vợi.
- Rồi cha gặp được mẹ cậu Lượm đây lúc nào cha?
- Ờ... Thằng Lượm... Con cứ coi nó là em con.
- Chắc chị không dè có em trai cao chồng ngồng vầy hè ...
Lượm cười gượng chen vào rồi bỗng tủi ngang không nói được nữa.
Cũng bởi Lượm đâu phải con ruột tía. Lượm thật ra là một đứa mồ côi, lai lịch còn mịt mờ hơn chị nhiều. Nó chẳng biết gì nhiều ngoài chuyện ngoại kể một sớm ra bờ dừa, nghe tiếng con nít khóc, ngó thấy cái thúng cũ động đậy. Ngoại mở ra coi, thương quá ngồi khóc theo rồi lui cui ẵm nó về nuôi. Mười chín năm ân tình rồi ngoại bỏ nó mà đi. Các cậu dì vì bảy công tư đất mà ngay ngày đưa tang đã ra sức chứng minh nó là đứa lượm được ngoài bờ dừa, chẳng máu mủ gì. Mợ Út nói sẽ sửa lại căn nhà kỷ niệm của ngoại cho thằng con lớn cưới vợ ra riêng. Lượm ngồi ngoài hè, nước mắt thương ngoại lẫn cùng những giọt chua chát cho tình người. Một trăm ngày ngoại xong, nó sụp lạy trước bàn thờ rồi đi. Ba lô đựng mấy bộ đồ cũ, ống chân đen mốc vảy phèn, đôi dép lào còn dính mấy vụn rơm. Chẳng biết Sài Gòn ở phương nào nhưng cứ nhảy xe mà đi. Nó làm đủ thứ nghề kiếm sống. Đêm về nằm phòng trọ xem điện thoại. Nó coi YouTube thằng Cò. Nó biết thừa mình không phải đứa con thất lạc ấy của ông già Tư khi xét về tuổi tác, giai đoạn xã hội. Nhưng cái khao khát được gọi mấy chữ "Tía ơi!" đã thôi thúc nó bấm liên lạc với chủ kênh. Nó kêu tía ơi vì thương ông già và cả thương mình. Rồi chuyển trọ tới đây để tía con tiện qua lại...
Thằng Cò đang loay hoay với công việc của nó. Hôm nay Cò quá vui vì rốt cuộc nó cũng tìm được gia đình cho ông già sau nhiều lần cố gắng bất thành.
- Nay mừng thiệt nha! Đông như vầy mới kêu là một gia đình nè.
Cò nói vừa quay điện thoại về phía Lượm. Lượm vội nhảy vọt ra khỏi màn hình.
- Đừng có đưa cái mặt anh lên nha! Thằng YouTuber tào lao này.
Mà nói vậy thôi chứ thật trong lòng, Lượm đã thả cho nó một trái tim to bự đỏ chói rồi.
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng;
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện
(Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)