Thả nổi đào tạo nhân lực công tác xã hội

11/10/2018 07:07 GMT+7

Có nhiều vấn đề nghịch lý về chất lượng đào tạo và sử dụng nhân lực ngành công tác xã hội ở các trường đại học hiện nay.

Cơ sở đào tạo nhiều hơn cả châu Phi
Tại hội thảo khoa học “Công tác xã hội, nhu cầu nhân lực và vấn đề đào tạo công tác xã hội viên” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 9.10, thạc sĩ Lê Chí An, Chủ tịch CLB Công tác xã hội (CTXH) TP.HCM, cho rằng chỉ từ 2 trường trước năm 1975 có đào tạo ngành này, đến nay cơ sở đào tạo đã nở rộ với hơn 50 đơn vị trong cả nước. Con số này nhiều hơn số lượng trường về lĩnh vực này của toàn châu Phi cộng lại.
Thạc sĩ An nhấn mạnh: “Số cơ sở đào tạo không ngừng được mở ra trong khi giảng viên không đáp ứng về các tiêu chí như năng lực, sự tận tâm, lòng yêu nghề, đạo đức nghề nghiệp... Một số nơi xu hướng mở ngành theo ý muốn chủ quan của cấp trên, của địa phương vừa để có tiếng vừa có kinh tế. Chất lượng các khóa học hệ đào tạo từ xa và vừa làm vừa học cũng cần xem xét, thậm chí chất lượng đào tạo sau ĐH ở một số nơi cũng là dấu hỏi”.
Ông An phân tích thêm: “Thực tế đào tạo CTXH ở nước ta hết sức đa dạng nhưng thiếu tổ chức nề nếp. Sự nở rộ các cơ sở đào tạo bậc ĐH, CĐ dẫn đến tình trạng chất lượng đào tạo bị thả nổi. Vì vậy, cần có một tổ chức thẩm định chương trình và chất lượng đào tạo. Lưu ý là hiện tại nhu cầu học CTXH ở các địa phương đã bão hòa do hàng loạt trường ra sức thu hút đầu vào”. Từ thực tế này, thạc sĩ An cho rằng cần quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo CTXH theo hướng giảm bớt số lượng, nâng cao chất lượng.
Bà Nguyễn Thụy Diễm Hương, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng trình độ ngoại ngữ của nhiều giảng viên CTXH còn hạn chế nên việc tiếp cận tài liệu chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài và đào sâu kiến thức gặp nhiều khó khăn.
Sinh viên loay hoay tìm việc
Thạc sĩ Lê Chí An cho biết theo mục tiêu Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020, nhu cầu nhân lực trong ngành LĐ-TB-XH giai đoạn 2010 - 2020 là tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho 60.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH.
Tuy nhiên theo ông An, những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực đào tạo này tỏ ra hết sức lo âu, trăn trở khi hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường phải loay hoay tìm việc và phải làm công việc không đúng chuyên ngành đã đào tạo. Một số rất ít được tuyển dụng vào các vị trí trong ngành nhưng chưa phát huy chuyên môn, còn đại đa số tự thân vận động.
Trong khi đó, bà Lê Thị Ngân, Giám đốc Trung tâm bảo trợ Thảo Đàn, nhìn nhận: “Khi đến thực hành có những sinh viên chưa hiểu rõ để áp dụng lý thuyết vào thực hành. Kiến thức và kỹ năng mềm chưa được trang bị, ví dụ như luật trẻ em, tâm lý trẻ em...”.
Sinh viên chưa hiểu rõ về nghề khi chọn ngành học
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện khảo sát với 137 sinh viên năm nhất ngành CTXH năm học 2017 - 2018 của 3 trường ĐH (Sư phạm, Mở, Khoa học xã hội và nhân văn). Hầu hết sinh viên chưa thực sự hiểu rõ về ngành khi quyết định chọn ngành này nên có một số bỏ học vì không hứng thú và cảm thấy không phù hợp.

TP.HCM: thu nhập 8 - 10 triệu đồng/tháng
Riêng tại TP.HCM, ông Phạm Đình Nghinh, Giám đốc Trung tâm CTXH trẻ em (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết cơ hội việc làm vẫn rộng lớn với sinh viên các ngành CTXH và xã hội học, ví dụ các vị trí: cán bộ trẻ em, bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, chính sách người có công… Ngoài các trung tâm bảo trợ xã hội của TP, sinh viên có thể làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, 50 - 60 cơ sở bảo trợ ngoài công lập và nhiều tổ chức an sinh xã hội khác. “Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thu nhập trung bình từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. So ra với hệ số bảng lương các ngành nghề khác thì có thể thấy khá cao”, ông Nghinh khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.